.

Miên man nắng gió sông Hàn

Đã Tết.
Dọc những con phố quen bên dòng sông Hàn thơ mộng nối liền biển đảo Sơn Trà, tự nhiên cái cảm khoái được lang thang du ngoạn lại hiện về, hối thúc tôi ngược dòng thời gian để đẩy những chùm kỷ niệm như sao băng rơi xuống mặt biển. Sóng biển đã xóa nhòa bao nỗi niềm xa xứ...

Mùa giêng, lao xao những ánh đèn đường, trong dòng người hối hả lúc hừng đông để chào đón một năm mới. Buổi chợ sớm mai, tôi thả bộ dọc con đường lộc non và hoa trái đầu mùa, nhiều loài hoa đã bừng hết hương sắc của mình cho khí trời giao hòa lúc vào Xuân. Sông Hàn mênh mang như tình mẹ đã chở che không biết bao nhiêu thăng trầm cuộc đời.

Đi qua những con đường rộng mở, thanh bình uống quanh từng con phố, vòng quanh biển như Nguyễn Tất Thành, Bạch Đằng, Sơn Trà-Điện Ngọc... dừng chân nghỉ lại cảng Tiên Sa để hít căng lồng ngực gió biển. Mới thấy biển mặn đã tinh kết trong ta bao nhiêu sâu nặng tình người. Tôi có cảm giác được hòa mình vào cỏ cây, vào biển, vào gió sông Hàn. Tất cả chênh chao, luấn quấn. Nao nao niềm thôi thúc về những kỷ niệm dính chùm trong ký ức một hôm bừng dậy, lại lang thang trong những miền hoang tưởng của xứ sở động Hoa vàng trong thơ của người thi sĩ tài hoa Phạm Thiên Thư với:

Mùa xuân bỏ vào suối chơi
Nghe chim hát núi gọi trời xuống hoa...
Chim từ bỏ động hoa thưa
Người từ tóc biếc đôi bờ hạ đông

Xuống non nhớ suối hoa rừng
Vào non nhớ kẻ lưng chừng phố mây
Về thành nhớ cánh chim bay
Xa thành thương vóc em gầy rạc hoa...
(Đưa em tìm động hoa vàng)

Mà núi nào không mang trong mình những kỳ tích, mà sóng nào lại không mang trong mình niềm kiêu hãnh khi chạm vào bờ cát. Tôi lại tha thẩn nhẩm đọc câu ca dao hình như xưa lắm rằng “Đổi hai mai mới có một chiều”. Đã Tết, đã chiều cuối năm, đã ngoài ba mươi... những điều đó tưởng như kết dính thành một bức bình phong trong nắng gió. Ba mươi tuổi, những cái Tết với tôi lại mang vị tiếc nhớ ngẩn ngơ về thời gian và lòng trắc ẩn. Những cái Tết nhớ quê nhà da diết trong vị nồng cay của hành muối, rồi thơm phức đĩa bánh ngào, bánh trụng cho mẹ tôi thức cả đêm tỉ mẩn làm rồi dọn cúng ông bà tổ tiên vào đúng thời khắc giao thừa. Quê tôi, vùng đất dưới chân Đèo Ngang đó, cái Tết nào ở xa quê, tôi cũng canh cánh chạnh lòng. Tết về thương mẹ nhiều hơn bởi những hy sinh vô bờ bến, bởi những sọc tóc quấn ngày thanh xuân của mẹ đi về phía bên kia. Đi xa, tôi vẫn đón xuân bằng nỗi nhớ đầu tiên về mẹ. Nơi đó mênh mang ân tình nặng sâu không thể đáp đền...

Ở thành phố biển này, không cái Tết nào tôi không tự du xuân vào đêm ba mươi, mua lấy cho mình một nhánh trầu làm lộc đầu năm. Cái lá trầu vậy mà hay. Xứ Quảng, cứ đến Tết, đêm 30, những mẹ già, những cô gái Quảng lại chuẩn bị cho mình một ít lộc đầu trầu đầu năm, kê những gian hàng nho nhỏ dọc các con đường, để sau khi những bông pháo hoa được bắn lên khai hội đầu xuân, mừng năm mới, mừng an lành cho mọi nhà, các hành khách du xuân lại dừng lại, chọn mua cho mình một nhành lộc trầu đầu năm. Cái lá trầu, bao đời nay, vẫn là một nhân vật không bao giờ thiếu đối với mỗi gia đình đất Việt. Để trên bàn thờ tổ tiên một đĩa trầu cau cúng ông bà, trong khói hương buông tỏa, chừng như mỗi một người dân đất Việt lại thêm yêu thương cuộc đời. Xứ Quảng, mỗi mùa Tết về, tôi nhớ có bao nhiêu là bánh, mỗi loại bánh, lại mang trong mình một ý nghĩa rất riêng, đó là những tên gọi xứng danh cho một vùng quê thuần Việt với bánh tổ, bánh dày, bánh tét. Phải chăng cái mảnh đất hào kiệt ngàn xưa này đã luôn là niềm say mê tận cùng của những người muốn khám phá và chiêm nghiệm trong từng vỉa tầng văn hóa?

Bờ cát. Buổi mùa xuân khai hoang, thanh thản những bông hoa muống biển tím bình an hiền dịu đang nở ven đường cát. Chiều Tết, vận vào mình nỗi nhớ chênh chao của nắng gió sông Hàn, tôi đã nhận ra sức nặng của tình người trên quê hương thứ hai. Đã Tết. Chừng như hoan ca niềm tưởng vọng những buổi chiều cuối năm hanh hao nắng, hanh hao gió, mặt biển chợt bừng lên những sợi nắng cuối cùng như ban ơn điều gì đó với mặt đất hiền. Từ đó, những bước chân tôi đã dẫm lên từ mạch nguồn sự sống, mạch nguồn của sự bao dung quá đỗi trước cuộc đời.

Tiên Sa, Đà Nẵng 2010

Nguyễn Thị Anh Đào

;
.
.
.
.
.