.

Tết xưa, Tết nay

.

Tết Nguyên đán là lễ hội đầu tiên và quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội Việt Nam. Nó mang đậm nét văn hóa dân tộc, phản ánh sự đồng điệu giữa con người và thiên nhiên theo chu kỳ vận hành của vũ trụ.

Sắc xuân. Ảnh: V.T.L
Sắc xuân. Ảnh: V.T.L

Chữ Nguyên theo chữ Hán có nghĩa là bắt đầu, chữ Đán nghĩa là buổi ban mai, là khởi điểm của năm mới. Tết là do xuất xứ từ “tiết” (thời tiết) thuận theo sự vận hành của vũ trụ, biểu hiện ở sự chu chuyển lần lượt các mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông. Quan trọng hơn, Tết cũng là dịp để gia đình, họ hàng, làng xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ, thăm hỏi, cầu chúc nhau những điều tốt đẹp và tưởng nhớ, tri ân ông bà tổ tiên.

Trời đất đổi thay, vạn vật luân chuyển. Nhiều người hoài cổ cho rằng Tết nay không có gì vui như Tết xưa.
Tết xưa, xưa thật là xưa thì không bàn đến làm gì, chỉ tính mấy chục năm qua với mốc quan trọng là trước và sau thời kỳ đất nước đổi mới để thấy rằng, Tết của thời kỳ đô thị hóa mang đặc trưng riêng nhưng những nét đẹp văn hóa Tết của dân tộc vẫn cơ bản được gìn giữ, phát huy và ngày càng mang tính cộng đồng.

Những thập niên 80-90 của thế kỷ trước, khi nền kinh tế còn khó khăn, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, số lao động thoát ly nông nghiệp, nông thôn chưa nhiều, cách ăn Tết cũng mang đậm phong cách của nền sản xuất nhỏ lẻ, làng xã. Việc chuẩn bị các điều kiện để đón Tết thời ấy vất vả, bận rộn chứ không thảnh thơi như bây giờ. Làng trên xóm dưới chung nhau mổ heo, giã giò. Người người gọi nhau í ới từ sáng sớm tinh mơ để đến chia thịt. Ngay như ở các cơ quan Nhà nước thuở ấy, để tiết kiệm chi phí, cán bộ phụ trách hành chính cũng chạy đôn chạy đáo về các hợp tác xã nông nghiệp mua heo về mổ chia cho cán bộ, công nhân viên ăn Tết. Mỗi suất thịt được chia có đủ các loại, mỗi thứ một ít: mông, ba dọi, tai mui, xương các loại... Vậy mà chẳng ai chê ỏng eo, có thịt ăn trong mấy ngày Tết là vui rồi.

Tùy sự chế biến khéo léo của mỗi người, nhà nào cũng lo được mâm cỗ thịnh soạn để cúng ông bà, ăn uống vui vẻ và đãi khách. Bánh chưng, bánh tét thì nhà nào cũng gói hoặc nhờ người gói và nấu nên bánh rất ngon. Khổ nhất là người nấu phải thức đêm để canh nồi bánh. Với nhiều loại bánh khác, các gia đình cũng tự làm hoặc nhờ người quen làm giúp. Công việc trước thềm năm mới cứ tất bật, khẩn trương, náo nhiệt. Thế mới gọi là vui như Tết!

Khi nền kinh tế phát triển, xu thế đô thị hóa ngày càng tăng, người lao động từ nông thôn thoát ly hoặc bán thoát ly nông nghiệp ra thành phố làm việc nhiều nên việc ăn Tết cũng có đổi thay. Song, phải khẳng định rằng cỗ Tết ngày nay to hơn, ngon hơn; hàng hóa phục vụ Tết cũng đẹp hơn, hiện đại hơn.

Ảnh: SÂM NGỌC
Ảnh: SÂM NGỌC

Ở nông thôn cũng như thành thị, hiện không còn cảnh chăn nuôi trong gia đình mà chỉ tập trung vào một số hộ chăn nuôi lớn. Nhiều dịch vụ phát triển nên các gia đình không còn chung nhau vài nhà mổ một con heo hoặc tự nấu bánh chưng mà cần gì sẽ có người làm dịch vụ đưa đến tận nhà. Các gia đình ở nông thôn hầu như nhà nào cũng có người thoát ly hoặc bán thoát ly nông nghiệp ra thành phố làm việc nên kinh tế khấm khá. Vì vậy, thời gian để sắm Tết ngày nay, kể cả ở nông thôn, cũng chỉ tập trung vào mươi ngày. Có không ít nhà chỉ cần vài ngày trước Tết là mua sắm đủ, bởi bánh chưng, giò chả, kẹo, bánh, quần áo phục vụ mọi lứa tuổi... đều có trên thị trường. Và dường như Tết ngày nay không còn ranh giới giữa thành thị với nông thôn nữa.

Nhiều phong tục như: Tống cựu nghênh tân - mang sắc xuân vào trong nhà, khai bút, hái lộc, xông nhà, chúc Tết, mừng tuổi... vẫn được duy trì và phát huy. Đặc biệt, tập tục “gửi Tết” (gửi đồ lễ Tết) đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu, thậm chí gắn bó lâu dài trong đời sống người Việt Nam hôm nay và có lẽ đến mai sau. Bởi lẽ, “gửi Tết” còn là nghĩa cử mang tính xã hội, tính nhân văn và tính gia đình sâu sắc. Đó là hành vi hiếu đễ nhằm bày tỏ lòng biết ơn cội nguồn, tiên tổ, đồng thời là dịp để con cháu nghĩ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà.

Cứ sau rằm tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) trở đi, đường sá lại nhộn nhịp xe cộ lo đi gửi lễ. Dịch vụ bao gói quà phát triển càng làm tăng mức độ trân trọng của người gửi lễ. Con cháu cả năm ra thành phố làm ăn, Tết đến cũng lo sắm sửa và gửi lễ về quê cúng tiên tổ. Các ngành cả năm hỗ trợ nhau làm ăn phát triển kinh tế, cuối năm cũng lo gửi lễ gọi là có chút lòng thành. Các gia đình chính sách cũng được các cấp lãnh đạo trung ương và địa phương thăm hỏi, tặng quà chúc Tết. Gia đình nghèo khó cũng được các cấp, các ngành tặng quà để nhà nhà đều có Tết. Cứ nhìn việc gửi lễ, tặng quà cũng biết Tết Việt ngày nay dù hiện đại đến đâu nhưng vẫn mang đậm tính nhân văn truyền thống của người Việt.

HOÀI THU
 

;
.
.
.
.
.