Sáng mùa xuân như đã hẹn hò. Và tôi đã hẹn hò trọn mùa xuân tao ngộ ấy. Cầm chặt niềm vui để đi suốt cuộc hành trình không thể dài hơn của một ngày trời trong và mây trắng vờn bay trên đỉnh Sơn Trà.
Một góc Sơn Trà. Ảnh: THỤC YÊN |
Buổi sáng có sương giăng trên con đường đẹp tựa dải lụa vòng cung bán đảo xinh đẹp này. Ở Đà Nẵng gần mười năm, thế mà mỗi lần tong tả xe máy vòng quanh bán đảo, ngắm trời, ngắm biển, tôi vẫn có cảm giác mình còn thiếu một điều gì đó. Hình như là sự trải nghiệm về một độ cao của những điều diệu vợi.
Trên cung đường đẹp như một nét vẽ thanh tao uốn quanh lưng chừng núi, tôi đã đến được gốc đa có tuổi hàng trăm năm. Đã có không biết bao du khách đã đến bán đảo Sơn Trà, đã ngang qua và ngồi lại dưới tán cây rộng lớn này để cảm nhận hết cái dư vị ngọt ngào mà thiên nhiên khoáng đãi. Nghỉ ngơi chốc lát rồi lại tiếp tục cuộc hành trình. Nhưng có lẽ ấn tượng của tôi là khi được dừng chân tại bàn cờ, được độc thoại với Tiên ông đang say sưa ngẫm bàn cờ nhân thế. Lặng lẽ ngắm phong cảnh trong một không gian thanh tao, và phóng tầm mắt về thành phố.
Đà Nẵng một bên biển, một bên sông và núi vòng quanh. Như thể khối không gian, thời gian này khó có thể tách rời. Sách xưa truyền tụng rằng, trên đỉnh cao nhất của núi Sơn Trà - nơi tôi đang đứng - xưa có một tảng đá rất to Tiên hay xuống đây để đánh cờ. Vào một ngày kia, có một Tiên ông đánh thua nước cờ nên đã tức giận dậm mạnh bàn chân lên tảng đá và bay về trời, để lại trên tảng đá dấu một bàn chân lớn lún sâu xuống gọi là “Đá Tiên”… Bây giờ, đã qua bao tháng năm, nơi đây, chỗ tôi đang đứng đã được xây dựng một bàn cờ Tiên ông, phía bên kia là vịnh Tiên Sa ngày ngày vẫn đón đưa những đoàn tàu vào-ra trên cảng. Những tảng đá bao bọc chân núi Sơn Trà cứ như một vành đai vững chắc cho một sự sinh tồn bền vững không gì có thể tách chia. Đã đọc qua sử sách, đã được nghe nhiều vị cao niên ở làng Phước Mỹ kể về sự tích Sơn Trà, Tiên Sa. Nhưng phải có một trí tưởng tượng phong phú, phải cảm nhận bằng trái tim mới hiểu được rõ hơn về một bán đảo đang chứa đựng trong mình nhiều giá trị văn hóa và có nhiều đặc trưng riêng của Đà Nẵng. Không thể giấu lòng mình cái cảm khoái lúc mùa xuân đang tách bóc từng chồi non vừa nhú, những loài hoa dại mọc đầy triền dốc cứ vàng một nỗi đam mê, và gió cửa Vịnh Đà Nẵng như hơi sương phả vào ngòn ngọt màu thiên nhiên và mắt người.
Ở Sơn Trà mùa nào cũng đẹp vì nét hoang sơ, nền nã của một ngọn đảo rời nằm giữa sông và biển. Nhưng có lẽ mùa Xuân, khi những vạt lau trắng bên triền sông, triền biển bắt đầu bung nở, thì cũng là lúc bao nhiêu lá hoa đã kịp khoe dáng bên đồi cao. Thảnh thơi và không kém phần chuyên nghiệp của một người thích thú rong chơi với thiên nhiên, cây cỏ, tôi đã lạc vào một cõi tiên khi được đứng trên đỉnh Sơn Trà, nơi có vị tiên ông đang ngồi thảnh thơi với ván cờ đánh dở. Biệt lập nhưng không phải cô lập, mà lại là nơi để con người dễ tìm cho mình một chốn riêng tư để từ đó, thỏa tầm mắt mình xuôi trong nắng sớm.
Bàn cờ trên đỉnh Sơn Trà. Ảnh: THANH LỘC |
Tôi đứng trên đỉnh Sơn Trà và cố thâu hết vào mắt mình những nét đẹp mùa xuân Đà Nẵng. Trong khoảnh khắc đó, nhận được lời chúc mừng năm mới của người bạn rất thân ở quê rằng “Chúc bạn chạm được những giấc mơ”. Sao lại đúng lúc thế không biết. Cuộc đời vẫn có nhiều điều hiển nhiên như thế. Tôi cũng ước chi mình chạm phải mây trời Sơn Trà để cảm nhận hết được nét phù hoa tiên cảnh nơi này!
Có người bạn là dân nghiền du lịch sinh thái, khi được tôi thăm thú Sơn Trà, đã không ngớt lời ngợi ca về vẻ đẹp ẩn sâu trong từng con đường, từng tảng đá, rồi những cái rễ đa dài vững trụ mặt đất, và cả sự bình an khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thánh thiện của Phật tổ trên chùa Linh Ứng. Hình như từng ngày từng giờ, Đà Nẵng lại vững vàng hơn trong tất cả. Phải chăng vì ở giữa sông và biển lại có núi bao bọc bốn bề nên những con người sinh sống nơi đây đã được hun tạo trong mình một tình yêu đặc biệt với thành phố có lịch sử hào hùng và cả một thời vượt rào về đích bằng hàng trăm công trình vĩ đại? Ít ai có thể sống trong quá khứ và ngủ vùi trong quá khứ, mà cuộc sống hiện tại này, cần phải vượt lên, lấy cái hào hùng của quá khứ để làm bàn đạp vững vàng cho những bước chân trên nghìn trùng sóng biển để đi về đích an toàn, bền vững.
Dấu ấn mà Đà Nẵng có hôm nay không chỉ là những cây cầu, những con đường, những tòa cao ốc, mà còn là một khối đại đoàn kết toàn dân vì dân và vì cái eo biển miền Trung Đà Nẵng. Tôi đứng đây và nhìn xuống phố mới Vũng Thùng ngay dưới chân Sơn Trà, nhiều lắm những dãy nhà chung cư đang mọc lên dựng thành phố mới, lại nhớ đôi câu thơ của một người bạn thơ tri âm vừa chép vội “Buổi sáng - quăng vào không gian sóng nắng trong lành - giọt nhạc - tiếng chim - sà lên ngực phố - Vũng Thùng bình yên - Hải Vân đọc ngụ ngôn những chiếc lá… Phố trẻ trung sức sống vươn tầm - Nhành đào xuân thả hương hơi hới…”.
Đà Nẵng phát triển bền vững cũng đồng nghĩa với việc dựng xây nơi đây thành một điểm kết nối hai miền Nam-Bắc bằng sự dẻo dai của những con người miền Trung giàu nghị lực. Biết dấn thân, biết vượt lên, biết chấp nhận hy sinh đúng lúc, đúng nơi và đúng việc. Tôi ngồi trên đỉnh Sơn Trà và tự ngẫm với vị Tiên Ông những điều trải nghiệm. Hình như trong gió thoảng của biển trời, trong cái không khí mơn man của đất trời thời khắc Xuân sinh sôi nảy nở, cuộc sống đang mỉm cười. Đi trong buổi sáng mùa xuân mầu nhiệm ấy, tôi đã ngồi nghe sóng biển hát rất say về một sự hồi sinh. Tạm biệt chốn tiên bồng trên non cao Sơn Trà huyền diệu, tôi xuống phố đúng thời khắc nhà nhà đang rộn rã đón chào năm mới. Thành phố đêm xuân lạc vào một thế giới của ánh sáng, sắc màu. Gió như giai nhân và biển là cung đàn muôn điệu đang dạo đầu những lời ca trong sóng biển.
Tôi đã được nghe cỏ cây hoa lá kể về những chuyện tình trên núi Sơn Trà và được hiểu thêm một nét độc đáo nơi mình đang sống. Nhưng ấm hơn, có lẽ là lúc tôi nhìn thấy những ngôi nhà phía thành phố đã lên đèn. Ba mươi Tết, lại một năm nữa tôi ở lại Đà thành, tận hưởng một mùa Tết vui vầy bên những khát vọng chưa bao giờ dừng lại.
Nguyễn Thị Anh Đào