Nếu lập một nhật ký đọc hằng năm, thì sẽ thấy tuổi con hổ (2010) có 36 tác giả, tuổi con mèo (2011) có 44 tác giả, nay đến tuổi con rồng (2012) có đến 62 tác giả. Chưa kể đến việc đưa cái nhìn xa hơn vào cuối thế kỷ, “điểm danh” thêm những tác giả trẻ mới vào nghề, thì tuổi Bính Thìn (1976) có thêm 13 tác giả, tuổi Mậu Thìn (1988) có thêm 5 tác giả, cộng lại vị chi ngót nghét có đến hơn 80 cây bút cầm tinh tuổi con rồng, chi phối không ít đến đời sống văn học thế kỷ XX.
Đứng ở đầu thế kỷ, tuổi Giáp Thìn (1904), có 10 tác giả. Về thơ, có Nguyễn Giang, tuồng có Nguyễn Mẫn, văn xuôi có Lê Văn Hiến, Bùi Thế Mỹ, Nhượng Tống, Trần Đình Long, nhưng đông và để lại nhiều đóng góp xuất sắc là các nhà nghiên cứu như Giản Chi, Phạm Thiều, Lê Thọ Xuân, và đặc biệt là sừng sững soi bóng với thời gian là “cây đại thụ” Đào Duy Anh.
Đào Duy Anh (1904-1988) quê gốc ở Thanh Oai, Hà Đông, dời vào Nông Cống, Thanh Hóa từ đời ông nội. Năm 19 tuổi (1923), tốt nghiệp Thành chung tại trường Quốc học Huế, về dạy học ở Đồng Hới. Được ba năm (1926), gặp gỡ cụ Phan Bội Châu, bỏ dạy học, vào gặp Huỳnh Thúc Kháng và trở thành một trong những người sáng lập báo Tiếng dân. Năm 1928, tham gia sáng lập đảng Tân Việt và được bầu làm Tổng Bí thư. Ông bị Pháp bắt giam gần tám tháng từ 27-7-1929 đến 2-3-1930. Ra tù, ông chuyển hẳn sang hoạt động văn hóa, và bắt đầu soạn những bộ sách cho đến nay vẫn còn có giá trị học thuật. Chỉ tính riêng hai bộ từ điển Hán Việt từ điển và Pháp Việt từ điển cũng đủ khẳng định ông là một học giả có tri thức uyên bác, bao quát cả Đông Tây kim cổ. Ông trở thành một trong số rất ít những người Việt Nam được Viện Hàn lâm Pháp ghi tên vào Từ điển bách khoa La rousse (1968).
Tuổi Bính Thìn (1916), vừa đông về số lượng vừa là giàn đồng ca của các nhà thơ (11/15 tác giả), trong đó có những tên tuổi lừng lẫy đã từng được “bầu” vào Thi nhân Việt Nam như Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Bích Khê, Yến Lan, Huy Thông, Thúc Tề, Phan Khắc Khoan, Phan Thanh Phước, thậm chí, cả những người không được các tác giả Thi nhân Việt Nam “để mắt” tới nhưng danh thi cũng chẳng kém: Hồ Dzếnh, Ngân Giang, Hữu Loan.
Xuân Diệu (1916-1985), quê gốc ở Can Lộc, Hà Tĩnh, nhưng sinh ra ở quê mẹ Tuy Phước, Bình Định. Xuân Diệu xuất hiện khi thơ mới đã giành thắng lợi trên thi đàn, những tập thơ như Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945) đã tạo cho ông ngôi vị độc tôn “mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh). Đến với cách mạng, ông vẫn tiếp tục mạch thơ sôi nổi, giàu hình tượng, tràn đầy ấn tượng và cảm giác, gắn liền với tâm trạng tầng lớp thanh niên, do vậy, ông đặc biệt thành công về đề tài tình yêu đôi lứa, được giới trẻ suy tôn lên ngôi vị “ông hoàng của thơ tình”. Ngoài tư cách thi nhân “thứ thiệt”, thi nhân nhất trong các thi nhân, ông còn là nhà phê bình thơ có phong cách ấn tượng độc đáo, từng được Viện Hàn lâm nghệ thuật nước Cộng hòa Dân chủ Đức bầu làm Viện sĩ thông tấn. Danh hiệu này, sau này ở nước ta chỉ có thêm giáo sư Hoàng Trinh...
Nhưng đông nhất về số lượng là tuổi Mậu Thìn (1928), đến 20 tác giả và văn xuôi đã chiếm ưu thế. Nghiên cứu, lý luận phê bình có Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Đức Đàn, Lê Xuân Vũ, Phạm Văn Diêu; thơ có Chính Hữu, Lữ Giang, Lê Kim, Văn Phương, Văn Công; đông đảo và để lại ấn tượng sâu đậm và lâu bền là văn xuôi với 11 tác giả là Thái Vũ, Hà Ân, Hải Hồ, Hồng Hà, Mạc Phi, Mai Ngữ, Minh Khoa, Y Điêng, Sơn Tùng, Phan Quang, và tác giả đáng quan tâm nhất là Nguyễn Thi (1928-1968).
Quê ở Hải Anh, Hải Hậu, Nam Định, nhưng cha mất sớm, nhà nghèo, Nguyễn Thi phải theo người anh vào sống ở Sài Gòn và tham gia Cách mạng Tháng Tám (1945). Sau năm 1954, ra Bắc, làm đội trưởng văn công rồi về tạp chí Văn nghệ Quân đội, lại chuyển sang viết ký, truyện ngắn. Khi tập Đôi bạn (1962) ra mắt chưa được bao lâu, thì tác giả trở lại chiến trường Nam Bộ, chiến đấu như một người lính và đã hy sinh ở Sài Gòn trong đợt tổng tấn công xuân Mậu Thân (1968). Nơi ông ngã xuống, nay là đường phố mang tên ông-đường Nguyễn Thi, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Sự nghiệp của Nguyễn Thi được ghi nhận thông qua hàng loạt tác phẩm tiêu biểu cho văn học giải phóng miền Nam như Người mẹ cầm súng, Mẹ vắng nhà, Ước mơ của đất, Ở xã Trung Nghĩa...
Tuổi Canh Thìn (1940) có 13 tác giả, trong đó, nghiên cứu lý luận, phê bình là hai gương mặt xuất sắc: Trần Đình Sử, quê ở Huế, trưởng thành ở Hà Nội, là người có công đưa lý thuyết thi pháp học về Việt Nam và đã dày công xây dựng một hệ thống lý luận nền tảng cho lý thuyết văn chương; Nguyễn Q. Thắng, quê ở Quảng Nam, trưởng thành ở Sài Gòn, là tác giả của gần ba mươi công trình nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực như văn học, ngôn ngữ, lịch sử, địa lý, văn hóa, giáo dục... Về thơ, có sáu tác giả nhưng lại là những gương mặt tiêu biểu cho thế hệ những nhà thơ thời chống Mỹ như Bùi Minh Quốc, Lê Anh Xuân, Vũ Quần Phương, Trúc Thông, Lệ Thu, Nguyễn Vũ Tiềm. Về văn xuôi, chỉ có bốn tác giả là Đặng Văn Ký, Thái Vượng, Tô Đức Chiêu và đáng chú ý là Nguyễn Mộng Giác. Bên cạnh đó, về dịch thuật chỉ có một tác giả dịch văn xuôi là Nguyễn Tâm.
Tuổi Nhâm Thìn (1952) chỉ có 5 tác giả, trong đó có một nhà thơ, là gương mặt tiêu biểu cho thơ ca thời chống Mỹ là Hoàng Nhuận Cầm, một dịch giả khá nổi tiếng, đã từng đạt các giải thưởng là Đoàn Tử Huyến, ba nhà văn là Triệu Xuân, Văn Vinh và người một thời gây sóng gió trên văn đàn là Bảo Ninh. Với tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh và các tập truyện ngắn, Bảo Ninh không chỉ là người có tư tưởng - nghệ thuật mới mẻ và những khám phá về thi pháp biểu hiện, mà quan trọng hơn, anh đã mở ra một cánh cửa, soi vào một luồng ánh sáng cực mạnh cho một cách nhìn chuẩn xác về chiến tranh trên nền tảng tư tưởng nhân bản thấm đẫm văn hóa Việt.
Tuổi Giáp Thìn (1964) không thấy có tác giả nào, thì tuổi Bính Thìn (1976) lại xuất hiện đến 13 tác giả, trong đó có dịch giả Trần Bích Lan, cây bút lý luận, phê bình Phạm Xuân Thạch, hai nhà thơ là Đàm Huy Đông, miên di (viết thường), chín cây bút văn xuôi là Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp, Trương Anh Quốc, Nguyễn Thị Kim Tuyến, Nguyễn Thị Việt Nga, Vi Thị Thu Đạm, Tống Ngọc Hân, Trần Đức Tĩnh, A Sáng. Trong số này, đáng chú ý là ba tác giả từng đạt giải Văn học tuổi hai mươi, là Trương Anh Quốc, Phong Điệp, và người gây chấn động mạnh mẽ cho đời sống văn học đầu thế kỷ, trở thành một hiện tượng có một không hai thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp xã hội là Nguyễn Ngọc Tư, với 15 tập sách (chủ yếu là truyện ngắn và tản văn), 5 giải thưởng văn học, từng được bầu chọn là “một trong mười nhân vật trẻ xuất sắc tiêu biểu năm 2002”, trong đó có tập Cánh đồng bất tận đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Trẻ hơn, ở tuổi Mậu Thìn (1988) cũng đã có dăm cây bút đang bắt đầu tập viết như Hoàng Ngọc Mai, Nguyễn Thiền Ngân, Nguyễn Thị Yến Linh, Trần Minh Hợp (văn xuôi), Lữ Thị Mai (thơ)...
Nhìn chung, ở những người tuổi rồng, đã đi vào văn chương là quấn lấy sự nghiệp cho đến cuối đời. Ở trên tất cả các thể loại văn học, họ đều có sự chiếm lĩnh và đi đến tận cùng với những sở trường sở đoản riêng và có những hiện tượng độc sáng. Không hiểu sao, tôi cứ hình dung một cách chắc mẩm rằng, nếu có thể nhìn thấy được rồng bay trên bầu trời đất Việt, thì trên khoảng không trong xanh kia, những người tuổi rồng, một số đã bay đến tận bến bờ của viên mãn, dù trong đời có bao nhiêu hệ lụy nhưng cuộc sống vẫn không rơi vào cõi hư vô. Những người trẻ hơn, đang còn miệt mài trên đường, đi về miền tươi sáng, với cỏ hoa đang đâm chồi nảy lộc trong nắng xuân vừa tới.
Phạm Phú Phong