.

Từ Xuân Sơn đến Xuân Dương

.

Núi Xuân Dương xưa có tên là Xuân Sơn, ở phía tây bắc làng Nam Ô, nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Xưa hoa mua mọc đầy núi, đến mùa xuân hoa nở, phủ đầy một màu hồng phớt rực rỡ dưới nắng xuân nên gọi là núi Xuân Sơn.

Núi Xuân Dương ngày nay. Ảnh: V.T.L
Núi Xuân Dương ngày nay. Ảnh: V.T.L

Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán Triều Nguyễn ghi: “Núi Xuân Sơn ở phía đông trạm Nam Ổ (sau này là Nam Ô – ĐNCT), thuộc địa phận xã Xuân Thiều, cách huyện Hòa Vang 28 dặm về phía bắc, một dải cát bằng nổi lên một ngọn cây cối xanh tốt, phía tây có đền thờ”.

Đó là cách ghi mà ngày nay nhìn vào địa hình ngọn núi có tên mới là Xuân Dương này, nhiều người dân địa phương sẽ lấy làm không thỏa đáng, có khi quá lạ lẫm!

Nguyên xưa, núi Xuân Sơn (theo bản đồ Cu Đê năm 1858 của Pháp) tây cận sông Nam Ô, bắc cận cửa sông Cu Đê, đông giáp núi gành Nam Ô, phía nam là ngòi lạch nhỏ từ sông Nam Ô chảy vào. Chung quanh núi không có dải cát bằng nào cả, cách mô tả này có thể đúng với núi gành Nam Ô và nằm ở phía bắc nhà Trạm Nam Ổ xưa thì chính xác hơn.

Ngày trước Nam Ô, Xuân Thiều, Xuân Dương vốn chung một làng có tên gọi là Hoa Ổ - Xuân Sơn. Theo “Hoa Ổ xã địa bộ” (hiện còn lưu giữ), năm Minh Mệnh thứ 12 đã chia thành 2 làng theo nghề biển, nghề nông; mỗi làng được chia một hòn núi. Làng Hoa Ổ, sau đổi thành Hóa Ổ nay là Nam Ô, quản núi gành Hóa Ổ và rừng ngập mặn (quen gọi Bần Giá). Làng Xuân Sơn, sau đó đổi tên thành Xuân Thiều, quản núi Xuân Sơn để khai thác đá tăng thu nhập cho những ngày nông nhàn. Điều ấy giải thích cho các thế hệ đời sau biết vì sao núi Xuân Thiều lại ở giữa làng Nam Ô và rừng Giá Bần ngập mặn Nam Ô lại nằm trên đất Nà Xuân Thiều.

Về chuyện lập làng Xuân Sơn (Xuân Thiều), phần đông các cụ cao niên đều biết, như  cụ Sáu Hào. Cụ Sáu kể, đến đầu thế kỷ XX, người Pháp cho xây dựng đường sắt xuyên Việt và quốc lộ 1A nhằm khai thác thuộc địa. Hai đại công trình ấy song song chạy qua làng. Một phần phía tây núi Xuân Sơn phải nhường cho 2 con đường ấy đi qua. Làng Xuân Thiều được hưởng lợi khi huy động dân xã khai thác đá núi để cung cấp cho công trình. Phần đông người Xuân Thiều, Hóa Ổ và dân lưu lạc ngụ cư mang cả gia đình che lều dựng chái quanh núi để tiện cho công việc đập đá cung cấp cho nhà thầu…

Bao nhiêu đá được lấy đi từ phía tây, phía nam, phía bắc của núi đều đổ vào nền đường, tạo cầu, xây cống. Công việc kéo dài hàng chục năm, dần dà hình thành nên xóm thợ đá có trên 50 hộ đủ điều kiện theo luật thời bấy giờ lập ra một làng mới tách khỏi làng mẹ Xuân Thiều mang xã hiệu Xuân Dương, tên núi cũng gọi theo tên làng từ đó. Hai tên làng đều mang ý nghĩa ánh sáng mặt trời mùa xuân!

Sau khi chia làng một thời gian dài, năm nọ dân Hóa Ổ phải chịu một cơn dịch ghẻ lở ngoài da kéo dài. Một hôm có thầy địa lý qua làng, biết chuyện, đưa ngón tay uy lực chỉ rừng Bân Giá phía tây sông Hóa Ổ thuộc đất Nà Xuân Thiều mà phán rằng: Có bức bình phong ngăn gió độc mà không quản được thì làm sao không bị ghẻ. Nghe thế, các chức việc và tiên chỉ trong làng đã ra sức vận động, đàm phán với làng Xuân Thiều. Cuối cùng, làng Xuân Thiều chịu đổi rừng ngập mặn trên đất làng mình cho làng Hóa Ổ để lấy núi Xuân Sơn về mình cai quản.

Theo hai câu chuyện đó, núi Xuân Sơn đã được “bàn giao” cho làng Xuân Thiều và sau đó được ghi trong Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán Triều Nguyễn như đã lược trích ở trên.

Núi Xuân Sơn đã “cải danh” thành Xuân Dương, ngày nay chỉ còn khoảng một phần năm như nó vốn có. Sau vụ phá đá làm đường thời Pháp, núi vẫn còn như chiếc thúng úp tròn trịa như con rùa úp mai nằm lặng lẽ, còn đủ để dân gian gọi là Hòn Quy đối với Hòn Phụng (gành đá Nam Ô).

Ngày nay, phong cảnh làng Nam Ô đã thay đổi nhiều, núi Xuân Dương không còn như con rùa nằm úp mai lặng lẽ nữa mà chỉ như khối đá bể cố ngoi lên để khẳng định sự tồn tại của mình sau hai lần bị tàn phá của Pháp năm đầu thế kỷ XX và Mỹ năm 1965 - 1966. Tuy nhiên, núi cũng đủ cao để nhà thơ Trinh Đường trong lần trú đông năm 1990 trèo lên đỉnh cảm tác: Chiều xuân lên núi Xuân Dương ấy/ Mà ngỡ bay lên khỏi bụi trần.

Riêng rừng gành Nam Ô thì nay còn được một nửa như nó vốn có bởi con người vô tâm trong suốt mấy chục năm qua; tuy vậy vẫn còn sức hấp dẫn để kéo chân du khách.

Rừng Bần Giá ngập mặn ở bờ tây sông Nam Ô chỉ còn trong ký ức của người lớn tuổi vì đã biến mất từ phong trào nuôi tôm nước lợ vài chục năm về trước, nay đã nhường cho dự án Golden Hill. Một khu đô thị mang tên nửa tây nửa ta

Ecorio - Thủy Tú sẽ hình thành trên một địa trạch phong thủy đặc biệt, hẳn nhiên có kết nối từ phong thủy đắc địa Nam Ô, để nơi đây sẽ là đô thị “thiên đường” đáng sống như lời quảng cáo của nhà đầu tư.

ĐẶNG DÙNG

;
.
.
.
.
.