.

Viết vội lúc xuân về

.
(Đà Nẵng Xuân 2011) - 1. Cứ tưởng chỉ có người mình mới biết chơi chữ, như cách dụng công đặt nhan đề một số bài báo tiếng Việt gần đây: “Bất động sản hay bất động... sảng”, “Giám mà không sát, sát mà không... dám”, “Nhiệt tình tuy dư, tư duy lại thiếu”...
 
Mô tả ảnh.
Đường Nguyễn Văn Linh nối cầu Rồng. Ảnh Quốc Tín
 
Thực ra chơi chữ không hề là đặc sản của dân Việt, chẳng hạn dân Mỹ họ cũng rất thích chơi chữ, bằng chứng là trong cuộc chạy đua giữa bà Hillary Clinton với ông Barack Obama để trở thành ứng viên của Đảng Dân chủ tranh chức Tổng thống Mỹ mấy năm trước đây, có một tranh cổ động ủng hộ bà Hillary Clinton được cử tri miền Bắc California dựng nơi sân nhà hay dán trên cửa sổ với hàng chữ bắt mắt đầy ấn tượng: “The only place for a woman is in the house - the White House” (tạm dịch: Nơi duy nhất dành cho người đàn bà là ở trong nhà - Nhà Trắng).
 
Mới đọc hoặc nghe phần đầu thì thấy đây là câu nói rất bất bình đẳng giới, bởi đã thể hiện quan niệm hết sức cổ hủ cho rằng công việc duy nhất của phụ nữ là làm nội trợ; nhưng đọc hoặc nghe trọn vẹn cả hàng chữ có tính chất chơi chữ này - in the house/trong nhà và in the White House/trong Nhà Trắng - có thể thấy đây là tuyên ngôn về khát vọng cháy bỏng của phụ nữ Mỹ trên con đường đấu tranh cho bình đẳng giới: phải trở thành người lãnh đạo tối cao trên chính trường Hoa Kỳ. Tất nhiên chơi chữ bằng cách nói lái kiểu tuy dư/tư duy thì chắc là dân Mỹ phải… chào thua dân mình. 

2. Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa đặt tên cho một con đường chạy thẳng về hướng biển Đông là Đông Kinh Nghĩa Thục. Trước đây Đà Nẵng cũng từng có con đường mang tên Đông Kinh Nghĩa Thục nhưng nằm trong nội thành; còn đi trên con đường mang tên Đông Kinh Nghĩa Thục bây giờ mắt có thể nhìn thẳng về phía khơi xa. Dường như tên những con đường hoặc chạy dọc theo bờ biển hoặc chạy thẳng về hướng biển đều mang thông điệp tinh thần của người Đà Nẵng gửi đến thập phương thiên hạ, chẳng hạn các tên đường Hoàng Sa và Trường Sa là sự khẳng định của người Đà Nẵng về chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với hai huyện đảo thân yêu, hay tên đường Đông Kinh Nghĩa Thục nêu trên là sự thể hiện quan điểm của người Đà Nẵng về đổi mới cách nghĩ cách làm giáo dục: chuộng thực học/chống từ chương khoa bảng.
 
Quan điểm này xuất phát từ phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX trên đất Quảng mà đến nay vẫn còn nóng hổi tính thời sự. Rõ ràng đặt tên đường không chỉ để cho nhà có số, phố có tên. Ngay cả việc gắn biển tên đường cũng không chỉ nhằm mục đích chỉ dẫn đường đi lối lại. Gắn biển tên đường còn là dịp để công bố thông điệp tinh thần của cư dân địa phương, như người Đà Nẵng từng làm khi gắn biển tên các đường Hoàng Sa và Trường Sa - ngày gắn biển có báo đưa đài đọc với hình ảnh những người công nhân gắn biển trồng trụ mà gương mặt rạng rỡ tự hào như vừa mới lập công dâng lên Đất Nước.

Mô tả ảnh.
Cáp treo Bà Nà. Ảnh: Ông Văn Sinh
3. Tất nhiên chỉ dẫn đường qua lối lại, tạo thuận lợi cao nhất cho người tham gia giao thông vẫn là mục đích chủ yếu của việc gắn biển tên đường. Chính vì vậy mà cây trụ tên đường ở các giao lộ Đà Nẵng gần đây đã có một sự thay đổi đáng kể: từ chỗ hai cánh bằng nhau đến chỗ hai cánh lệch nhau để người tham gia giao thông cùng lúc có thể nhận biết cả hai tên đường trước mặt. Hai cánh bằng nhau thì chẳng có vấn đề gì nhưng đã cánh cao cánh thấp thì lập tức sinh chuyện: tên đường nào nằm trên, tên đường nào nằm dưới, và dân Quảng Nam hay cãi đã tốn không ít thời gian, giấy mực để tranh luận về chuyện này. Người này cho rằng cần xem xét quan hệ đường chính/đường phụ, đường trục/đường nhánh.
 
Người khác lại quan niệm phải kính lão đắc thọ - tức cần xem xét quan hệ lịch đại trước/sau... Nói chung ai cũng có cái lý của mình. Câu chuyện dường như vẫn chưa ngã ngũ. Tuy nhiên, dẫu là xem xét theo quan hệ nào - đường chính/đường phụ, đường trục/đường nhánh hay lịch đại trước/sau - thì cũng đều nằm trong khuôn khổ tư-duy-góc-phố. Nên chăng với những thành phố lớn đang vươn lên trình độ tổ chức giao thông hiện đại như Đà Nẵng, có lẽ cũng đã đến lúc nên vượt qua tư-duy-góc-phố để hướng tới tư-duy-trên-cao với những biển tên đường và tín hiệu giao thông được đặt không phải ở góc phố mà là ở trên cao, sao cho người tham gia giao thông có thể quan sát và nhận diện từ xa những thông tin liên quan đến đường qua lối lại. 

4. Từ lâu phương Nam vẫn là một vết hằn rất sâu trong tư duy người Việt. Chẳng thế mà người Việt một mặt rất dị ứng với những tên gọi An Nam, Nam Hải, Nam Quan, Nam Sa… mặt khác lại tự hào khẳng định Nam quốc sơn hà nam đế cư và luôn có ý thức quảng-nam mở cõi, mở đường nam tiến... Bùi Tá Hán là danh tướng thời Lê Trung Hưng - người có rất nhiều công lao trong quá trình mở rộng biên cương Tổ quốc về phương Nam - vừa được Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng tôn vinh qua việc đặt tên ông cho một con đường ở quận Ngũ Hành Sơn là địa bàn đang có con đường mang tên Huyền Trân Công Chúa - người mà năm 1306 đã nước non nghìn dặm nam chinh, đẩy lùi biên giới Việt - Chăm tới tận bờ bắc Thu Bồn.
 
Và không chỉ được người Đà Nẵng đặt tên đường, Bùi Tá Hán còn được người Đà Nẵng văn chương hóa thành một nhân vật sinh động trong tiểu thuyết Minh Sư của nhà văn Thái Bá Lợi mới xuất bản năm Canh Dần. Văn chương hóa cũng có nghĩa là bất tử hóa bằng nghệ thuật ngôn từ. Có thể nói năm 2010, Đà Nẵng được mùa về tiểu thuyết lịch sử bởi ngoài Thái Bá Lợi cho ra mắt Minh Sư còn có nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam vừa hoàn thành bản thảo cuối cùng của Thế kỷ bị mất - cuốn tiểu thuyết gần như là đầu tiên viết về phong trào Duy tân đất Quảng. Theo cách nói của nhà thơ Inrasara thì Thái Bá Lợi và Phạm Ngọc Cảnh Nam đã đủ... cô đơn để sáng tạo.

5. Nhân nói về chuyện cô đơn trong sáng tạo nghệ thuật, chợt nhớ ngày mới khởi công xây dựng cầu Thuận Phước và ngay cả khi khánh thành cây cầu này, người Đà Nẵng vẫn có cảm giác cầu Thuận Phước nằm rất rất xa, cô đơn tận nơi cuối sông đầu biển. Nhưng với con đường Bạch Đằng nối dài, giờ đây người Đà Nẵng đã có thể đi dọc sông Hàn về phía cửa biển, đến sát chân cầu và cảm thấy cầu Thuận Phước đang ở giữa phố phường nhộn nhịp.
 
Cảm giác thấy-xa-rồi-lại-thấy-gần này cũng chính là cảm giác mười năm trước khi người Đà Nẵng nghĩ về  cầu Sông Hàn - cây cầu không chỉ nối liền hai không gian địa lý nằm ở đôi bờ con sông chảy giữa lòng thành phố, mà còn nối liền hai trình độ văn minh. Và đây cũng sẽ là cảm giác vài năm sau này khi người Đà Nẵng nghĩ về khu đô thị sinh thái Hòa Xuân - một vùng đất cũng từng cô đơn bên hữu ngạn sông Hàn...
 
Và cũng nhân nói về chuyện sáng tạo nghệ thuật và về sông Hàn, chợt nhớ viết vội đến đâu thì cũng không được quên rằng văn chương luôn đòi hỏi sự bay bổng của trí tưởng tượng, của những ý tưởng lãng mạn - chẳng hạn như ý tưởng nắn lại dòng chảy sông Hàn, bằng cách đào tiếp một đoạn sông ngang khu vực sân bay Nước Mặn để sông Hàn có thể nhằm hướng Tây - Đông mà đổ thẳng ra cửa biển Non Nước, thay vì ngoắt theo hướng Nam - Bắc đổ vào vịnh Đà Nẵng như tự bao đời...
    
BÙI VĂN TIẾNG
;
.
.
.
.
.