Khi người dân Bàu Dũ (thuộc thôn Phú Trung, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) khai thác nguyên liệu để nung vôi ở gò Bàu Dũ, đã phát hiện trong các đống sò điệp có lẫn lộn một số xương động vật và nhiều hòn cuội. Từ đó, “bí mật” chôn giấu đã dần dần được phát lộ...
Các loại nhuyễn thể (trái) và công cụ đá phát hiện ở di chỉ Bàu Dũ. |
Trên đỉnh gò Bàu Dũ hiện có một ngôi miếu thờ thần (nhân dân địa phương gọi là Lăng Cô bác) nằm ngay bên con đường bê-tông dẫn ra khu ruộng Bàu Giá. Trước đây trên bề mặt di chỉ còn có ngôi trường tiểu học nhưng nay ngôi trường đã bị tháo dỡ hoàn toàn, chỉ còn lại móng và một đoạn nền. Người dân địa phương cho biết, khu vực di chỉ Bàu Dũ trước đây còn được gọi là đồng Cửa Sa.
Sau các cuộc đào thám sát, khai quật tiến hành tại Bàu Dũ trong các năm 1981-1984 bởi Sở Văn hóa-Thông tin QN-ĐN (cũ), Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, và mới đây cuộc khai quật vào trung tuần tháng 8-2014 của Bảo tàng Quảng Nam đã tiếp tục phát hiện nhiều khám phá mới. Qua đó phần nào hiểu thêm về đời sống, kinh tế, xã hội của người cổ Bàu Dũ trên vùng đất Quảng Nam cách nay khoảng trên 5.000 năm.
Kết thúc đợt khai quật mới này, các nhà khảo cổ học đã thu nhặt phần lớn những di vật là đồ đá, còn lại là vỏ các loài nhuyễn thể và xương động vật. Qua thống kê sơ bộ, đã thu được hơn 60 di vật đồ đá có dấu vết gia công và sử dụng, hoặc có dấu vết sử dụng nhưng không có dấu vết gia công. Chất liệu của bộ di vật đá chủ yếu là cuội, bên cạnh đó còn có một số di vật được chế tác từ các phiến thạch. Chất lượng đá xấu. Dựa vào hình dáng, chức năng của di vật, có thể chia bộ di vật đá thành các nhóm: Nhóm công cụ chặt, nhóm công cụ cắt, nhóm công cụ mũi nhọn, chày nghiền, bàn nghiền, hòn kê, hòn ghè, mảnh tước.
Ngoài những nhóm công cụ trên, trong hố khai quật còn thu được nhiều mảnh vỡ công cụ mà chủ yếu là của chày nghiền và rất nhiều mảnh đá nguyên liệu gồm đá cuội để chế tác công cụ, các mảnh vỡ không định hình được tách ra trong quá trình chế tác và cả đá dùng để đánh dấu mộ. Bên cạnh những di vật bằng đá thu được trong hai hố khai quật, còn thu lượm hàng trăm viên đá nguyên liệu, vỏ các loài nhuyễn thể, xương động vật, xương cá các loại, mai rùa… và 6 cụm di cốt người cổ.
Qua các lần thám sát, khai quật nói trên, các nhà khảo cổ đã thu được trong tầng văn hóa một khối lượng vỏ sò, điệp, ốc khá lớn lẫn với xương thú, xương cá... Qua đó có thể thấy người cổ Bàu Dũ có thói quen chôn hoặc đổ vỏ nhuyễn thể thành từng đống, trải qua nhiều thế hệ, những vật phế thải đó cùng với cát bụi đã tích tụ lại thành tầng văn hóa. Với kiểu cấu tạo tầng văn hóa đó, các nhà khảo cổ đã xếp Bàu Dũ vào loại hình di tích “Đống rác bếp” hay “Đống sò điệp”, “Cồn sò điệp”. Loại hình di tích này thường xuất hiện ở vùng ven biển vào cuối thời đá cũ và thời đá mới. Ở Việt Nam số lượng di tích “Cồn sò điệp” phát hiện được chưa nhiều; Bàu Dũ là di tích đầu tiên thuộc loại hình này được nghiên cứu ở các tỉnh phía Nam…
Nghiên cứu các di vật tìm được trong tầng văn hóa, các nhà khảo cổ cho rằng cư dân cổ Bàu Dũ chủ yếu sống dựa vào kinh tế khai thác. Cảnh quan thiên nhiên rất thuận lợi cho việc kiếm sống của họ. Nguồn đạm động vật khá phong phú nhờ trình độ khai thác hải sản và các động vật sống ở sông, hồ của người cổ Bàu Dũ khá cao. Ngoài những loài nhuyễn thể có sẵn và rất dễ khai thác, họ có nhiều kinh nghiệm trong việc đánh bắt cá sông, biển. Bên cạnh nguồn thực phẩm hải sản là chính, người cổ Bàu Dũ còn săn bắt được loài thú hoang dã sống ở vùng đồng cỏ, đầm lầy và trong rừng... Số lượng xương thú tìm thấy ở di tích ít hơn so với số lượng vỏ các loài nhuyễn thể, cho thấy kinh tế hái lượm trội hơn kinh tế săn bắt.
Trong 6 cụm di cốt người cổ mới phát hiện có di cốt còn nguyên hộp sọ và một số xương chi, đốt sống. Qua tham khảo kết quả khai quật năm 1984 và hiện trạng di cốt tại hố khai quật năm 2014 cho thấy mộ được chôn ở tư thế bó gối trong các hố sò điệp, xung quanh có các mảnh đá nhỏ để đánh dấu mộ. Một di cốt khác tuy đã bị mủn không còn thấy rõ nhiều nhưng bên cạnh các mẩu xương tìm thấy công cụ. Điều này cho thấy người cổ Bàu Dũ đã có ý thức trong việc chôn người chết. Những công cụ này có thể được họ sử dụng khi còn sống và khi chết đi chúng được chôn theo người chết như là những vật dụng tùy táng…
Theo kết quả của các đợt thám sát và khai quật trước đây và dựa vào phương pháp phân tích phóng xạ C14 các mẩu than tro đã được tìm thấy trước đó, cố GS Trần Quốc Vượng cho rằng niên đại của Bàu Dũ khoảng 5030 ± 60 năm trước Công nguyên. Căn cứ đặc trưng công cụ và táng thức, các nhà khảo cổ học đề nghị xếp Bàu Dũ thành một loại hình riêng, nằm ở bước chuyển sau Hòa Bình, gọi là đá mới sau Hòa Bình.
MAI HỒNG LÂM