.

Tài nữ đời thường

.

Một người là nhà văn, một người vừa là nhà thơ vừa là cô giáo, một người là họa sĩ. Họ đều là những tài nữ sáng tạo, góp phần làm nên hương sắc của khu vườn văn học - nghệ thuật Đà Nẵng và cũng rất đỗi bình dị giữa đời thường.

Nhà văn Quế Hương:Văn chương là miền sâu thẳm

Tôi yêu văn chương từ nhỏ. Khi không còn sức khỏe cầm phấn, tôi cầm bút. Phấn và bút đều nhẹ, nhưng cầm chúng thì thật nặng. Văn chương như biển cả. Một miền sâu thẳm vừa thực vừa ảo, bát ngát mênh mông, càng bơi càng thấy mình bé mọn, dễ lạc và kiệt sức.

Văn học là tiếng nói cá nhân nên cứ hoa nào tỏa hương đó. Tôi tỏa hương tôi. Dù lạc lõng nhưng tôi vẫn thích chưng cất, lưu giữ những thứ đang lụi tàn trong cuộc đời và văn chương: vẻ đẹp lãng mạn, từ tâm, nỗi buồn nhân thế ấm áp, sâu thẳm... Cuộc đời cũng vậy, xấu - tốt, thiện - ác song hành. Chỉ những người làm công việc sáng tạo mới có thể thay đổi nó theo tâm cảnh và tâm thế của mình.

Nếu khái quát một năm qua của tôi thì có thể dùng chữ “tàn”. Sức sống cạn, sức viết cũng cạn theo. Chợt nhớ cách ứng khẩu của vị thiền sư hơn nghìn năm trước khi được hỏi: “Sắc thân này hủy nát thì thế nào?”:

“Xuân lai, xuân khứ, nghi xuân tận
Hoa lạc, hoa khai, chỉ thị xuân”
(Xuân đến, xuân đi, ngờ xuân tận
Hoa tàn, hoa nở, vẫn là xuân)

“Hoa tàn” vẫn ở cạnh “hoa nở” để làm nên mùa xuân đó thôi. Và thật mừng vui khi được ở cạnh những đóa hoa đang nở trong vườn hoa văn học của thành phố. Những đóa hoa đang nở tràn đầy sức trẻ và khát vọng. Sức trẻ sẽ làm nên vẻ đẹp căng đầy, tươi mới cho mùa xuân văn học của thành phố.

Năm 2012, có lẽ tôi sẽ ngừng viết một thời gian, vì sau cơn tai biến thoáng qua, mọi thứ trong tôi gần như rỗng và trắng. Cần dừng lại để nạp năng lượng mới.

Cũng có người hỏi tôi rằng phải chăng đàn bà viết văn khó hơn đàn ông viết văn. Điều này đúng một nửa, vì đàn bà chỉ có những mẩu  thời gian vụn vặt để làm nên những thứ vụn vặt không có kích cỡ lớn. Nhưng họ có sức mạnh mềm mại của nước, có thể len lỏi, thẩm thấu vào những ngóc ngách khuất lấp của tâm hồn.

Họa sĩ Dư Dư: Tranh là cuộc sống

Bạn bè và nhiều người khác luôn ưu ái gọi tôi là người phụ nữ chu toàn. “Bí quyết” rất nhỏ của tôi chính là sự chủ động, trước hết là chủ động về mặt thời gian. Từ nhỏ, tôi đã có thói quen xếp lịch tất cả những việc mình sẽ làm, theo ngày, tháng, năm nhất định. Cho đến bây giờ, tôi vẫn duy trì “cột thời gian” cho gia đình, cột cho cơ quan, cột với hội họa…

Khi vẽ, tôi thường vẽ theo cảm và không nệ vào bất kỳ đề tài cố định nào. Với tôi, tranh là cuộc sống, nhưng tuyệt đối không phải là sự sao chép cuộc sống. Một buổi chiều như mọi buổi chiều, tôi thấy cảnh túm tụm, nghề ngà của cánh đàn ông khi đi qua dãy quán nhậu; tôi cũng thấy cảnh tất tả, vội vã của các chị vừa đi đón con, vừa lật đật ghé chợ lo bữa cơm chiều… Hai thế giới ấy cứ ám ảnh tâm trí và “thế giới riêng” ra đời ngay sau đó. Nhiều tác phẩm khác của tôi cũng xuất hiện một cách tự nhiên như thế.

Theo tôi, trong 2 năm trở lại đây, mỹ thuật Đà Nẵng có sự khởi sắc, nhất là từ khi có Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng (78 Lê Duẩn), các cuộc triển lãm có dịp mở rộng quy mô và được đầu tư bài bản. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng, một cánh én không làm nên mùa xuân, sức mạnh tổng lực mới làm nên sự lớn mạnh và những điều bất ngờ. Riêng với tôi, trong năm mới 2012, tôi sẽ tập trung vẽ, tập trung cho niềm đam mê suốt cuộc đời mình.

Nhà thơ Ngô Thị Thục Trang: Nguyện bình an đến mỗi tâm người

Tôi đến với thơ từ ngày còn là cô bé đen nhẻm bởi những cuộc tung tăng với nắng gió núi đồi, nơi làng quê yên ả ven sông Thu Bồn. Năm mười lăm tuổi, lần đầu tiên thơ tôi được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam, trong chuyên mục “Trang viết đầu tay của những cây bút nhỏ”. Tôi cứ nhớ như in cái cảm giác lâng lâng khi nghe thơ mình đọc trên chiếc radio nhỏ ngày ấy. Từ đó đến nay, đã 10 năm tôi một mình trên con đường mà nghe nhiều người bảo nghiệt ngã lắm, có khi đi hết đời cũng chẳng gặp được gì đâu. Thật ra, tôi hời hợt không nghĩ được nhiều đến thế, có điều nếu không viết ra được những gì mình cảm và nghĩ, tôi cứ nghe có gì đó mãi sột soạt trong mình. Tôi viết, bởi cái thôi thúc tự bên trong. 10 năm, tôi chỉ làm thơ, thỉnh thoảng viết tản văn. Gần đây, tôi bắt đầu mê viết những điều ám ảnh mà không thể đưa vào thơ hay tản văn, có người gọi đó là truyện ngắn. Tôi biết mình chỉ mới là đứa trẻ chập chững trong ngã rẽ không chủ ý. Không chủ ý nhưng đầy duyên phận, tôi tin như thế…

Năm 2011 vừa qua, tôi đã “chính thức trưởng thành”: Lần đầu tiên làm mẹ với đầy đủ những trải nghiệm dành cho một bà mẹ trẻ. Lúc nào tôi cũng cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến với tất cả mọi người. Tôi thường hy vọng về một cuộc sống bình an, như tôi đã viết: “Mẹ ơi mùa xuân này con gái mẹ/  thèm ấu thơ thả mơ ước lên trời/ con sẽ chắp tay ước điều thành thật/ nguyện bình an đến mỗi tâm người”. Riêng về phần mình, tôi hy vọng năm Nhâm Thìn này sẽ ra mắt được tập thơ riêng mà vì nhiều lý do, tôi đã lỡ hẹn nhiều lần.

THANH TÂN

 

;
.
.
.
.
.