.

Nhớ và nghe

Trong một email vắn tắt, chị Ý Nhi nói đang tập hợp thơ của những người đã mất cho một tờ báo Xuân. Đọc và  cứ  nghĩ mãi. Có một điều không thể chối được rằng, dù xuân có long lanh hạnh phúc đến bao nhiêu đi nữa, thì người đang sống vẫn luôn nghĩ tới người đã mất. Nhất vào dịp cuối năm, khi cửa nhà mênh mang là việc.    

Dọn cái phòng khách thì cứ nhớ mẹ ruột của mình đã tới căn nhà nhỏ xíu đầu tiên ở khu tập thể Hòa Cường, vào những ngày giáp Tết đầu tiên được ra riêng. Mẹ tới, ngủ lại một đêm, sáng mai, mẹ giúi vào tay mình tờ 5 ngàn, nói là mừng nhà mới. Rồi mẹ đi qua chợ An Cư mua con heo về nuôi.

Tết, về nhà mẹ, chuồng heo trống trơn. Mẹ vừa vấn điếu thuốc rê vừa cười tủm tỉm: Đem 10 ngàn đi mua heo, cho hết 5 ngàn, lấy mô mà mua! Sau cái Tết đó, mẹ mắc bệnh ung thư, cầm cự đến cái Tết năm sau rồi mất. Trước khi mất chừng 10 tiếng đồng hồ, mẹ biểu mấy đứa con ngồi gần và đọc một bài thơ của chú Nguyễn Quân (một người bạn thân thiết cùng đi tập kết của mẹ và ba). Chỉ nhớ mang máng là bài thơ được làm lâu lắm rồi, hồi chú Quân còn ở Nghệ An. Đoán chừng, lúc đó, chắc mẹ đang nhớ quặn lòng mảnh đất ven bờ sông Hiếu, thấp thoáng những gốc gạo già hoa đỏ rợp trời, như réo gọi người thương trở lại. Và cả gốc đào trút rụi lá để nở tung những nụ hoa hồng phớt trước  sân nhà.

Lúc soạn sửa áo quần cho mẹ, lục tung tủ đồ cũng không kiếm được bộ nào ưng ý. Dưới gối mẹ rớt ra tờ bạc 2 ngàn mới tinh, chắc tiền lì xì. Đó cũng là tờ bạc duy nhất mẹ còn giữ được. Ngồi bệt trước tủ áo quần bần thần: Thì ra, mỗi bữa mẹ xay bột làm mì Quảng hay bánh xèo rồi kêu cả nhà, con cháu tới ăn; mỗi bữa mẹ mừng đứa cháu đầy tháng, hay thôi nôi, nhà mới; mỗi bữa mẹ làm bữa cơm tất niên đầy đủ nem chả, gà luộc, thịt heo cuốn bánh tráng, cá thu chiên; mỗi bữa mẹ lì xì lũ cháu lúc Tết đến... là mỗi bữa mẹ phải bán đi một cái nồi đồng, một cái cối xay bột, một bộ đồ bà ba, một cái áo dài nhung, một cái áo ấm... Thế mà chúng tôi hồn nhiên ăn, hồn nhiên nhận, hồn nhiên mơ một căn nhà to hơn, chiếc xe đẹp hơn, bộ quần áo đắt tiền hơn.

Rồi lại nhớ má chồng. Vài năm, trước khi mất cứ biểu mấy người con treo cái biển bán nhà ra trước cửa để “chia mỗi đứa mỗi ít, phụ cho chúng mua nhà, sửa nhà...”. Nhưng con cái ai cũng nói, phải giữ căn nhà này lại, không phải chỉ là một nơi chốn đi về của bao người, mà là lúc nào cũng được thấy bóng hình của má. Thế rồi cái biển bán nhà lại được cất đi, ít lâu sau, má lại thấy đứa này cực quá, đứa kia thiệt thòi quá, lại đem cái biển bán nhà ra treo lại. Cuối cùng, khi má mất 10 năm, thì căn nhà cũng đã không giữ được.

Đứng giữa phòng khách, lúc đặt bình hoa chỗ này, đặt đĩa trái cây chỗ kia cứ nghĩ, liệu má có lần theo hương khói mà về đến căn nhà này bao giờ chưa? Mà đã ngồi ở đâu để nhìn bao nỗi buồn vui trôi qua cuộc đời của mỗi chúng con? Rồi cứ nghĩ giữa việc tụi con có căn nhà mới mà phải bán đi căn nhà má - với việc  giữ lại căn nhà má, mà nhà cửa ai cũng chật chội, tù túng, má sẽ mỉm cười với sự lựa chọn nào? Lại nhớ, có lần, mình lên chùa, mấy dì đứng quanh hỏi: “Con bệnh răng, mà hôm đi lễ Quán Thế Âm ở Non Nước, thấy má con cứ nói là tui ưng khấn cho con dâu tui khỏi bệnh, tui muốn chết thay cho nó”... Rồi một cuộc phẫu thuật. Mọi chuyện bình yên với mình. Còn má lại bắt đầu yếu dần với bệnh tim. Ngần ấy năm má bệnh, có bao giờ mình ước “để con chết thay cho má” được lần nào?

Vừa cắm những bông cúc vàng và lay ơn đỏ trên bàn thờ, vừa nhớ, má lần nào cũng chưng hoa huệ. Mình thích huệ trắng, nhưng lại ngại phải thay nước đôi lần để huệ tươi và gốc lâu rữa. Vừa xếp những gói bánh thuẫn, bánh nổ, đòn bánh chưng, bánh tét sao thật vừa chỗ, thật ấm áp, vừa nhớ những ngày làm dâu phụ má buôn bán quán ăn. Phải thật cận Tết, thì quán mới nghỉ bán, mấy mẹ con thức tận khuya, có khi 2 - 3 giờ sáng làm mọi loại bánh mứt, rồi chả thủ, rồi giã riềng làm tré, gói bánh tét.  Mang bầu, buồn ngủ rục rời, má biểu mình đi ngủ, mình đã không thể nói rằng “để con thức làm với má...”!

*
Mấy năm gần đây, quá nhiều người mình quen biết đã lần lượt ra đi. Cứ nghe máy điện thoại báo một cái tin ai đó vừa qua đời, thì mình lại giữ cái điện thoại trong tay lâu hơn mọi tin nhắn khác, rồi vào danh bạ tìm tên người đã mất ấn vào nút xóa.

Lần xóa tên người này, lại nhớ tên người đã xóa trước!

Nguyễn Văn Phương, Đặng Ngọc Khoa, Nguyễn Trung Bình, Nguyễn Hữu Hương, Hoàng Minh Nhân... Và gần đây nhất, vừa sáng, mở máy đã nhận tin nhắn của Trần Phước Ninh, một bạn trẻ bị tật nguyền làm thơ -  báo tin Phan Minh Mẫn qua đời. Chưa trò chuyện với anh Mẫn lần nào, nhưng luôn thầm quý mến anh, vì anh luôn cúi xuống, cúi xuống trước cả Trần Phước Ninh bé nhỏ tật nguyền, dành cho Ninh một niềm vui sống nhất,  khi giới thiệu chùm thơ Ninh trên báo Đà Nẵng cuối tuần.  

Lại nhớ việc chị Ý Nhi soạn sửa một chùm thơ của người đã mất. Ngày xuân, đọc thơ họ để đâu đó, lại  thấy như trước mặt mình nụ cười, giọng nói, ánh mắt của người nọ, người kia. Ngày xuân, đọc thơ họ, sẽ khó mà vui được. Nhưng, có khi kéo xuống một niềm vui mới nghe được một nỗi buồn.

Nghe được tiếng thở dài bên nhà hàng xóm khi mình đem quà Tết về và ngủ lại một đêm ở vùng quê nghèo khó. Nghe được xấp vé số lạo xạo trên tay một cụ bà ở lối rẽ vào con hẻm nhỏ. Nghe được mùi hương nhoi nhói trước bàn thờ nhà ai mới lập. Nghe được tiếng những bà, những chị nói với nhau trong buổi chợ cuối cùng “ráng ngồi lại thật trễ để bán bó hoa, mớ rau củ quả… kiếm thêm đồng lời, nhưng gặp nỗi, toàn người nghèo khó, để tận giờ cuối mới mong mua đồ rẻ, nên mình không nỡ bán lên…”.  Nghe được tất cả những nỗi buồn lo đã được giấu vào một góc, nhường chỗ cho những nụ cười thật hiền chào nhau trước ngõ qua phút giao thừa.

Phan Hoàng Phương

;
.
.
.
.
.