Chuyện xưa xứ Quảng
Vè đá bóng
Vào cuối những năm 1930, đầu những năm 1940, ở Đà Nẵng, phong trào thể dục-thể thao phát triển mạnh, nổi nhất là phong trào đá bóng, nổi đến độ trận đấu bóng cấp làng cũng đi vào… vè.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Bấy giờ, tại làng Túy Loan, có ông Chánh Ký tộc Đặng đứng ra lập đội bóng và trở thành ông bầu của đội mang tên đội bóng Túy Loan. Ông vừa lập đội bóng vừa… mở sòng bạc lấy lời nuôi đội bóng. Lập đội bóng, chọn lựa cầu thủ xong, cả đội phải bước vào luyện tập. Xưa, đã sinh ra là cầu thủ bóng đá, dù là bóng đá… làng, cũng phải biết ít võ thuật, phòng khi đối phương chơi xấu còn biết cách tránh né. Thế cho nên, ông Chánh Ký phải mời một ông giỏi võ, có tên gọi là ông Cử Vận, người Bắc, đến dạy võ. Cũng chẳng ai biết ông Cử Vận có phải đậu cử nhân rồi mới có tên Cử Vận hay không, nhưng ông này giỏi võ, dạy đâu ra đấy. Nhiều chiêu ông bày rất hữu ích với anh em cầu thủ. Nhờ đó mà họ tránh được chấn thương, tránh được đòn triệt hạ của đối thủ… xấu chơi.
Về thành phần đội bóng, có anh Hòa Chiêu, người gốc Hoa ở Túy Loan, làm thủ môn. Cầu thủ thì rất nhiều như các anh Ký, anh Canh, anh Sắt, anh Thép, anh Trợ, anh Trung… Mỗi cầu thủ có một thế mạnh riêng, tùy theo đó mà ông bầu bố trí trấn giữ khung thành, làm hậu vệ hay tiền đạo... Nhờ chuyên cần tập luyện, đội bóng đá lên chân trông thấy. Đầu tiên, đội đá và thắng đội bóng Cẩm Lệ, sau thắng đội Hội An. Rồi có lần đá với đội bóng Éclaire của Pháp ở Đà Nẵng.
Đội bóng đạt đỉnh cao phong độ khi đi tham dự ở một giải do vua Bảo Đại tổ chức, bấy giờ gọi là đá giá ngự, đội lại vinh dự đoạt cúp. Tương truyền, cúp đó hình người, tay cầm quả bóng. Rước cúp về, dân làng mừng, cả tháng còn bàn luận xôn xao, đi đâu cũng khoe với làng bạn, xã bạn, ra chiều như mới đoạt cúp hôm qua. Lại nói, đã có cúp rồi, không biết để ở đâu, mới gửi tạm ở Trường An Phước, sau bị mất, dân làng ai ai cũng tiếc đứt ruột mỗi khi nhắc đến chuyện này.
Còn trận đấu đi vào vè là trận đấu giữa đội bóng Túy Loan với đội bóng Đông Hải của làng An Hải, Đà Nẵng. Đội Đông Hải cũng là đội mạnh, đá có tiếng tăm. Ông bầu đội này là ông Xã Lư, người làng Hà Thân, giàu có tiếng. Nghe đồn ông giàu nhờ đào được… vàng Hời. Theo bài vè, trận đấu diễn ra ở sân vận động trước Trường tiểu học An Phước. Khán giả đi xem rất đông. Bài vè viết: “Đông Hải match (1) với Túy Loan/ Tại sân vận động gần tràng học công/ Người ta coi cũng thật đông/ Kẻ lớn người nhỏ đàn ông đàn bà/ Kẻ gần cho chí người xa/ Dương Lâm, Cẩm Toại, Phú Hòa, Túy Loan/ Đi coi đầy đất chật đàng/ Đếm ra cũng có số ngàn số trăm”.
Cũng theo bài vè, trận đấu diễn ra ngày 22 tháng 5 âm lịch năm Bảo Đại thứ 17 tức vào chủ nhật ngày 5 tháng 7 năm 1942. Theo quy định giữa hai đội, mỗi bên sẽ cử ra một người hiểu rành về luật nhất để làm trọng tài mỗi hiệp. Trọng tài hiệp đầu là chú Xú, người Tàu, sống ở Túy Loan. Sau, ông tản cư ra Đà Nẵng, mở tiệm bán thuốc Bắc lớn lấy tên là “Diệp Tô Đường” khá nổi tiếng ở gần chợ Hàn.
Về màu áo, đội Túy Loan mặc áo vàng, đội Đông Hải mặc áo xanh: “Túy Loan match với Hà Thân (tức Đông Hải)/ Ai ai cũng rủ rần rần đi coi/ Vàng xanh ra sắp hẳn hòi/ Arbitre (2) chú Xú thổi còi, giồi banh/ Hai bên xáp lại mà giành/ Cột neo cú sút bên xanh ăn đầu/ Hai bên match lại hồi lâu/ Phe vàng trả nợ cú đầu phe xanh/ Cột neo cú sút đành rành/ Chiêu bắt không được bị banh lọt vào”.
Chiêu ở đây là Hòa Chiêu, thủ môn đội Túy Loan. Như vậy, đội Đông Hải dẫn 1-0. Các cầu thủ Đông Hải vui không kể xiết: “Bên phe Đông Hải nhảy vô/ Bắt tay múa nhảy trầm trồ với nhau”. Hết hiệp 1, sau khi nghỉ giải lao, cả hai đội vào đá hiệp hai. Lần này, trọng tài bên đội Đông Hải cử ra. Đó là trọng tài tên Tứ. Lần này, đội Túy Loan căng sức mà đá, quyết san bằng tỷ số:
“Uống nước rồi tới tăng (3) sau/ Túy Loan ra sức coi màu khá hung/ Ký, Canh, Sắt, Thép, Trợ, Trung/ Thanh, Gia, Tâm, Toán lại cùng Hòa Chiêu/ Đến hồi độ bốn giờ chiều/ Túy Loan ra sức có nhiều cú hay/ Hai bên thiên hạ vỗ tay/ Túy Loan gỡ được cũng may lắm rồi/ Sợ e giờ đã đến nơi/ Túy Loan gỡ không được cũng khó chơi lắm mà/ Arbitre chú Xú một cú không tha/ Arbitre Tứ thật là ăn gian/ Manh a-văng (4) một cú rõ ràng/ Penalty (5) hai cú dễ dàng xử vô/ Arbitre sao Tứ không hô...”.
Theo nội dung bài vè thì trọng tài do đội Đông Hải cử ra điều khiển trận đấu đã thiên vị, không bắt penalty cho đội Túy Loan. Tuy nhiên, kết cuộc, đội Túy Loan vẫn quân bình tỷ số 1-1. Có lẽ, đó là tỷ số khá đẹp cho một trận đấu bóng giao hữu. Và, đó cũng là trận đấu để đời vì đã tạo chất liệu để nhà thơ dân gian nọ làm bài thơ theo thể loại bài vè được lưu truyền đến nay, chỉ tiếc rằng bài thơ theo thể vè ấy vẫn còn… thiếu mấy câu kết.
PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT
(1) Cuộc đấu - tiếng Pháp.
(2) Trọng tài.
(3) Tăng: nói tắt từ mi-temps, nghĩa là hiệp (bóng).
(4) Main avant: bóng chạm tay/ chơi bóng bằng tay
(5) Quả phạt đền.