Sáng hôm ấy, 19-8-2010, tình cờ trùng với ngày kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam ta, GS Ngô Bảo Châu bắt đầu ngày làm việc của anh như mọi ngày bình thường. Anh không băn khoăn nhiều về việc nhận Huy chương Fields, mà đang lo lắng làm sao trình bày một cách cô đọng và sắc bén bản báo cáo mời trong phiên họp toàn thể, trước sự có mặt của 3.500 nhà toán học khắp hành tinh.
Đúng 10 giờ 55 phút, buổi lễ khai mạc bắt đầu, bằng lời giới thiệu về đất nước Ấn Độ và thành phố Hyderabad, một thành phố có lịch sử 5.000 năm với những di sản huy hoàng về triết học, văn học, âm nhạc, hội họa. Ấn Độ là một đất nước phương Đông đầy bí ẩn, có tới 450 dân tộc, 21 ngôn ngữ chính và hàng trăm phương ngữ, cùng tồn tại hàng chục tôn giáo khác nhau.
Số người dự phiên họp vượt quá mức dự kiến, có thể lên tới gần 4.000. Ngoài các nhà toán học đến từ năm châu lục, còn có Đoàn Ngoại giao, các vị khách mời danh dự. Đoàn đại biểu Hội Toán học Việt Nam từ trong nước đến đây gồm 25 thành viên.
Tất cả những người thân trong gia đình GS Ngô Bảo Châu đều có mặt: Bố là GS, TSKH Ngô Huy Cẩn; mẹ là PGS, TS Trần Lưu Vân Hiền; vợ là cử nhân Nguyễn Bảo Thanh; và ba cô con gái Ngô Thanh Hiên, Ngô Thanh Nguyên và Ngô Hiền An xinh xắn, duyên dáng trong tà áo dài lụa hoa truyền thống. Đặc biệt, cô con gái đầu Ngô Thanh Hiên đã 15 tuổi, trông đúng là một thiếu nữ Hà thành thanh lịch. Tất cả gia đình anh Châu đến Hyderabad theo một tour du lịch Ấn Độ…
Thành phố Hyderabad nằm trên vùng đất cao, bình thường khí hậu nóng nực, nhưng buổi sáng hôm ấy trời dịu mát dễ chịu nhờ cơn mưa rào đêm trước.
Hội trường náo nức hẳn lên khi bà Pratibha Devisingh Patil, Tổng thống, và các vị lãnh đạo Nhà nước Ấn Độ bước vào.
Nghi lễ khai mạc chính thức bắt đầu lúc 11 giờ 5 phút.
Bốn ngọn đèn trên một cây đèn lớn được Tổng thống Ấn Độ, Thủ hiến bang Andhra Pradesh (Hyderabad là thủ phủ của bang này) và Chủ tịch Hiệp hội Toán học quốc tế (IMU) Lászlo Lovász lần lượt bước tới thắp sáng lên.
Tiếp đó là diễn văn khai mạc của Trưởng Ban Tổ chức Đại hội 2010, của Chủ tịch IMU Lászlo Lovász, và của Thủ hiến bang Andhra Pradesh.
Mọi người chăm chú theo dõi từng vị khách quý ngồi trên hàng ghế đầu, và cảm thấy hơi vững tâm vì trong số đó hiện diện GS Ngô Bảo Châu.
Cuối cùng, giờ phút đáng mong đợi nhất đã đến: 11 giờ 25 phút.
GS Martin Groetschel, Tổng Thư ký IMU, chậm rãi đọc danh sách 4 nhà toán học được tặng Huy chương Fields năm 2010.
Người đầu tiên được xướng danh là Elon Lindenstrauss, sinh năm 1970, từ Đại học Hebrew ở Jerusalem, Israel. Anh là người có nhiều công trình nghiên cứu nổi tiếng về lý thuyết ergodic và những ứng dụng trong lý thuyết số. Đây là nhà toán học Israel đầu tiên được tặng Huy chương Fields. Trước Đại hội, cư dân mạng hầu như không ai đoán được trường hợp này.
Sao chưa nghe tên anh Châu nhỉ? Một khoảnh khắc lo âu thoáng qua: Hay là có sự trục trặc nào chăng? Hàng triệu người Việt Nam thót tim chờ đợi…
Đúng 11 giờ 30, trên màn hình hai bên cánh gà hội trường bỗng hiện lên bức ảnh nhà toán học của chúng ta, cùng lúc với dòng tin vắn: “Ngô Bảo Châu sinh ngày 28-6-1972 tại Hà Nội, Việt Nam”.
Lời giới thiệu của Tổng Thư ký Martin Grotschel chậm rãi, rõ ràng: “Ngô Bảo Châu đến từ Đại học Paris-Nam, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội”.
Nếu nói đó là giây phút thiêng liêng thì có lẽ cũng không quá đáng. Cùng với ba tiếng “Ngô Bảo Châu”, hai tiếng “Việt Nam” vang lên liên tục và những đợt vỗ tay kéo dài tới bốn phút.
Ngô Bảo Châu trở thành nhà toán học đầu tiên của một nước đang phát triển nhận “Nobel toán học”! Anh là người thứ tư ở châu Á có được niềm vinh dự ấy, chỉ sau 3 nhà toán học Nhật Bản: Kunihiko Kodaira (Huy chương Fields, 1954), Heisuke Hironaka (1970) và Shigefumi Mori (1990). Việt Nam trở thành nước châu Á thứ hai có người đoạt Huy chương Fields, và quốc gia thứ 15 trên thế giới có công dân được tặng huy chương này!
Những người thân trong gia đình anh Châu, và nhiều nhà toán học Việt Nam đã nhiều năm gắn bó với anh Châu như GS, TSKH Lê Tuấn Hoa, TS Phan Thị Hà Dương bật khóc. Nhiều người Việt Nam khác cũng nước mắt tràn mi…
Trầm tĩnh, nghiêm trang, trong bộ complet màu xám sáng, GS Ngô Bảo Châu bước lên bục hội trường giữa tiếng vỗ tay vang dội kéo dài, nhận tấm Huy chương Fields từ tay bà Tổng thống Ấn Độ Pratibha Devisingh Pratil và Bằng chứng nhận Huy chương cùng tấm séc 15.000 đô-la Canada từ tay GS Lászlo Lovász, Chủ tịch IMU.
Tiếp đó, theo thứ tự chữ cái a, b, c của họ tên, ông Chủ tịch IMU lần lượt xướng danh hai nhà toán học khác cũng được tặng Huy chương Fields kỳ này là: Stalislav Smirnov, sinh năm 1970, Đại học Geneva, người Nga hiện làm việc tại Thuỵ Sĩ, nhờ thành tựu trong vật lý thống kê; và Cédric Viallani, sinh năm 1973, Viện Nghiên cứu Henri Poincaré, Paris, người Pháp, nhờ những chứng minh về sự tắt dần và hội tụ đến cân bằng Landau cho phương trình Boltzmann. Như vậy là, gần ba phần tư thế kỷ trôi qua, cho tới giờ phút ấy, trên thế giới, chỉ mới có 52 người được nhận tấm huy chương cao quý ấy.
Để có được phút giây tột đỉnh vinh quang ở Hyderabad, Ngô Bảo Châu đã phải trải qua - như lời anh nói - “15 năm cô đơn với Bổ đề cơ bản”.
Nếu vội thỏa mãn với xuất sắc, thì không bao giờ đạt tới vĩ đại
GS Gérard Laumon, người thầy của Ngô Bảo Châu, cũng có mặt tại Hyderabad hôm ấy, nhận xét:
“Ngô Bảo Châu hiện đã đạt được đỉnh cao trong nửa đầu sự nghiệp của anh ấy. Anh ấy hiện nay là người dẫn đầu, nhà lãnh đạo của toàn thế giới, trong một lĩnh vực rộng lớn của toán học”.
Kể lại những ngày đầu, khi mới nhận Ngô Bảo Châu làm nghiên cứu sinh, GS Gérard Laumon nói:
“Tôi nhớ rõ buổi trình bày tuyệt vời bản luận án thạc sĩ của Ngô Bảo Châu năm 1993. Vào lúc đó, tôi thực sự không có một đề tài nào có thể gọi là tốt cho luận án tiến sĩ, nên tôi rất lưỡng lự khi nhận nghiên cứu sinh mới. Nhưng, Michel Broue, người chịu trách nhiệm về dạy và học toán tại École Normale supérieuere (*), đã có ấn tượng rất mạnh về Ngô Bảo Châu và đã thuyết phục tôi nhận anh ấy làm nghiên cứu sinh.
Cuối cùng, tôi đề nghị Ngô Bảo Châu nhận đề tài mà tôi có kế hoạch dành cho chính mình, đó là Bổ đề Jacquet. Đề tài này quả thật rất khó”.
Về thực chất, Bổ đề Jacquet có nhiều nét tương đồng với Bổ đề Langlands (hay còn gọi là Bổ đề cơ bản trong Chương trình Langlands). Nó khó đến mức suốt hai năm miệt mài suy nghĩ, một người thông minh vượt trội như anh Châu (2 huy chương vàng toán quốc tế), vẫn không đạt được một kết quả nào đáng kể để có thể đem ra bảo vệ luận án tiến sĩ! Mặc dù vậy, anh vẫn không xin thầy cho phép đổi sang một đề tài khác “chắc ăn hơn”, một đề tài thuộc loại “râu ria”, “cành nhánh” trong khoa học. Anh quyết “đối mặt đến cùng”, “đối đầu không khoan nhượng” với bài toán vô cùng hóc hiểm kia! Anh vẫn can đảm bơi giữa “dòng chủ lưu” của toán học thế giới. Và rồi, vào một ngày đẹp trời, khi hoa lệ xuân nở thắm những nẻo đường Gif-sur-Yvette giữa cánh đồng đại mạch rộm vàng ở vùng Orsay, ngoại thành Paris, anh bỗng thấy lóe lên một tia chớp tư duy sáng chói! Từ tia chớp xuất thần kỳ diệu ấy, anh tìm thấy “tuyệt chiêu” để chiến thắng! Chỉ sau đó mấy tháng, anh bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ. Thầy Gérard Laumon đánh giá đó là “thành công lớn lao đầu tiên” trong cuộc đời làm toán của anh Châu.
Mặc dù, sau đó, viết luận án tiến sĩ khoa học (bậc học cao hơn tiến sĩ) về một đề tài khác, anh Châu vẫn luôn bị Bồ đề cơ bản “ám ảnh” triền miên. Năm 2004, anh cùng thầy Gérard Laumon công bố kết quả giải quyết Bổ đề cơ bản cho các nhóm unita. Chỉ mới giải quyết được một phần bài toán, thế mà đã mang lại cho hai thầy trò Giải thưởng Clay danh giá ở Mỹ. Ngay sau đó, thầy anh được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp. Anh còn lại “một mình một ngựa” trên con đường nghìn dặm xa. Năm 2007, anh bỗng giải quyết được Bổ đề cơ bản trong trường hợp tổng quát, và được tặng Giải thưởng Oberwolfach ở Đức, rồi Giải thưởng Sophie Germain ở Pháp. Sau đó, phải mất một năm nữa, mới đủ thời gian để cho giới toán học quốc tế “xăm soi” kết quả nghiên cứu của anh, và, cuối cùng, công nhận là hoàn toàn đúng! Lúc bấy giờ, tờ báo Time ở Mỹ mới xếp công trình của anh vào danh sách 10 phát minh khoa học nổi bật nhất thế giới năm 2009. Và rồi, năm 2010, anh mới được tặng Huy chương Fields.
Về những sự kiện liên tiếp ấy, tôi muốn lưu ý bạn đọc một nhận xét rất sâu sắc của GS Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam: “Những ai vội thỏa mãn với xuất sắc, thì không bao giờ đạt tới vĩ đại!” Chính vì Ngô Bảo Châu không thỏa mãn với xuất sắc, không dừng lại ở Giải thưởng Clay, cho nên anh mới đạt tới vĩ đại. Thành tựu toán học của anh quả là vĩ đại! Ta không ngại dùng từ “vĩ đại” khi mà thực tế khách quan đúng là như vậy. GS Hoàng Tuỵ, một nhà toán học lão thành, quê ở Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam, nổi tiếng là “rất khó tính”, thế mà ông quả quyết:
“Theo tôi, với những gì anh đã làm được về toán, nếu gọi Ngô Bảo Châu là thiên tài, cũng không quá lời. Tôi ví thành công của anh là một trận Điện Biên Phủ, trận Điện Biên Phủ thứ ba…”.
“Bao liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì… Bổ đề cơ bản!”
Tính từ 1993, khi anh Châu bắt đầu nhận đề tài viết luận án tiến sĩ về Bổ đề Jacquet, cho đến 2008, khi anh giải quyết trọn vẹn Bổ đề cơ bản trong Chương trình Langlands, đúng là “mất đứt” 15 năm! Tôi muốn nói “mất đứt” bởi vì rất có thể… toi công! Giới toán học thế giới đã liệt kê ra một bản danh sách khá dài các nhà toán học danh tiếng, trong ba thập niên liên tiếp, đã “liều lĩnh thử sức” với Bổ đề cơ bản và, cuối cùng, đã chuốc lấy “thất bại định mệnh”! Người ta gọi những nhà toán học đáng kính ấy là “những liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì… Bổ đề cơ bản”! Và, bổ đề này vẫn tiếp tục tồn tại như... “một tòa lâu đài tăm tối”!
Ta có thể đọc kết luận của báo Time (Mỹ) khi đánh giá thành tựu toán học của Ngô Bảo Châu để xếp vào 10 khám phá khoa học nổi bật nhất trên thế giới năm 2009:
“Năm 1979, nhà toán học người Mỹ gốc Canada Robert Langlands phát triển một lý thuyết đầy tham vọng và có tính cách mạng nhằm kết nối hai ngành của toán học là lý thuyết số và lý thuyết nhóm, gồm nhiều phỏng đoán quan trọng mà ngày nay gọi là Chương trình Langlands. R. Langlands dự đoán rằng để chứng minh được các phỏng đoán ấy phải mất nhiều thế hệ các nhà toán học. Ông tin chắc Bồ đề cơ bản là hòn đá tảng cản đường, nếu vượt qua được, thì sẽ tiếp tục tiến lên một cách thuận lợi. Ông và một số học trò của ông đã chứng minh được một số trường hợp riêng. Nhưng, việc chứng minh được Bổ đề này trong trường hợp tổng quát khó hơn nhiều so với những gì mà R. Langlands hình dung lúc ban đầu, khó đến mức 30 năm qua chưa ai thực hiện được!
Mấy năm vừa rồi, nhà toán học Việt Nam Ngô Bảo Châu, làm việc ở Đại học Paris-Nam và Viện Nghiên cứu cao cấp Princeton, đã giải quyết được một cách tài tình bài toán đó. Sau khi chứng minh của ông Ngô được kiểm tra và khẳng định là chính xác, giới toán học quốc tế thở phào nhẹ nhõm. Nhiều nhà toán học ở lĩnh vực này, trong ba thập niên qua, đã xây dựng các công trình của mình trên giả thiết rằng Bổ đề cơ bản là đúng và, vào một ngày nào đó, sẽ được chứng minh. Những ai xây dựng công trình của họ ở bên kia bờ sông đều trông chờ một người nào đó bắc cho cây cầu qua sông. Và, cây cầu ấy bỗng nhiên xuất hiện. Bổ đề cơ bản đã được chứng minh. Như vậy, các công trình của họ ở bên kia sông không trở thành vô dụng - Peter Sarnak, nhà lý thuyết số của Viện Nghiên cứu cao cấp Princeton nhận xét như vậy”.
Giả thiết rằng Bổ đề cơ bản là đúng, rồi xây dựng các công trình nghiên cứu toán học mới trên nền tảng là cái giả thiết kia, nhưng nhỡ ra, nếu rốt cuộc, bổ đề nọ bỗng được chỉ rõ là sai lầm, thì hệ luỵ kéo theo nó là bao nhiêu công trình toán học dựa trên cái giả thiết ấy đều sai tuốt cả, đều trở thành hoàn toàn vô dụng cả, khác nào những tòa nhà xây trên móng ọp ẹp, đổ sập! May thay, nhờ Ngô Bảo Châu mà điều đó không xảy ra! Nhiều nhà toán học cảm thấy nhẹ nhõm. Những công trình mà họ trót mạo hiểm xây nên ở phía bên kia bờ sông, giờ đây, đều trở thành hữu dụng…
Ngô Bảo Châu thường nói “15 năm cô đơn với Bổ đề cơ bản”, đó là tính từ khi anh nhận đề tài nghiên cứu sinh về Bổ đề Jacquet cho đến khi chứng minh được trọn vẹn Bổ đề cơ bản.
15 năm trước, vấn đề của Langlands chẳng còn ai quan tâm nữa. Người ta coi đó là “vấn đề đã chết”; mấy chục năm rồi chẳng ai làm được, thì thôi, không làm nữa!
Như trên đã nói, thật ra, Bổ đề Jacquet gần giống với Bổ đề Langlands. Nhưng, do Bổ đề Jacquet không nổi tiếng, không kéo theo quá nhiều kết quả rực rỡ như Bổ đề Langlands, nên người ta không để ý. Nhờ “khuất phục” được Bổ đề Jacquet năm 1997, về sau, anh Châu mới có kinh nghiệm để “chiến thắng” Bổ đề Langlands (hay thường gọi là Bổ đề cơ bản).
15 năm là một quãng thời gian rất dài, nếu ta nhớ rằng khi nhận Huy chương Fields, Ngô Bảo Châu mới 38 tuổi. Ngay cả cuộc đời truân chuyên của nàng Kiều cũng chỉ kéo dài có 15 năm thôi mà...
HÀM CHÂU
(*) Ta thường dịch là Đại học Sư phạm Paris.