Từ mấy mươi năm trước, khi còn nhỏ, đã được nghe người lớn kể về giai thoại thi sĩ Tô Đông Pha sửa thơ của Tể tướng Vương An Thạch. Lớn lên, thời thanh niên, cũng đã nhiều lần hào hứng đem chuyện ấy “mở cát xét” lại cho bạn bè nghe, ra cái điều ta đây Hán... rộng. Rồi khi bắt đầu học chữ Hán, mới thấy cái “chuyện cũ đã nghe” có điều... không ổn. Định nêu ra thắc mắc, rồi lại... quên. Quên đến mấy mươi năm.
Nay Tết đến, nhớ lại, rồi tình cờ đọc được một quyển sách; hóa ra, thấy câu chuyện mấy mươi năm trước vẫn tồn tại và được phổ biến rộng rãi, với những “rao giảng”... cao đàm rất chi là... bác học. Tóm tắt, nội dung gồm những... miêu tả và luận bàn, theo giọng điệu như sau:
“Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri”. (Hiểu, biết mà biết mình hiểu biết, thì gọi là hiểu biết. Không hiểu, không biết mà tự biết mình không hiểu, không biết thì xem như đã tự hiểu biết rồi vậy (Luận Ngữ).
Đời Tống Thần Tông (1068 - 1078) năm 1074 dương lịch có Tể tướng Vương An Thạch (1021 - 1086) đậu tiến sĩ năm 21 tuổi, là một trong bát đại gia trên văn đàn Trung Hoa. Tô Thức (còn gọi Tô Đông Pha - 1036 - 1101) đỗ tiến sĩ năm 22 tuổi (năm 1057), tác giả hai bài Tiền và Hậu Xích Bích Phú (1082) rất nổi tiếng.
Một hôm, danh sĩ Tô Đông Pha được mời vào dinh Tể tướng. Trong khi ngồi chờ tại phòng khách, Tô Đông Pha nhìn thấy trên vách treo bức tranh thơ có hai câu mà họ Tô cho là phi lý: Minh Nguyệt sơn đầu khiếu (Trăng sáng hót nơi đầu núi)/ Hoàng khuyển ngọa hoa tâm. (Chó vàng nằm trong lòng bông hoa). Họ Tô tự hỏi là: “Tại sao mặt trăng sáng (minh nguyệt) mà lại hót trên đỉnh núi (sơn đầu khiếu) được? Con chó vàng (hoàng cẩu) sao có thể nằm trong lòng bông hoa (ngọa hoa tâm) được?”. Họ Tô nghĩ, nên sửa lại hai câu thơ này, như sau: Minh nguyệt sơn đầu chiếu (Trăng sáng soi đầu núi)/ Hoàng cẩu ngọa hoa âm. (Chó vàng nằm dưới bóng bông hoa). Tô Thức rất đắc ý và có thưa với Vương An Thạch về việc sửa thơ. Quan Tể tướng cười nhưng không nói gì.
Sau đó, Tô Đông Pha được lệnh đi công tác ở miền Nam. Trong một đêm trăng, ông đi ngắm cảnh và nghe có tiếng chim hót thánh thót. Hỏi dân làng, mới biết tiếng hót ấy là của giống chim tên gọi Minh Nguyệt. Rồi, khi ngắm hoa, thấy có một loại hoa mà đóa hoa nào cũng có một con sâu to nằm trong lòng bông hoa. Dân làng cho biết loại sâu ấy gọi là Hoàng Cẩu. Họ Tô mới giật mình và liên tưởng tới hai câu thơ của Vương An Thạch. Thì ra, Hoàng Khuyển và Minh Nguyệt đều là tên riêng của hai giống trùng - thú...! Xấu hổ, Tô Đông Pha dâng thư về tạ tội với quan Tể tướng. Sau đó ít lâu, họ Tô được triệu về tại kinh đô. Quan Tể tướng niềm nở tiếp đón Tô Đông Pha. Và từ đó Tô Đông Pha rất kính phục cả về tài năng, đức độ và kiến văn quảng bác của ngài. Vân vân và... vân vân... Phần bình luận, thôi thì đủ lời khen: phương pháp giáo dục nhân bản, khoa học, và tân tiến...
*
Chuyện được “giảng giải”... rõ ràng ràng như thế, hay ho quá cỡ... thợ mộc như thế đấy! Nhưng chỉ cần đem tự điển Thiều Chửu ra, tra cứu sơ sơ mấy chữ minh nguyệt theo nghĩa tên một loài chim, thì sẽ thấy cũng... rõ ràng ràng, rằng, chữ minh (theo nghĩa tiếng chim hót), tất nhiên là có bộ điểu; và chữ hoàng (theo nghĩa tên một loại sâu bọ), phải có bộ trùng. Và, “tất nhiên rồi”, rằng, Vương An Thạch không làm thơ bằng... chữ quốc ngữ Việt Nam (với những mẫu tự La tinh), mà viết theo chữ Hán (cũng... tất nhiên rồi). Nghĩa là, không thể viết minh nguyệt theo nghĩa trăng sáng. Cũng như vậy, hai từ hoàng cẩu (với nghĩa là tên một loài sâu), thì không thể bị viết... nhầm thành từ hoàng cẩu theo nghĩa là con chó vàng). Người viết đã không viết như thế, thì làm gì có chuyện Tô học sĩ sửa thơ? Chẳng qua, cái - gọi - là giai thoại đó chỉ là “sáng tác”... chơi của mấy ông... ưng nói dóc nhà ta thôi.
*
Kết thúc chuyện “trà dư tửu hậu” giữa lúc xuân tâm thư thái, xin “lặp lại” lời bình phẩm của chính những người đã thuyết giảng cho thiên hạ (đã dẫn ở đầu bài viết), mà, không ngại rằng... lặp lại: “Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri”.
Thôi thì, để nhẹ nhàng đầu óc, bỏ qua ba cái chuyện... cọ cãi, xin chép tặng bài thơ Tết Nguyên đán (Nguyên Nhật) của vị Tể tướng họ Vương trong câu chuyện, như sau: Bộc trúc thanh trung nhất tuế trừ/ Xuân phong tống noãn nhập Đồ Tô/ Thiên môn vạn hộ đồng đồng nhật/ Tổng bả tân đào hoán cựu phù. (Trần Trọng San dịch: Hết một năm rồi, tiếng pháo đưa/ Gió xuân thổi ấm chén đồ tô/ Ngàn cửa muôn nhà vừa rạng sáng/ Đều đem đào mới đổi bùa xưa).
Nguyễn Đông Nhật