.

Nhớ cái Tết năm ấy

Vào năm 1970, cơ quan Hội Văn nghệ giải phóng Khu 5 đóng ở Nước Nghêu (nay thuộc xã Trà Ka, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam). Vì bị bom B52 của Mỹ đánh vào cơ quan cũ ở Nước Bui (Giằng, Quảng Nam) mới dời về đây, vừa làm nhà vừa sản xuất, chưa thu hoạch được, nên anh em văn nghệ sống rất khổ.

Hằng ngày anh em vào rừng chặt cây dớn (một loại cây dương xỉ) về chặt khúc, vạt vỏ, nạo thân bên trong luộc lên để làm lương thực, ăn với muối. Cái thứ nhơn nhớt như thân đu đủ ấy đã nhiều lần đi vào những giấc mơ sau này của tôi. Họa hoằn lắm, anh em mới đổi được bữa sắn, coi như đời lên hương.

Vào cuối năm 1970 đầu năm 1971, để chuẩn bị đón Tết, nhà văn Chu Cẩm Phong, Bí thư chi bộ cơ quan cho anh em đi đồng bằng mua muối về để đổi gạo và heo. Tuy nhiên, những năm này, bà con dân tộc cũng đói khổ thiếu thốn nên chưa đổi được, chỉ mới có một ít sắn.

Đêm giao thừa năm ấy chị Phương Liên, người yêu của nhà văn Chu Cẩm Phong, một bác sĩ bên ban Dân y qua chơi. Anh em đốt một đống lửa ở nhà Tổ Múa-Nhạc vui liên hoan với nhau. Nhà thơ Dương Hương Ly đọc mấy bài thơ mới viết về Quảng Nam: Người đi dép một chân, Buổi chiều con bò kêu ngoài đồng… Họa sĩ Giang Nguyên Thái đánh đàn ghita. Chị Phương Liên hát những bài hát về Hà Nội… Trong lúc đó, em Tam cấp dưỡng và tôi lột sắn để luộc và chuẩn bị muối ớt. Cuộc vui kéo dài đến giao thừa. Chính lúc chiếc đài bán dẫn của nhà văn Cao Duy Thảo báo tin giao thừa đang đến, nghe pháo nổ, em Tam và tôi mang rổ sắn luộc và muối ớt lên “cuộc vui” để liên hoan. Chị Phương Liên vừa cười vừa kéo chiếc gùi chị mang sang mở ra, lấy một gói kẹo lớn hàng ký và 1 bao thuốc lá đặt bên rổ sắn:

- Biết các anh bên Văn nghệ đói khổ, không như bên Dân y nên tôi mang cái này sang…

Mọi người vỗ tay hoan hô. Vậy là có cái đón giao thừa “tươm tất” rồi. Có kẹo nhé, có thuốc lá nhé, có sắn luộc nhé. Muối ớt nữa. Mọi người vừa hỉ hả ăn sắn, ăn kẹo, hút thuốc vừa nghe Bác Tôn chúc mừng năm mới.

Sáng hôm sau, vào ngày đầu năm, khi chúng tôi vừa thức dậy đã nghe Chu Cẩm Phong ồ lên, chỉ vào lùm cây trước sân hôm nào bị pháo dập xơ xác:

- Kìa, trên các thân cây chồi non đã mọc rồi…

Mọi người vui vẻ bước ra sân đón cái nắng vàng nhè nhẹ đầu xuân, cười nói xôn xao.

Bỗng nhiên nghe tiếng khóc. Mọi người quay lại. Thì ra, em Tam cấp dưỡng vừa luộc xong rổ dớn ở dưới bếp, bưng lên chiếc bàn làm bằng thân cây nhỏ đặt ở giữa sân, đứng sững sờ nhìn lùm cây, nước mắt ràn rụa…

Bốn mươi năm đã trôi qua, ngày nay, mỗi lần Tết đến, ngồi trước những mâm cao cỗ đầy tôi thường xúc động nhớ lại cái Tết năm ấy. Nhiều lúc tôi đứng thẫn thờ ngó về những dãy núi xanh mờ xa chìm khuất trong mây trắng…

Thanh Quế

 

;
.
.
.
.
.