Hằng năm, cứ vào quãng 20 tháng chạp, khi ngoài phố rộn rịp bán mua, và thi thoảng trên đường xuất hiện vài chiếc xích lô, xe ba gác chở những cành mai, cành đào, chậu quất lúc lỉu trái vàng là lòng tôi lại nao nao nhớ về những cái Tết quê nhà thuở còn thơ ấu.
Gia đình tôi, vừa cha mẹ, vừa con cái, cộng lại đến 10 người, nhưng cha tôi và hai anh thường đi xa, chỉ ngày Tết mới về đông đủ. Cha tôi viết báo ở Sài Gòn, anh cả học tại Hà Nội, anh thứ học Trường Phú Xuân-Huế, và sau đó cũng có thời gian làm thư ký cho Trường Thăng Long-Hà Nội.
Cha tôi xuất thân từ Nho học, có học thêm ít nhiều tiếng Pháp, ra đời theo nghề báo chí, và ở ông có nhiều tư tưởng rất mới. Tuy nhiên, rất yêu làng quê, nơi mình sinh ra và luôn gìn giữ phong tục tập quán quê hương. Có lần, ông tâm sự với một người cháu: “Bác đi nhiều nơi nhưng không thấy ở đâu như làng mình!”. Câu nói không phải ngụ ý khoa trưởng cái làng Bảo An nhỏ bé và chê bai các địa phương khác mà chỉ thật sự thốt ra tự đáy lòng.
Vì vậy, từ thuở tôi mới 5 - 6 tuổi cho đến sau này khôn lớn, không một cái Tết nào cha tôi không có mặt ở gia đình, cho dù năm ấy ông đang phải chật vật kiếm sống.
Chỉ có một cái Tết, cha tôi ở lại Hà Nội. Đó là năm 1934. Ông không về vì có tôi mới được theo cô ruột ra đây hồi đầu tháng chạp. Và trong căn nhà nhỏ ông thuê ở phố Hàng Bông, còn có anh tôi đang đi học và một chú giúp việc cha tôi thuê từ Quảng ra. Như vậy cũng là một gia đình bốn người rồi.
Thời tiết Hà Nội đang se lạnh. Một hôm, cha tôi đi đâu về, gọi tôi đến bên bàn ông làm việc, soạn ra cho tôi một chiếc áo dài bằng vải baga đen, bên trong lót một lớp nỉ màu vàng, và một chiếc khăn quàng bằng hàng cờ rếp màu xanh ngọc. Ông âu yếm bảo: “Thầy mua cho con đó, con mặc thử xem có vừa không?”. Tôi mừng quá, không biết nói sao, chỉ cười cười một cách ngây thơ. Tôi không biết cha tôi đo kích cỡ bao giờ, mà tôi mặc vào rất vừa vặn, lại ấm nữa. Cha tôi rất vui vì thấy món quà Tết cho con đạt yêu cầu. Ông còn hứa: “Để thầy bảo chú Ba ra phố Hàng Da mua cho con đôi guốc sơn!”. Thế là Tết năm ấy, tôi có bộ cánh mới.
Trong 3 ngày Xuân, cha tôi chỉ nằm nhà đọc sách. Ngoài cửa, ông dán một mảnh giấy vuông vắn, ghi: “Trong 3 ngày Tết, ông Phan Khôi đi vắng”. Có lẽ vì ông không muốn bị ai quấy rầy khi ông đang suy nghĩ về một vấn đề gì đó.
Những lần từ Sài Gòn về ăn Tết ở quê, cha tôi đều đi tàu hỏa, và vào các ngày 28, 29 ông mới đến nhà. Ông xuống ga Kỳ Lam, thuê đò về Bến Đường, rồi từ bến vào, ông nhờ chú lái đò vác luôn chiếc valy. Valy to nặng là do cha tôi mang về nhiều sách báo, còn quà Tết chỉ là vài chai rượu, vài gói trà để đặt lên bàn thờ ông bà cố, ông bà nội. Có năm, ông còn mua cho đứa con nhỏ nhất một vài món đồ chơi bằng cao su như con gà, con vịt bóp kêu chít chít.
Anh tôi từ Hà Nội về thường mang các loại mứt quất, mứt hồng, táo tàu của cô tôi gửi cúng ông. Có lần, anh còn đem về một bắp cải Hà Nội thật to, mẹ tôi phải lấy dây buộc chỗ cuống bắp treo lên, gỡ lá bên ngoài ăn dần. Hồi đó, loại rau cao cấp này chưa có ở chợ quê, nên bà con đến chơi, ai cũng trầm trồ.
Chiều 30, sau lễ cúng rước ông bà, ngoài sân cỏ cây còn vương mùi thuốc pháo, mẹ và hai chị tôi dọn ăn ở căn ván nhà ngang. Cha mẹ tôi và con cái ngồi quây quần chung quanh mâm cỗ. Cỗ ngày Tết có nhiều món nhưng thể theo ý thích của cha tôi và các anh, mẹ tôi dọn trước món cuốn, là món mà xa quê lâu ngày, cha tôi rất mong nếm lại hương vị.
Để ăn món cuốn, mẹ tôi bày ra nhiều thứ như bánh tráng mỏng nhúng qua nước, thịt heo luộc xắt phay, nem, trưỡi, dưa món, rau sống và bánh tét. Một lát bánh tét được cắt nhỏ làm ba mới dễ gói. Rau sống là rau hái ở vườn nhà nên tươi ngon và đậm đà hương vị rau thơm, lá hành, lá tỏi. Trưỡi ở quê tôi giống như tré bây giờ được treo bán ngoài phố. Nhưng có khác một chút là trưỡi làm hoàn toàn bằng thịt đầu heo luộc chín, gia vị nhiều riềng, thính bắp, nước mắm, tiêu vừa ăn, dùng lá vông hoặc lá ổi gói bên trong, bên ngoài gói lá chuối, nén chặt, buộc lạt. Gói trưỡi quê tôi to hơn gói tré bây giờ, khi mở ra đựng đầy đĩa. Tré cũng gia vị gần giống trưỡi nhưng thính là thính gạo, lượng thịt đầu trong gói ít hơn là da heo xắt nhỏ.
Món cuốn ngon ở chỗ khi chấm vào nước chấm vừa mặn vừa ngọt, cho ta thưởng thức một vị tổng hợp khó tả, chất béo thơm cộng với chất dẻo dẻo, bùi bùi.
Ngày Tết, cha tôi tỏ ra dễ dãi với con cái. Mới ngồi vào mâm, ông bảo anh tôi:
- “Cừ, con lên nhà, lấy chai Dubonnet ra đây!”. Anh tôi dạ và đi ngay. Dubonnet là một loại rượu chát của Pháp sản xuất, cha tôi mua từ Sài Gòn về. Ông tự tay khui rượu, rót vào ly. Trai gái lớn nhỏ gì cũng được uống nhưng chỉ một lần rồi thôi. Không được uống thêm. Rượu chát này chỉ ngọt ngọt, thơm thơm, uống vào không gây cảm giác váng vất.
Sáng mồng một, sau lễ cúng buổi sáng là bánh mứt và nước trà, cha tôi mặc áo dài đen, quần trắng, đầu đội khăn đóng, lên nhà thờ họ Phan thắp hương các bàn thờ tổ tiên, chuyện vãn, chúc Tết với các ông trong tộc. Có năm, ông bảo hai con trai lớn cũng lên nhà thờ, ba cha con đều mặc âu phục cùng màu rất đẹp.
Trưa mồng một, lễ cúng được bưng xuống, cũng dọn ra ở căn ván nhà ngang, mẹ tôi lại cho cả nhà thưởng thức món cù lao. Món này tương tự như lẩu ngày nay, nhưng chỉ ăn trong dịp Tết, vì chỉ có ngày Tết, lượng thịt heo, giò heo mới dồi dào. Gọi là cù lao vì dụng cụ này bằng thau, giữa có cái ống, còn bộ phận đựng nước dùng xoay quanh cái ống, bên dưới để trống như cái bếp lò, than luôn đỏ rực. Trong nước dùng là thịt mông cắt khúc và giò heo chặt khoanh đã được hầm mềm, gia vị vừa ăn. Khi nước dùng sôi lên thì cho cải xanh, rau tần ô, hành ngò trộn đều rồi múc ra bát, ăn với ít cơm. Cả nhà quây quần trên căn ván, cù lao đặt chính giữa. Khi ăn, cho vài hạt muối vào ống lô, muối nổ lách tách rất vui tai. Hơi nóng tỏa ra, không khí trong căn nhà nhỏ bỗng trở nên ấm áp trong thời tiết hơi se lạnh của buổi đầu xuân.
Ăn xong, lũ nhỏ chúng tôi xin cha mẹ cho ra xóm xem đánh bài ghế. Bài ghế tương tự như bài chòi, nhưng không có chòi, mà người chơi chỉ ngồi trên ghế dài như ghế “bân” học trò ngồi trong lớp. Trò chơi này ăn thua không nhiều, chỉ vui ở lúc có người “tới” là vang lên nhiều tiếng hụi hụi và tiếng trống con bum bum rộn ràng. Không khí bài ghế còn vui ở chỗ, mỗi lần xóc xóc ống thẻ để rút con bài ra, anh hiệu lại ngâm nga: “Vai mang khăn gói đi hoài/ Cử nhơn không thấy tú tài cũng không” là con “học trò”! Ở hàng ghế lại xôn xao: “Học trò đây! Bớ học trò!...”. Thế là có người trúng con bài ấy.
Trong nhà, các anh chị tôi cùng mấy người bà con gần nhà chơi các-tê, xì-lát. Cha tôi không cấm, nhưng ông dặn chỉ được chơi ngày mồng một và ngày mồng hai, không được kéo dài.
Mẹ tôi, sau nhiều ngày vất vả làm bánh trái, nấu dọn cúng kiếng, đôi mắt bà hơi quầng thâm, nhưng trên gương mặt phúc hậu lộ vẻ vui tươi rạng rỡ. Bà không đi chơi đâu, không tham gia vào trò chơi nào, mà chỉ lo têm trầu, rót nước mời khách đến chơi ngày xuân.
Mới đó mà đã gần tám mươi cái Tết qua. Những người ngồi quanh mâm cỗ Tết ngày xưa trong gia đình tôi hầu hết đã sang bên kia thế giới. Nhà cửa cũng tan trong chiến tranh, không còn dấu vết gì.
Ba chị em tôi ở ba miền của Tổ quốc. Ngày Tết, chỉ một câu chúc trên điện thoại là xong.
Trong ký ức tôi, mọi thứ vẫn y nguyên. Những niềm vui nho nhỏ, hồn nhiên của tuổi thơ ngày nào vẫn được tôi gìn giữ, quý yêu đến trọn đời. Và mỗi lần Tết đến, xuân về, lòng tôi lại nao nao…
Xuân Nhâm Thìn
Phan Thị Mỹ Khanh