.

Trần Lê Quốc Toàn: Niềm vui Cử tạ

.

Đối với Trần Lê Quốc Toàn, nhà vô địch SEA Games 26 và hạng tư giải Vô địch thế giới 2011 (hạng cân 56kg), cử tạ tựa như hơi thở, dù anh đến với bộ môn này một cách tình cờ.

Vinh quang của Quốc Toàn xin dành cho mẹ.
Vinh quang của Quốc Toàn xin dành cho mẹ.

Cho đến bây giờ, dấu ấn của một thời đói cơm, lạt mắm như vẫn hằn sâu trong nhà vô địch.

Tuổi thơ buồn

Toàn là con thứ ba trong gia đình 5 người con. Bố là thợ hàn; mẹ tích góp, nhặt nhạnh tiền lời từ một gánh quà sáng nho nhỏ. Năm 2004, do lao lực và ảnh hưởng độc hại của nghề, bố bị ung thư phổi, phải nghỉ việc. Mọi gánh nặng đổ dồn sang mẹ. Hai anh lớn của Toàn đều nghỉ học để đi làm. Thương bố mẹ, thương 2 anh, Toàn cũng đành gác sách vở và bắt đầu lao vào mưu sinh.

Tháng lương đầu tiên của việc học đúc tượng thạch cao được Toàn dành mang về cho mẹ. Lúc nhận tiền từ con trai, nước mắt mẹ chảy dài. Mẹ im lặng, biết con mình đã lớn, đã biết nghĩ suy, nhưng sao vẫn thấy đắng lòng. Dù gia đình có thêm 3 người cùng lo cơm áo, gạo tiền nhưng “tiền vô nhà khó như gió vô nhà trống”, nhất là khi căn bệnh của bố mỗi lúc càng nặng.

Rồi một người bạn học cũ giới thiệu với Toàn về việc Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo VĐV Đà Nẵng tuyển sinh môn cử tạ. Và từ đó, một ngã rẽ được mở ra…

Toàn khấp khởi khi biết rằng, nếu được tuyển chọn và tập luyện tốt thì sẽ có khoản lương ổn định. “Tôi cố gắng, nỗ lực tập luyện và trở thành một VĐV chuyên nghiệp chỉ để đỡ một miệng ăn trong gia đình, giảm bớt gánh nặng cho mẹ, sau đó mới để thỏa nguyện niềm yêu thích cử tạ mà tôi ấp ủ từ nhỏ”, Toàn tâm sự.
Thế nhưng, tất cả không đơn giản như Toàn nghĩ. Đầu năm 2005, bộ môn cử tạ đã hoàn tất tuyển sinh, đồng nghĩa với việc Toàn hầu như không còn cơ hội. Biết con yêu thích cử tạ, mẹ của Toàn đã đến nằn nì HLV Phan Văn Thiện. Thấy tấm lòng của người mẹ và cảm nhận được quyết tâm của Toàn, ông Thiện đồng ý nhận học trò.

Khát vọng chiến thắng

Đam mê cử tạ nhưng mọi sự khởi đầu đều gian truân. Toàn bước vào những bài tập cùng với những quy định khắt khe. Dù có lúc mệt nhoài, có lúc thấy chặng đường phía trước quá xa xăm, nhưng Toàn không muốn dừng lại. “Ngã rẽ này mình đã chọn thì nhất định phải đi”, Toàn tự nhủ. Sống xa gia đình, sự kham khổ của những bữa ăn quá thiếu dinh dưỡng vào thời ấy của các VĐV cử tạ Đà Nẵng được xem là một hạnh phúc không nhỏ với Toàn. Bởi lẽ, ít nhất mẹ đã bớt lo toan khi vơi đi một miệng ăn.

Rồi bố mất, cả gia đình như chống chếnh. Toàn che giấu nỗi đau mất mát bằng việc nỗ lực tập luyện với khát vọng giành chiến thắng. Nếu chiến thắng, Toàn sẽ có tiền mang về cho mẹ để trang trải nợ nần và biết bao chi tiêu khác trong cuộc sống thường nhật. Niềm khát khao chiến thắng len lỏi vào Toàn cả trong giấc ngủ. Toàn còn mơ thấy mẹ mỉm cười rạng rỡ vì không phải lo chạy chợ từng bữa. Toàn mơ thấy mẹ nắm lấy tay anh đầy tự hào. Toàn mơ thấy mẹ không còn gồng gánh khi đôi gánh đã làm oằn vai hết ngày này qua ngày khác…

Song, nếu không có sự chia sẻ, đùm bọc, yêu thương của HLV Phan Ngọc Thiện thì Toàn sẽ không có được ngày hôm nay. Nhà vô địch SEA Games 26 luôn nhắc đến người thầy của mình bằng sự trân trọng và đầy tri ân như thế. Nỗi buồn và những suy tư của Toàn tuy được khỏa lấp bằng việc luyện tập, nhưng ông Thiện vẫn cảm nhận được. Ông mua thêm thức ăn, nước uống cho Toàn và hướng dẫn cặn kẽ cậu luyện tập cũng như các bài tập bổ trợ. Những cái vỗ vai của ông dành cho Toàn dường như đã khích lệ người VĐV trẻ hướng đến tương lai.  

Tháng 7-2005, Toàn bước vào giải đấu đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Tại giải Trẻ toàn quốc, với thành tích cử giật 80kg và cử đẩy 100kg, Toàn trải qua vinh quang đầu đời của ngôi vô địch. Cầm 700.000 đồng tiền thưởng, Toàn muốn reo lên, muốn chạy ngay về đưa cho mẹ, để nhìn thấy mẹ cười và chia sẻ niềm vui này. Rồi Toàn da diết nhớ bố, vì bố là người ủng hộ Toàn nhiều nhất trên con đường thể thao. Nhớ bố bao nhiêu, Toàn lại thương mẹ bấy nhiêu.

Những mục tiêu mới

Mất cả 2 HCĐ tại giải Vô địch cử tạ thế giới 2011 do những tính toán không chuẩn của Ban huấn luyện, Toàn vẫn luyến tiếc bởi cơ hội không dễ đến lần thứ hai. Nhưng tại SEA Games 26, Toàn đã khiến tất cả quên đi “hy vọng Vàng” Thạch Kim Tuấn lẫn đàn anh Hoàng Anh Tuấn trước kia. Tấm HCV quý giá như một sự bù đắp xứng đáng cho những tháng ngày lao động miệt mài của Toàn.

Vẫn còn giải Vô địch châu Á 2012, rồi Olympic London 2012, đó là những mục tiêu mà Toàn cần chinh phục với nỗ lực cao nhất, dù giành ngôi vô địch hay không. Ước mơ còn lại vẫn là giúp mẹ sửa chữa ngôi nhà để những khi thi đấu xa và Đà Nẵng có bão lụt, Toàn cũng yên lòng hơn.

NGUYÊN AN

 

;
.
.
.
.
.