“Đất Quảng Nam là xứ địa linh nhân kiệt, sông núi trùng điệp nên người Quảng Nam học giỏi tài cao, mưu sâu mẹo hiểm, nhưng phải cái tội tự cao lại hay lý sự, tiết tháo lại ngang tàng... Do đó ra đời được nhiều người nể mà không thương, được nhiều người trọng mà không phục nên mỗi khi giữ chức cao quyền trọng thường gây gổ! Nếu được làm mưu sĩ thì khó ai bằng”.
Bác sĩ Lê Đình Thám con trai cụ Lê Đĩnh, em nhà cách mạng Lê Đình Dương. |
Đây là câu mà Lê Đĩnh (có tài liệu ghi là Lê Đình Đĩnh) thường nói với con cháu và các môn đồ lúc sinh thời như một sự tổng kết được chiêm nghiệm từ suốt cuộc đời làm quan đầy trách nhiệm nhưng cũng đầy sóng gió của mình.
Lê Đĩnh sinh năm 1847 tại làng Đông Mỹ (sau đổi là La Kham), huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; nay là xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, là thân phụ y sĩ Lê Đình Dương và bác sĩ Lê Đình Thám. Ông xuất thân trong một gia đình Nho học có tiếng ở địa phương. Lúc nhỏ học tại trường Đốc Quảng Nam ở Thanh Chiêm, Điện Bàn. Năm 1870 dưới triều Tự Đức, ông thi đỗ cử nhân tại Trường thi Thừa Thiên.
Ông đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng như Biện lý Bộ Công, Phó chủ khảo Trường thi Nghệ An, Tổng đốc Hà Nội rồi Hưng Yên, Thượng thư Bộ Binh, Hữu Đô Ngự sử Viện Đô sát, Đông các Đại học sĩ.
Là nhà nho uyên bác, có tư tưởng tiến bộ lại rất khảng khái nên ông được triều đình tin cẩn giao nhiều trọng trách, đặc biệt như làm Tổng đốc Hà Nội sau khi Hoàng Diệu tử tiết, làm chánh sứ đi sứ Hương Cảng (Hong Kong), Tân Gia Ba (Singapore), Nam Dương (Indonesia), Miến Điện (Myanmar).
Mỗi lần đi sứ về ông đều có những tấu trình nêu rõ tình hình các nước và kiến nghị triều đình thực hiện cải cách để hùng cường mới mong giữ được nền độc lập trước buổi xâm lăng của phương Tây trên khắp thế giới.
Khi ở Hương Cảng về, trong sớ tâu ông viết: “Các nước Thái Tây mà phú cường là cốt ở việc binh và việc buôn bán. Lấy buôn bán mà nuôi binh lính. Gần đây, Nhật Bản theo các nước Thái Tây cho người đi buôn bán khắp mọi nơi. Nước Tàu cũng bắt chước cho người nước ngoài ra vào buôn bán. Nước ta người khôn ngoan, lại lắm sản vật. Nếu theo người ta mà làm thì cũng có thể giữ vững được nền độc lập và chủ quyền quốc gia...”.
Tất cả đề nghị cải cách của ông bị nhà vua và phe bảo thủ trong triều phớt lờ. Đau buồn trước hiện tình đen tối của đất nước, bất lực trước thời cuộc và triều đình bảo thủ, ông lấy cớ phải phụng dưỡng mẹ già nên cáo quan về ẩn dật, lấy việc dạy học trò để an ủi, lúc đó ông chỉ mới 37 tuổi (1884). Phạm Tuấn, Phạm Liệu... những tiến sĩ của Ngũ phụng tề phi đều là học trò của ông.
Khi cáo quan về nghỉ, Lê Đĩnh thường lấy câu châm ngôn trong Đạo đức kinh của Lão Tử để răn dạy mình và con cái: Tri túc bất nhục. Tri chỉ bất đãi. Khả dĩ trường cửu (Biết đủ thì không bị nhục nhã. Biết dừng thì không gặp nguy hiểm. Có thể được lâu bền).
Nhờ nắm bắt được thời thế, ông đã hướng hai người con trai của mình đi theo con đường mới. Các con ông rất tinh thông chữ Hán qua việc truyền dạy của ông nhằm thấm nhuần tư tưởng phương Đông, đạo lý dân tộc nhưng lại đi theo con đường Tây học để nắm bắt kỹ thuật, học thuật phương Tây mới mong góp phần canh tân đất nước. Lê Đình Dương đã tốt nghiệp khóa y sĩ đầu tiên, còn Lê Đình Thám đỗ thủ khoa khóa bác sĩ đầu tiên của Trường Cao đẳng Y khoa Đông Dương.
Thừa hưởng khí phách của cha, các con ông đều tham gia cách mạng. Lê Đình Dương hiến thân cho cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục hội năm 1916. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị bắt đày lên Buôn Ma Thuột. Ông đã uống độc dược tự tử năm 1919, khi mới 26 tuổi.
Lê Đình Thám là người đã dày công nghiên cứu về y học cũng như Phật học. Kiến thức Tây học đã giúp ông cộng tác với Bác sĩ Normet, Giám đốc Y tế Trung Phần phát minh ra Sérum Normet (dịch truyền Normet), được giới y học của Pháp và Việt Nam thời đó nể trọng, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cứu người. Nhưng quan trọng hơn, nhờ kiến thức Hán học tiếp thu được từ thân phụ, ông đã nghiên cứu sâu Phật học, là dịch giả của nhiều bộ sách quan trọng, nổi tiếng nhất là Bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm. Nhờ thế, Lê Đình Thám được vinh danh là một trong 105 Danh tăng Việt Nam.
“Lê Đình Thám có lẽ là người cư sĩ đầu tiên ở thế kỷ XX đã dự phần vào việc đào tạo Tăng tài. Phật học của ông được các bậc tôn túc công nhận là thâm uyên” (Việt Nam Phật giáo sử luận - Tập III, trang 89). Ông cũng là người suốt đời đấu tranh cho hòa bình của Việt Nam và thế giới trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới của Việt Nam.
Lê Đĩnh làm đại thần trong một triều đình bảo thủ nhưng lại nhận chân được thời thế, dám đề xuất chủ trương canh tân đất nước là một điều khó. Là một người Quảng mà hiểu được hết ưu, nhược điểm của người Quảng cũng không phải là điều dễ. Truyền lại được khí phách và định hướng cho cuộc đời cho các con như Lê Đĩnh cũng là việc hiếm xưa nay.
LÊ THÍ