.

Hoài niệm

.

Ngày tháng thoi đưa, một năm trôi qua rất mau và thấm thoát lại sắp đến Tết Nguyên đán cổ truyền. Mấy chục năm qua, tuy không có dịp ăn Tết ở quê nhà nhưng tôi vẫn không thể nào quên cái Tết rộn ràng tại làng quê Vĩnh Kim thân thương của mình.

GS, TS Trần Văn Khê 				       Ảnh: TÚ PHƯƠNG
GS, TS Trần Văn Khê Ảnh: TÚ PHƯƠNG

Ở quê tôi, sau khi đưa ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp thì bắt đầu có chợ Tết về đêm. Chợ cá làng Vĩnh Kim tối nào cũng rộn rịp. Người bán tay cầm đuốc miệng rao hàng, đon đả mời khách mua những con cá lóc to đem về kho với nước dừa xiêm để dành ăn 3 ngày Tết. Trong nhà lồng, trên các thớt thịt bày ê hề những tảng thịt đùi ngon lành được soi sáng bởi ánh đèn dầu. Trước sân chợ là cả rừng hoa, nào mai vàng óng ả, vạn thọ lộng lẫy, rồi bông huệ, bông cúc trắng ngần xinh tươi...

Sân chợ còn san sát mấy chục đệm chất đầy dưa hấu vỏ xanh ruột đỏ như mời mọc người mua. Nhà nào dẫu nghèo cách mấy cũng ráng mua một cặp dưa để chưng bàn thờ ngày Tết. Nhà khá giả hơn mua cả chục cặp, bởi ở miền Nam có thói quen “bói dưa” ngày Tết. Ngày mồng một, nếu xẻ trái dưa mà ruột đỏ au là cả nhà đều vui mừng, tin rằng năm nay sẽ gặp vận đỏ. Rủi gặp trái dưa có màu lợt lạt thì vội vã đóng lại ngay và xẻ thêm trái khác, cho tới khi nào gặp được trái đỏ mới thôi.

Đêm 30 Tết, mọi người trong gia đình tôi quây quần tận hưởng bầu không khí đoàn tụ êm đềm và chờ đợi giao thừa, thời khắc tống cựu nghinh tân thiêng liêng nhất trong năm. Trên bàn thờ khói hương nghi ngút, bàn ăn bày biện đủ thứ bánh, mứt, rượu, trà. Sau lễ cúng rước ông bà, đến giờ Tý, tiếng pháo giao thừa đồng loạt vang lên. Pháo lớn, pháo nhỏ, pháo con rít, pháo đại và nhứt là pháo tre âm vang cả làng. Pháo nhà nào nổ giòn giã, không bị tắt giữa chừng được coi là điềm tốt.

Sáng mồng một, anh em tôi - tuy mồ côi cha mẹ phải sống với cô Ba nhưng vẫn được chăm sóc chu đáo- đứa nào đứa nấy xúng xính trong bộ áo quần đẹp còn thơm mùi vải mới. Đặc biệt, em trai tôi Trần Văn Trạch được diện đôi giày… con gái khá độc đáo do Trạch có cỡ chân bằng y với người chị họ. Sáng mùng Một năm nào Trạch cũng loay hoay với đôi giày kiểu cọ, tội nghiệp nhất là em thường mang… lộn chân vì cách cột dây giày của con gái ngược với con trai. Thấy em khổ sở với mấy sợi dây giày, tôi luôn phụ giúp và nhắc nhở Trạch phải nhớ kiêng cử không được nhăn nhó để khỏi buồn suốt năm.

Trong đại gia đình tôi, mồng Hai hết sức quan trọng. Tất cả mọi người tụ tập tại nhà cậu Tư Nguyễn Tri Lạc, nhà hương hỏa thờ cúng ông bà, để cùng dự buổi hòa nhạc theo phong cách đờn ca tài tử miền Nam. Ngày hôm đó, không chỉ bà con lối xóm mà cả người mộ điệu trong các làng lân cận đều đến rất đông. Buổi Khai đàn mang đậm tính văn hóa dân tộc này là một nét đẹp truyền thống của gia đình tôi, tiếc thay nay do hoàn cảnh mỗi người một phương nên không còn duy trì được nữa.

Đến mồng Ba, trong làng tiến hành lễ Khai thị, cầu Thành hoàng phù hộ cho dân làng buôn may bán đắt quanh năm. Người được Ban hội tề cử ra chủ trì buổi lễ chính là cậu Tư tôi, được gọi là ông Chánh bái. Cậu mặc áo dài khăn đóng chỉnh tề, cùng học trò tiến hành buổi lễ với tiếng mõ, tiếng chuông, tiếng trống rộn ràng từng hồi, học trò lễ đi “ký gót” trang nghiêm theo đúng quy định trong Nhạc lễ. Tết là thời điểm mới của một năm nên mọi việc đều phải mở đầu một cách tốt lành và long trọng như vậy để cả làng được may mắn suốt năm.

Không chỉ nhớ Tết của quê nhà miền Nam, trong ký ức của tôi vẫn còn ghi đậm kỷ niệm của lần đầu tiên ăn Tết tại miền Bắc cách đây đã hơn nửa thế kỷ.

Năm 1941, tôi mới chuyển ra Hà Nội, thuê một căn phòng trọ để theo học năm thứ nhất trường Y. Sau 7 năm khép mình trong cuộc sống nội trú gò bó tại trường Pétrus Ký ở Sài Gòn, tôi như con chim sổ lồng, tự do tung cánh tại thủ đô nổi tiếng ngàn năm văn vật.

Lần đầu tiên tiếp xúc với những thiếu nữ Hà thành, không có nước da bánh mật mặn mòi như những cô gái Nam bộ, các cô gái Hà thành đã khiến không ít thanh niên miền Nam chúng tôi say lòng vì dáng vẻ đài các và làn da trắng mịn không cần điểm phấn, với đôi môi hồng tươi đẹp tựa thoa son. Tôi ở trọ tại ngôi biệt thự của y sĩ Vũ Ngọc Quỳnh. Ông có căn gác rộng rãi bỏ trống phía trên nhà để xe nên đồng ý cho tôi thuê. Mùa xuân năm ấy, tôi không về quê nên được hưởng hương vị Tết đậm đà bản sắc của Hà Nội, với mưa Xuân giăng giăng, với cái rét ngọt ngào. Chiều 30 Tết, tôi dự bữa cỗ tất niên cùng với gia đình ông Quỳnh và sau đó đi ngắm phố phường.

Đêm cuối năm, Hồ Gươm đông đúc người đi chơi xuân, cùng nhau hái lộc rồi rẽ vào lễ đền. Trên cầu Thê Húc đi ra chùa Ngọc Sơn dập dìu trai thanh gái lịch. Thanh niên toàn mặc complet sẫm màu, tóc tai chải chuốt. Các thiếu nữ thướt tha trong những tà áo nhung đen sang cả, choàng chiếc khăn “san” trắng, chân đi giày nhung yểu điệu. Các cô cười nói ríu rít và đưa mắt khẽ liếc anh chàng thanh niên đi bên cạnh. Tôi mới ra miền Bắc còn bỡ ngỡ không biết ăn nói sao cho phải phép nên chỉ cười rụt rè: “Các cô đi hái lộc đó à?”. Một thiếu nữ e lệ cúi đầu, tiếng nói nhẹ như hơi thở: “Vâng ạ!”. Trong một thoáng tôi tưởng chừng như mình đang lạc vào cõi bồng lai.

Hơn 11 giờ đêm, tôi trở về nhà theo đúng lời dặn dò của ông bà y sĩ. Sau khi chuẩn bị xong các mâm lễ cúng giao thừa, cả nhà ngồi quây quần bên chiếc bàn lớn. Ông bà Quỳnh ngồi ở đầu bàn, tôi là khách được ngồi kế tiếp rồi đến các con theo thứ tự lớn nhỏ. Trong bầu không khí nghi ngút khói hương trầm, cành đào rực rỡ sắc hoa hồng thắm lung linh in bóng lên tường, tôi ngỡ mình đang đứng trước một bức tranh cổ Trung Hoa.

Tất cả mọi người đều trong tâm trạng vừa háo hức, vừa hồi hộp chờ xem hoa Thủy tiên nở của thời khắc giao thừa. Đây là thú chơi hoa rất tao nhã và thanh lịch, tiếc thay ngày nay hình như đã không còn thịnh hành. Hoa Thủy tiên vốn có nguồn gốc vùng Hoa Nam (Trung Quốc) và Nhật Bản, là loài hoa rất “tiên cách”, với củ nhỏ như củ hành, lá thanh mảnh, cánh hoa màu trắng hay vàng nhạt, rễ cây tròn đầy, trắng muốt và óng ả.

Ngay từ đầu tháng 11 âm lịch hằng năm, ông Quỳnh đã phải bắt tay vào việc tỉa gọt và ngâm hãm với bí quyết riêng, tùy theo thời tiết của năm ấy mà tính toán cách chăm nom mỗi ngày. Đặc biệt, lần đó ông chăm đến gần 30 giò thủy tiên - đặt trong những bát pha lê trong suốt - mà đến hơn phân nửa nở đúng vào giờ giao thừa. Điều đó đủ cho thấy nghệ thuật chơi hoa của ông đã đạt đến mức “thượng thừa”.

Vào đêm giao thừa năm ấy, khi đồng hồ thong thả ngân nga 12 tiếng cũng là lúc những cánh hoa thủy tiên từ từ hé nở và tỏa ra một mùi hương dịu dàng thoang thoảng. Tôi ngơ ngẩn ngắm nhìn mà cảm giác như đang có một nàng tiên cầm chiếc đũa thần khẽ chạm vào những chiếc nụ để từ đó nở ra những cánh hoa trắng nõn nà ngát hương. Cảnh tượng này đối với tôi thật lạ lùng, thật thật hư hư, đang ở trần gian mà tựa như lạc miền tiên cảnh.

Tôi chợt nhớ lại, có mấy người chị họ ở quê đều được đặt tên các loài hoa như Trang, Hường, Huệ… mà chưa thấy có ai tên là Thủy Tiên. Vì vậy, sau này khi có con gái đầu lòng, tôi đã đặt tên là Thủy Tiên, để nhớ lại những kỷ niệm tuyệt đẹp của mùa xuân đầu tiên trên đất Bắc.

TRẦN VĂN KHÊ
 

;
.
.
.
.
.