.

Tú tài Trương Trọng Hữu

Để phục vụ giảng dạy theo tinh thần mới, ông đã tự viết tài liệu về nhiều môn học bằng chữ quốc ngữ cả về lịch sử, địa lý, khoa học thường thức...

Các trường duy tân trong tỉnh đã sử dụng các tài liệu mà Trương Trọng Hữu viết như là sách giáo khoa chính thức của trường.

Tú tài Trương Trọng Hữu còn gọi là ông Tú Năm, hiệu là Văn Hiên, là con rể của cụ Phạm Phú Thứ và là ông ngoại của nhà “Quảng Nam học” Lâm Quang Thự. Ông sinh năm 1860 tại làng Châu Lâu, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay là xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Dưới triều Thành Thái (1889 - 1907), ông thi đỗ tú tài, nhưng nhận thấy cái học khoa cử đã đến hồi suy tàn nên không tiếp tục lều chõng đi thi cũng không chịu ra làm quan mà ở nhà tham gia phong trào Duy Tân, lập hội nông, hội thương, mở trường dạy chữ quốc ngữ. Trường của ông dạy theo lối mới, cả bằng chữ Hán và chữ quốc ngữ. Hằng tháng có dẫn học sinh đi du ngoạn thăm các di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh. Trường đặc biệt coi trọng môn lịch sử nhất là lịch sử địa phương.

Năm 1908, ông tham gia cuộc kháng thuế, cùng nhân dân Đại Lộc và cả tỉnh vây Tòa sứ Hội An, vây phủ Điện Bàn buộc viên tri phủ Trần Văn Thống cùng đi xin xâu với nhân dân. Cuộc kháng thuế bị đàn áp, ông về tiếp tục công việc dạy học. Để phục vụ giảng dạy theo tinh thần mới, ông đã tự viết tài liệu về nhiều môn học bằng chữ quốc ngữ cả về lịch sử, địa lý, khoa học thường thức... Các trường duy tân trong tỉnh đã sử dụng các tài liệu mà Trương Trọng Hữu viết như là sách giáo khoa chính thức của trường.

Xin giới thiệu một vài đoạn trong số những tài liệu quý giá được giảng dạy tại các trường Duy tân ở Quảng Nam trước đây mà ngày nay một số người vẫn còn thuộc lòng:

Bài ca về lịch sử nước ta, rất dài, làm theo thể lục bát, trong đó có đoạn:

Đã bốn ngàn tám trăm năm/ Kể từ Hồng Lạc cũng nhằm chẳng sai/ Thục, Triệu, Ngô đổi thay hoài/ Khi trong thuộc địa khi ngoài phân tranh/ Mười hai sứ tướng xưng binh/ Ra tay thống nhất họ Đinh thâu về...

Bài ca về cân lường, làm theo thể thơ 4 chữ (tứ ngôn), gồm 48 câu, trong đó có một số câu như:

Lấy lít nước lường/ Cân thì biết sức/ Bạch kim nặng nhứt/ Hai mươi hai lần/ Vàng mười chín cân/ Hăm lăm số lẻ/ Bạc kia chẳng nhẹ/ Mười lít năm phân/ Còn giống thủy ngân/ Mười ba lẻ sáu/ Chì tuy không báu/ Mười một cân năm/ Tám lít chín trăm/ Sức đồng không nhẹ/ Tám cân chín lẻ/ Đồng dễ đúc xu/ Sắt bảy ký lô/ Tám héc-tô nữa/ Thép bảy lít chứa/ Bảy tám xăng-ti/ Kẽm chẳng kém chi/ Bảy cân hai lẻ/ Thiếc còn dẹt dẻ/ Bảy lít dư ba/ Vôi lại xấp ba/ Gang thì xấp bảy/ Đá hai cân bảy/ Chai hai cân năm/ Hai lít hai trăm/ Thủy tinh chất khối/ Diêm thì nhị bội/ Nước lọc trung bình...

Bài vè về Trái Đất, cũng cùng thể thơ như thế:

Lẳng lặng mà nghe/ Cái vè Trái Đất/ Năm châu ở chật/ Châu Á lớn hơn/ Thiên vận tuần hoàn/ Châu Âu khôn trước/ Giàu hơn các nước/ Châu Mỹ ai bì/ Châu Úc, châu Phi,/ Chịu phần liệt bại/ (...) Ở lại một phương/ Cách Đại Tây Dương/ Gọi là châu Mỹ/ Xét ra cho kỹ/ Xưa vốn đất hoang/ Người Âu mới sang/ Lập thành nước tốt/ Hoa Kỳ là một/ Ba Tây là hai (…) Châu Úc ít người/ Đất chẳng mấy mươi/ Châu Âu cũng chiếm/ Nghĩ còn không hiếm/ Những chuyện gần xa/ Người nước Nam ta/ Lo mà tự lập.

Đặc biệt, bài ca về địa chí Quảng Nam làm theo thể lục bát, gồm 54 câu, được phổ biến một cách rất rộng rãi không những trong học sinh mà cả trong phụ huynh và nhân dân:

… Bắc Thừa Thiên giáp Hải Vân/ Nam thì Quảng Ngãi giáp gần núi Phong/ Tây thì giáp đến Mê Công/ Mọi cao, mọi thấp mấy vòng núi xanh/ Đông thì biển rộng thinh thinh/ Đất hai trăm dặm rành rành nhớ ghi/ Bảy phủ huyện ấy tên chi/ Sát ngoài phía bắc vậy thì Hòa Vang/ Giữa thời là phủ Điện Bàn/ Tỉnh thành thì cũng ở ngang một bề/ Duy Xuyên huyện ở trong kề/ Quế Sơn vô nữa thì về phủ Thăng/ Hà Đông Quảng Nghĩa sát Giằng/ Còn huyện Đại Lộc mới tăng trên cùng/

… Thu Bồn một dải cong vòng/ Ô Gia thì ở trên dòng sông Con/ Lỗ Đông sát núi Cao Sơn/ Cu Đê thì ở gần hòn Hải Vân/

... Nông Sơn than đá thiếu chi/ Bảo An đường tốt, Trà My quế nhiều/ Bạc vàng ở tại Bông Miêu/ Phò Nam Phú Thượng biết bao nhiêu chè/ Tơ cau, thuốc chở đầy ghe/ Hội An buôn bán tiếng nghe xa gần/ Một ngàn bốn chục xã dân/ Ai ai cũng có một phần giang sơn.

Năm 1947, khi ở tuổi 87, mặc dù tuổi già sức yếu, tú tài Trương Trọng Hữu vẫn tham gia tích cực cuộc kháng chiến chống Pháp tại quê nhà. Ngày 9-10-1947 giặc Pháp đi càn, bắt và tra tấn ông dã man, buộc phải khai những cán bộ, du kích đang hoạt động trong vùng. Tuổi càng già chí khí càng cao, giặc không khuất phục được ông, cuối cùng phải đem xử bắn, đốt nhà và thiêu xác ông.

Hiện nay ở thôn Châu Lâu, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, nơi Tú tài Trương Trọng Hữu hy sinh vẫn còn tấm bia tưởng niệm ông, người chiến sĩ tài năng đầy sáng tạo của phong trào Duy Tân, tác giả viết sách giáo khoa bằng chữ quốc ngữ tiên phong của nước ta, người liệt sĩ kiên cường của cuộc kháng chiến chống Pháp.

LÊ THÍ

;
.
.
.
.
.