Thôn Nam Thành, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, có một ngôi mộ cổ khá lớn với hai tấm bia đá ghi niên đại Tự Đức năm thứ hai (1849) và Tự Đức năm thứ ba (1850).
Hai tấm bia trên ngôi mộ cổ. |
Theo truyền thống kiêng cữ gọi tên húy của người quá cố, văn tự chữ Hán ở cả hai tấm bia đề không ghi rõ tên thật của người nằm dưới mộ. Tấm bia thứ nhất, do 6 người con trai phụng lập, chỉ cho biết thân sinh của mình là người họ Nguyễn. Tấm bia thứ hai, do 96 môn sinh (trong đó có Tiến sĩ Phạm Phú Thứ, người cùng quê Quảng Nam) của người đã khuất “cung đạo”, cũng chỉ ghi rằng thầy cũ của họ là “Ấn Phong Tiên sinh”.
Hậu duệ của người họ Nguyễn ấy thì vẫn còn, nhưng gia phả đã bị thất lạc. Vì ngôi mộ đã được chôn cất cách đây 165 năm (1849 - 2014), trải qua 6 thế hệ, con cháu hiện nay của nhân vật ấy không còn nhớ rõ tên húy của tiền nhân mình. Khi tra cứu trong sử sách, chúng tôi tìm thấy được tên họ và chữ lót đầy đủ là Nguyễn Đức Chính, chữ Chính được đọc là chữ Chánh theo giọng địa phương.
Nhân vật Nguyễn Đức Chính được ghi chép trong 4 bộ sách lịch sử và địa chí của Triều Nguyễn như: Đại Nam Liệt Truyện, Đại Nam Thực Lục, Đại Nam Nhất thống chí (thời Tự Đức), Đại Nam Nhất thống chí (thời Duy Tân). Ngoài ra, tên họ của Nguyễn Đức Chính trong bộ sách Quốc Triều Hương Khoa Lục của tác giả Cao Xuân Dục, Những ông Nghè, ông Cống triều Nguyễn do Bùi Hạnh Cẩn, Nguyễn Loan và Lan Phương biên soạn.
Đại Nam Liệt Truyện có ghi: “Nguyễn Đức Chính tự là Thiện Trai, người huyện Diên Phước tỉnh Quảng Nam, có tiếng văn học. Minh Mạng năm thứ 12 (1831) đỗ hương tiến (tức là Cử nhân), lúc đầu vào Nội các, trải thăng tham biện, đổi làm biện lý bộ binh. Thiệu Trị năm thứ sáu (1848) làm tham tri Bộ Binh, đổi ra tuần phủ Hà Tĩnh. Tự Đức năm đầu (1848) đổi về tả tham tri Bộ Lại. Bây giờ mới mở nhà kinh diên, sung làm thuận giảng quan, lại đi khâm sai làm phó chủ khảo trường thi Hội, năm thứ ba (1850) bị ốm chết ở chỗ làm quan”.
Một đoạn khác: “Đức Chính là người thanh bạch thẳng thắn, trải khắp trong ngoài, làm việc chu đáo cẩn thận. Hôm chết, vua thương cảnh thanh bần, đặc cách gia cho 400 quan tiền, vải lụa điều 20 tấm. Con có hai người, Luận được tập ấm bổ làm quan đến Tri phủ Diễn Châu, còn Xưởng bổ thụ cửu phẩm”.
Trong Đại Nam thống nhất chí thời Tự Đức và Duy Tân, ở mục “nhân vật” đều ghi chép những nội dung tương tự về Nguyễn Đức Chính. Trong Đại Nam Thực Lục thì cho biết thêm một số chi tiết khác nữa về nhân vật này. Những thông tin liên quan đến Nguyễn Đức Chính trên các bộ sử này cùng với nội dung hai văn bia ở mộ ông đã “phác thảo” ra chân dung của nhân vật này.
Nguyễn Đức Chính có tên tự là Thiện Trai, nguyên quán làng Thăng Bình, thôn Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay thôn Nam Thành, Duy Trung, Duy Xuyên. Ông sinh năn 1802, năm vua Gia Long lên ngôi, đậu khoa thi Hương ở trường thi Thừa Thiên năm 1831 dưới thời Minh Mạng, tức là thi đậu Cử nhân năm Tân Mão.
Con đường quan lộ ông bắt dầu với một chức nhỏ (có lẽ là chức Hành tẩu) ở Nội các, tại kinh đô Huế. Nội các là cơ quan hành chính cao cấp nhất trực thuộc nhà vua, đóng trong Tử Cấm Thành. Sau đó, nhờ làm việc mẫn cán và có tài về văn học, ông được tăng hàm Hàn lâm viện Thị độc (trật ngũ phẩm văn giai).
Tháng 8-1840, ông được thăng lên hàm Tự thị giảng học sĩ (trật tòng Tứ phẩm Văn giai và được xếp vào hàng đường quan, tức đại thần), đồng thời được giao giữ chức Tham biện ở Nội các (tham biện là chức quan bậc phó, phụ trách một công việc chuyên môn nào đó).
Bốn tháng sau (12-1840), ông được bổ qua giữ chức Lang trung ở Bộ Binh (chức Lang trung thuộc trật Chánh tứ phẩm ban) rồi thăng lên làm Biện lý (còn gọi là tả lý). Đến năm 1846 dưới thời Thiệu Trị, ông tiếp tục được thăng lên giữ chức Tham tri ở Bộ này (chức Tham tri thuộc trật tòng nhị phẩm văn ban), rồi được bổ ra làm Tuần phủ tỉnh Hà Tĩnh.
Đầu tháng 2-1848, dưới thời Tự Đức, ông được nhà vua cho nhận thực thụ thư hàm của mình, nghĩa là làm Thị giảng học sĩ. Cuối tháng 2-1848, ông được vua Tự Đức chọn lựa và gọi về Huế để chuẩn bị tham gia cuộc tế lễ Nam Giao diễn ra tại kinh đô sau đó. Trong dịp này, ông được nhà vua giữ lại và bổ làm Tả Tham tri Bộ Lại vào tháng 4-1848.
Tháng 3-1849, nhân dịp mới mở nhà Kinh Diên ở Điện Khâm nằm trong vườn Cơ Hạ, tức là nơi vua thỉnh thoảng đến nghe giảng kinh sách của thánh hiền, ông được sung làm một trong 4 vị Nhật giảng quan đầu tiên của nhà vua. Trong năm ấy, ông được nhà vua cử làm Phó Chủ khảo khoa thi Hội tại kinh đô. Nhưng không bao lâu sau đó thì ông mất vì bệnh, hưởng dương 49 tuổi. Đây là thời điểm ông chết được ghi trên bia mộ. Còn theo Đại Nam Liệt truyện thì ghi ông mất vào 2-1850.
Cử nhân Nguyễn Đức Chính đã từng làm quan dưới 3 đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức mà chức vụ cao nhất của ông là Tả Tham tri Bộ Lại (tương đương với Thứ trưởng thường trực ngày nay). Nhờ tính cần mẫn và thanh liêm, ông đã thăng tiến đều đặn trên hoạn lộ. Nhờ có tài cao về văn học, ông đã từng giảng giải kinh sách cho vua Tự Đức nghe và đã từng truyền thụ kiến thức sâu rộng của mình cho gần 100 môn sinh, trong đó có người đỗ tiến sĩ là Phạm Phú Thứ.
VÕ HÀ