.

Chuyện vặt làng văn

.

Thi thoảng ghé vào cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam. Mấy bác nhà văn già, đàn anh tôi như Trần Trương, Đỗ Chu ngồi nhắc chuyện xưa. Chuyện xưa mà neo giữ bao tình và cảnh. Nay ghi lại một chuyện của nhà thơ Trần Trương.

Đầu thập kỷ tám mươi, tôi là Phó phòng Cục Văn hóa quần chúng, Bộ Văn hóa, quản lý mấy bác như Trần Dần, Phùng Quán.

Phùng Quán nghèo, theo đuổi suốt cái đận cán sự hai, 56 đồng, nhân viên cho mấy đứa chả có mấy tăm tiếng thành tích văn chương như tôi. Ông  không có việc cụ thể, nên cơ quan cho ông đi tăng gia sản xuất.
Số là cơ quan có mảnh đất ở nông trường Quân Chu, Thái Nguyên. Sợ ông lên đấy chỉ rong chơi, phòng phân công cho tôi thảo hợp đồng giao kèo với ông. Hợp đồng ghi rõ, sau một vụ sáu tháng, Phùng Quán phải nộp lại cho phòng 3 tạ sắn, hoặc mía, khoai, tùy thời vụ. Nếu không nộp thì phải ghi rõ xử lý ra sao? Lãnh đạo phòng đưa ra ý kiến vậy! Tôi nói với ông Quán ý kiến ấy. Phùng Quán chả nghĩ ngợi nhiều, ghi toạc: Không nộp sản phẩm, Quán này xin đền cái xe mi-ni con vịt. Chúng tôi biết, đây là tài sản duy nhất của cả nhà Phùng Quán. “Thế thì chắc ăn rồi!“ Bộ ba lãnh đạo phòng đọc hợp đồng hí hửng, an tâm khi  giao kèo  bảo đảm bằng cái xe mi-ni con vịt.

Thời gian sau, tôi hỏi ông Quán: Ông có cái xe duy nhất quý  thế, sao dám mang ra cá cược? Phùng Quán tỉnh queo nói: “Có đền cái con... tao đây này”. Chẳng là tôi hay gần gũi Phùng Quán nên ông cứ sõng vậy.

Phùng Quán lên đồi. Khí hậu vùng Quân Chu khi đó chẳng thuận, vốn coi là nơi lam sơn chướng khí, xưa Pháp từng có một trại tù. Xung quanh ông Quán ở bấy giờ còn hoang vu. Cỏ lác, rắn rết không ít. Mùa lũ thì thật đáng sợ. Có lần mấy anh em phòng tôi lên thăm, lúc qua suối Vàng, nước cuộn ngầu ào ào, tôi tí chết đuối. May nhờ bơi cạnh chị Thu kế toán, khi nước suýt nhấn chìm, tôi tóm được cái ống quần chị Thu đã buộc chít lại. Kín khí, hai ống quần phồng lên như cái phao, nhờ đó tôi thoát chết. Phùng Quán sống ở đấy một mình, cuốc đất trồng ngô, khoai, sắn, mía, ớt, cà và đậu. Đêm đêm,  ông  tìm vào các bản làng quanh đó chơi. Có lần tôi lên đó ở dăm bữa, mới biết dân quanh làng, ai cũng quý mến ông.

Họ không biết Nhân văn giai phẩm là gì. Chỉ biết, đấy là một lão hay làm thơ, đọc thơ, tên là Phùng Quán. Vì thế, ông cũng đôi khi được mời ăn cưới, trong đó không thiếu các cựu chiến binh sau chiến tranh trở về làng lấy vợ. Tiệc cưới nào dự, ông cũng đọc đi đọc lại bài thơ Lời mẹ dặn. Giọng ông Quán sang sảng, đọc thơ rất khí thế, diễn cảm, chả có “mi-cô” mi kẹo gì, nhưng cứ chạy thẳng vào tâm can anh em chiến sĩ từng một sống hai chết. Cánh cựu binh áo Tô Châu bạc màu, còn khét mùi khói đạn trở về, vỗ tay đôm đốp tán thưởng. Mỗi bận đi ngâm ngợi như vậy, Phùng Quán được bà con cơm rượu ê hề, khất kha khất khưởng, phất phới quần lá tọa, áo chàm bạc, đi về cái nhà  hai gian mái rạ. Có bận ông Quán và tôi say quá, nằm vật ra vườn mía ngủ tới sáng mà chả hay.

Phùng Quán vất vả và kham khổ. Nhà cửa tuềnh toàng, chả có gì ngoài cái giường tre, chăn mỏng. Sau này, tôi bàn với lãnh đạo mua cho  một bộ  nồi nhôm Liên Xô. Một ngày lên trang trại, ông chỉ vào cổ tay nói với tôi: Đêm qua có ba thằng vượt suối vào, đè trói giật cánh khỉ, lấy đi tất cả xoong nồi rồi. Tôi nhìn vào cổ tay ông,  thấy có vết đo đỏ, chả biết sự tình ra sao. Nhưng chuyện ấy cũng thật phiền. Năm ấy họp kiểm điểm, bí thư nói: “Đồng chí Trương xem ra mất lập trường. Tư tưởng có vẻ hữu khuynh, bênh ông Quán. Cái vụ xoong nồi nghi lắm. Quán khỏe thế, bố thằng cướp nào đè ông ấy ra được, mà mất toi bộ nồi quý’’. Sự việc cũng chả ai dám giải quyết ra sao rồi cũng nhạt đi sau vài năm.

Thực ra, anh em văn nghệ bấy giờ rất thương nhau. Quán hay về nhà tôi để lấy lương, không muốn về cơ quan giáp mặt với mấy bác cán bộ khác. Vợ tôi làm ở Công ty Bách hóa. Song vẫn là tay kiếm ăn chính trong nhà. Nhà tôi có chút đỉnh cơm gạo, để thi thoảng đãi cơm ông Quán và vài người khác.

Đỗ Chu bấy giờ từ quân đội mới chuyển ra, trên bảo, về Hà Bắc đi thực tế mà viết. Nói về Chu, lâu nay thi thoảng gã cũng rẽ vào, có gì ăn nấy, nên trước khi đi, Đỗ Chu đến, quăng cho sổ đong gạo, tháng đong 17 ký. Bấy giờ sổ gạo coi như sổ vàng. Đỗ Chu dặn, tôi về bên Hà Bắc, có anh em lo, không để đói. Cứ để tiêu chuẩn này cho vợ ông đong gạo, có cái mà nấu cho ai cơ nhỡ. Nhà tôi bấy giờ ở Hàn Thuyên, rộng 27,28m2. Lại vừa mua được cái sa-lông nan gỗ Sài Gòn. Tôi đưa cho ông Quán một chìa khóa, nhằm tiện khi anh đi, về. Phùng Quán hay mặc đồ chàm, quần lá tọa. Áo nút  gỗ, do ông khéo tay, lấy gỗ gọt nhỏ như đầu đũa, xuyên lỗ, đơm vào. Guốc cũng tự đẽo khi rảnh rỗi. Quai thì lấy dao lạng mỏng lốp ô-tô, phần cao su có chỉ bên trong, đóng đinh chắc vào guốc. Mỗi bận ông Quán về, oai phong gõ bước lốp cốp, vang vang con ngõ đìu hiu. Phùng Quán về, mở cửa vào nhà. Nhà vắng, ông làm một giấc. Thấy ghế mới,  không dám lên đó ngả lưng. Ông chui vào gầm ghế,  chân cứ xỏ nguyên guốc gỗ mà ngủ. Vợ tôi về, ngó vào, chỉ thấy đôi guốc đẽo to tướng cứ đong đưa, lắc la lắc lư, ở gầm bàn, chết khiếp! Đánh bạo nhìn  lên, thấy ống tọa, áo chàm, biết ngay là ông Quán. Quán thấy động, lồm cồm bò dậy: Quán đây, Quán đây. Tao mới về. Cười hỏi, ông anh vào bằng cách nào? Ông đáp: Vào cửa chính. Tao có chìa khóa! Lại vặn: Ai đưa cho ông vậy? Phùng Quán không dám khai ra tôi đưa cho, dấm dứ: Chả ai đưa cả… Thế mới tài chứ! Nói xong cười ha hả.

Vợ tôi để ông ở nhà, quay ra cửa hàng thịt mậu dịch, lấy nửa cân phiếu mua được 1 ký chân giò, để đãi ông. Cơm dọn ra, ông bảo: Quán không ăn thịt. Thịt dành cho các con, phần xương cho tôi nhắm được rồi. Quán chỉ ăn xương. Mấy năm sương gió tơi bời, bốn mùa nơi hoang vu, nóng, lạnh, Quán gầy gò, đen đủi. Nghe ông nói thế mà rớt cả nước mắt.

Vậy nên tin chuyện Đỗ Chu nhủng nhẳng đế thêm: Cái thời ấy, sau chiến tranh đâu cũng thế, chả cứ gì ông Quán. Thi sĩ Thanh Tùng đãi bạn văn thịt một chú gà ở Hải Phòng, khi ăn, thản nhiên nói: Các ông uống rượu, ăn thịt đi, rồi vun gọn xương lại góc mâm này cho. Đêm ấy Chu chợt ghé. Thi sĩ Thanh Tùng nấu cháo toàn xương cho Chu ăn. Thanh Tùng ngồi bên bạn văn, vớt được cái đầu gà gắp vào bát Chu. Chu nhìn, biết tỏng hoàn cảnh, thôi thì gặm trơn sạch da đầu gà cho đỡ nhớ mùi thịt. Lại nghĩ thương ông ấy quá, gặm hết da, cũng muốn nhai tan cả xương đầu gà, nhưng lại trả vào nồi cái đầu gà còn dính tí cổ, tự múc cho mình bát cháo, rồi bảo: để dành sớm mai, ninh tiếp…

Trần Trương đế tiếp: Sau đận ấy Phùng Quán lên lương cán sự Ba, tức 64 đồng một tháng. Cũng thêm được ít đường, tí sữa cho vợ con.

*
Chuyện xong. Trần Trương rót chén nước trà xanh mướt, hôi hổi thơm lựng đưa cho tôi, nghiêm ngắn nói: Chú mày uống đi kẻo nguội. Thời bấy giờ ai ai cũng như thế. Cánh nhà văn như Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật… ở chiến trường còn nguy hiểm, gian khổ vạn lần, mà các lão ấy vẫn viết ra tấm ra món. Đỗ Chu lại kể: Ông Quán có khi vinh, khi khổ như vậy. Song sự ấy âu là đồng hành cùng bao người, nên sau này mới ra Cây cà, cả tập Trăng hoàng cung rồi Ba phút sự thật chân ngã đến ghê người. Dưới Hải Phòng, cánh Thi Hoàng, Thanh Tùng, Đào Cảng cũng có những bài thơ hay nhất. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng có được một trong những bản tình ca hay nhất thời đổi mới, là phổ bài thơ Thời hoa đỏ của Thanh Tùng chứ của ai? Những thứ ấy cho người đời biết rõ về một thời, một thuở, một năm tháng đã xa.

Đỗ Chu vê vê râu bạc dài mọc lưa thưa, nheo nheo mắt qua cái kính đồi mồi tròn, nhìn ra ngoài. Mưa đông nhè nhẹ lất phất tựa mưa xuân, màn màn lút ngún rơi trên sân, phả lên như sương khói. Giọng Chu chầm chậm đọc:

… Trong câu thơ của em anh không có mặt
Câu thơ hát về một thời yêu thương tha thiết
Anh đâu buồn mà chỉ tiếc
Em không đi hết những ngày đắm say...

Nguyễn Văn Thọ

 

;
.
.
.
.
.