.

Núi sông đất Quảng trong thơ văn Tú Quỳ

.

Trong văn đàn Việt Nam nửa sau thế kỷ thứ 19, đầu thế kỷ 20, Tú Quỳ (hiệu là Hướng Dương, 1828-1926, quê Giảng Hòa, Đại Thắng, Đại Lộc, Quảng Nam) là nhà thơ có tiếng chẳng những ở Quảng Nam mà cả nước.

Tú Quỳ sáng tác nhanh, thông thạo nhiều thể loại (thơ, văn tế, câu đối…). Thể loại nào ông cũng có những tác phẩm xuất sắc. Thơ văn ông phong phú về nội dung đề tài. Trong đó, tình yêu thiên nhiên, quê hương đất nước là nội dung đề tài khá đậm nét. Riêng núi sông kỳ tú Quảng Nam với những địa danh quen thuộc là nguồn cảm hứng dạt dào để ông làm nên những áng thơ văn còn mãi với thời gian.

Cồn Con là một cái cồn nhỏ nằm giữa sông, ở thượng nguồn sông Thu Bồn, một bên là làng Thạch Bích, bên kia là làng Nhũ Sơn, được ông miêu tả:

Hầm đúc âm dương chẳng lẽ không?  
Khéo thay cồn nọ giữa dòng sông
Cỏ phơi tóc yếu mây che chở
Đá ló xương non són ẩm bồng
Thạch Bích nương cha ngàn thuở ấm
Nhũ Sơn nhờ mẹ mấy năm công
Xa gần muốn hỏi ra tông tổ
Rằng có Bãi Bà, có Thác Ông
(Cồn Con)

Một cái cồn con, cảnh thiên nhiên thôi, ta lại nghe thấy trong thơ hiện lên một đứa bé có lai lịch, hình thù rất rõ ràng, sinh động. Đứa bé ấy còn rất bé: “tóc yếu”, “xương non”, phải luôn được “che chở”, “ẵm bồng”. Và cha mẹ nó, chính là Thạch Bích, Nhũ Sơn, luôn luôn ở bên cạnh  để cho nó được nuôi nấng, bảo bọc, nương nhờ mà yên ấm, nên người. Còn tổ tông của nó?, nếu ai có hỏi, thì đó, chính là Bãi Bà, Thác Ông ở dưới kia, tận cuối nguồn. Cũng như Cồn Con, Thạch Bích, Nhũ Sơn, Bãi Bà, Thác Ông là những địa danh có thật ở nơi này và đó là những cảnh non nước hữu tình của đất Quảng quê hương.

Gành Móm cũng nằm bên sông Thu Bồn, giữa Thác Cá, Thác Ông, gần làng Bến Dầu (Đại Thạnh, Đại Lộc), vào thơ ông nó trở nên một cụ già khó đoán được là bao nhiêu tuổi, nhưng có lẽ đã rất già:

Chẳng biết non sông mấy tuổi già
Cớ sao gành Móm lại dô ra?
Chòm rêu lún phún râu Bành Tổ                                                 
Kẹt đá nho nhoe mép Tử Nha
Miệng súc trều trào cơn sóng vỗ
Khăn lau quệch quạc đám mây qua
Thừa ưa muốn hỏi xuân thu mấy?
Rằng thuở khai thiên đã có va
(Gành Móm)

Gành có tên là Gành Móm, thì tại sao nó không nằm thụt vào bên trong đất liền mà lại dô ra phía ngoài sông vậy?, một cách tả rất khéo léo, tài tình. Rêu mọc trên đá, trên cây ở gành lún phún trông giống như râu ông Bành Tổ. Còn kẹt đá ở gành thì cứ động đậy nho nhoe như mép ông Tử Nha. Bành Tổ, Tử Nha là những nhân vật thần thoại, nổi tiếng sống lâu ở Trung Quốc xưa.

Trong văn tế Bá Bảy, viết cho người bà con trong nhà tế chồng chết, ở phần ai vãn, chỉ một đoạn văn mười câu, ông đã đưa vào đến mười một địa danh cũng nằm dọc theo sông Thu Bồn từ làng Giảng Hòa, quê của góa phụ (cũng là quê của nhà thơ), đến làng Trung Phước quê chồng. Nghệ thuật kết hợp tả cảnh tả tình ở đây thật  tuyệt vời:

Cuộc Giảng Hòa, hòa lại là bao
Miền Trung Phước, phước sao lại thế
Cụm Cà Tang hãy đó, sao chàng             lại vội lãng non nguyền
Sông Thu Thủy còn đây, thì thiếp            chẳng nở quên biển thệ
Gành Ngô đó là đường lên xuống bộ,
thấy Gành Ngô mà nhớ
        khách động đào
Thác Cá kia là lạch ngược
              xuôi thuyền
nhìn Thác Cá mà tiếc duyên ngư thủy
Lúc nhớ mẹ xuống xuôi đò dọc, chiếc bá châu ngày tháng lênh đênh
Khi dịu trời trông ngược Đá Ngang,         hòn vọng thạch mai chiều âm ể
Bãi Bà đó, Thác Ông hỡi đó,
    non sông sao khéo hữu tình
Xuân Yên đây, Phước Hội
     còn đây, trời đất dễ mô vô ý

Mười một địa danh nằm rải rác, riêng lẻ trên một dải đất không dài lắm, nhà thơ đã khéo léo sử dụng chúng, liên kết chúng lại, đưa chúng vào những chỗ rất hợp lý trong từng câu văn ứng với nhau rất sát từng ý, từng từ, lột tả được niềm đau thương, tiếc nuối khôn cùng của người góa phụ trẻ đối với người chồng yêu quý mà thời gian hạnh phúc bên nhau quá ư là ngắn ngủi

Tiếng ba năm mà đau trót một năm trường

Cái tài tình ở đây là nhà thơ đã làm cho các địa danh vốn rất tự nhiên, vô tư, trở thành những từ có nghĩa phù hợp với hoàn cảnh, tâm trạng của người đang khóc chồng, cứ mỗi bước chân đi là “thấy cảnh nhớ người”, là liên tưởng, nghĩ suy xa xót:

Cuộc Giảng Hòa hòa lại là bao
Miền Trung Phước phước sao lại thế

Ôm nỗi đau xé lòng, nỗi buồn héo ruột, người thiếu phụ muốn hỏi “con tạo”: Cớ sao lại nhẫn tâm gây nên chuyện “giữa đường đứt gánh”, làm cho âm dương đôi ngã, để cho tiếng là hòa (Giảng Hòa), nhưng lại chẳng được hòa (được sống hạnh phúc trọn đời bên nhau); gọi là phước (Trung Phước), lại chẳng thấy phước đâu, chỉ thấy toàn bất hạnh? Nghệ thuật chơi chữ ở đây đạt đến trình độ điêu luyện.         

           
Tháp Mỹ Sơn (Duy Xuyên) là một danh thắng của đất nước, nay đã trở thành di sản văn hóa thế giới. Nhưng vào thời của cụ Tú, nó chỉ là một phế tích điêu tàn nằm trong một hóc núi hoang vu hiếm dấu chân người. Cụ Tú đã từng đến đây, tỏ lòng thương cảm nó và gửi gắm tâm sự đắng cay của mình qua một bài vịnh có tên là Vịnh Tháp Hời:

Nông nỗi làm sao đất nước này
Chợ Hời còn đó, tháp còn đây
Dấu xưa bia tạc sương sa lấp
Cảnh cũ đền xây nước lộn mây
Chiến tích ngàn năm vang vọng mãi
Kỳ công vạn thuở dễ ai thay!
Đau lòng hỏi khách thăm cung điện    
Rằng mấy tang thương
        cuộc đổi xoay?

Vịnh Tháp Hời, nhưng tác giả đâu chỉ nói về nó, mà chính là để bày tỏ nỗi lòng mình với đất nước, với dân tộc Việt đó thôi. Một đất nước, dân tộc đã trải mấy ngàn năm lịch sử oai hùng, đã từng có những thời vàng son, vang bóng, làm nên những chiến tích, kỳ công còn mãi với thời gian, thế mà nay lại vậy, đang điêu linh, thống khổ trong tay lũ giặc ngoại xâm tàn bạo chẳng biết đến bao giờ mới thôi!

Nông nỗi làm sao đất nước này?
Rằng mấy tang thương
        cuộc đổi xoay?

Phải gắn bó thiết thân, phải nặng lòng với quê hương đất nước của mình đến mức nào, đồng thời phải có cái tài văn thơ chữ nghĩa đến đâu, cụ Tú Quỳ - nhà thơ của đất Quảng “Ngũ phụng tề phi” chúng ta mới có được những bài thơ, bài văn rút ruột để đời đến thế. Nhờ vậy mà cụ mới chiếm được một vị trí xứng đáng trong nhân dân.

Hoàng Thanh Thụy
 

;
.
.
.
.
.