Chuyện xưa xứ Quảng
Cụ Phan làm thuyết khách
Chí sĩ Phan Châu Trinh chẳng những là nhà ái quốc vĩ đại của nước ta đầu thế kỷ XX, một trong những lãnh tụ nổi tiếng của phong trào Duy Tân, mà còn là một nhà thuyết khách tài ba, được người đời ca tụng. Tùy từng hạng người, tùy trình độ học vấn, tính tình mà ông có lối tiếp chuyện khác nhau nhưng đều đạt hiệu quả mong muốn.
Cố học giả Nguyễn Văn Xuân cho hay: Đầu thế kỷ XX, ở Phan Rang có Quản Đạo - một quan chức cao cấp, là người Nam Kỳ, biết đôi chút chữ Hán nhưng có tính tự phụ, khinh người. Phan Châu Trinh chưa hề quen biết song nghe tiếng. Nhân một lần đi ngang qua đấy, thấy Quản Đạo, liền đi thẳng vào, ngồi đối diện nói chuyện. Quản Đạo lấy làm lạ. Cụ Phan nói ngay:
- Ông quên tôi sao? Sao không có ký tánh (trí nhớ) thế?
Quản Đạo ngồi nghĩ mãi không ra. Cụ Phan bảo:
- Thong thả ông sẽ nhớ lại, xin cứ ngồi nói chuyện đã!
Rồi, cụ thuật lại chuyện Nam du (tức chuyến đi với Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp vào các tỉnh phía Nam năm 1905 để xem xét dân tình sĩ khí) và nói:
- Trước nghĩ rằng Nam Trung (Nam Kỳ) là đất Yên Triệu nước ta, chắc có nhiều người bi ca khảng khái?
Ý cụ Phan muốn ví Nam Kỳ cũng giống Yên Triệu - đất nước Tàu cổ, có nhiều người hào hiệp, vì đau đời mà làm thơ ca bày cái ý khảng khái ra. Rồi, không bỏ lỡ cơ hội tuyên truyền chủ trương Duy Tân của mình, cụ đọc cho Quản Đạo nghe bức thư định gửi cho một thanh niên họ Trương (con nhà thế gia ở Nam Kỳ). Trong thư nói đến thời cuộc cạnh tranh, nước nhà suy sút, nòi giống tiêu mòn, người có huyết tánh không lẽ ngồi yên được... Biết ông khách lạ nói khích mình, Quản Đạo khen:
- Như ông thực là người có đại chí!
Phan Châu Trinh đáp:
- Sinh trong nước Nam ngày nay, mà không có lòng lo đến chủng tộc thì không phải người nữa, có gì là đại chí!
Quản Đạo cảm phục ông Phan là người khác thường, thết đãi một cách kính trọng. Khi chia tay, cụ Phan mới cho chủ nhà hay tên họ của mình.
Lần khác, khi qua Quảng Ngãi, Phan Châu Trinh gặp Lê Khiết, vốn là Bố chánh hồi hưu. Ông này nguyên là môn hạ đắc lực của Thạch Trì Nguyễn Thân, một tên Việt gian đầu sỏ, từng đánh dẹp phong trào Cần Vương, oai danh chấn động Nam Bắc. Thế nhưng, gần đây Nguyễn Thân có ý lãnh đạm với ông. Trong lúc nói chuyện, Phan Châu Trinh muốn cảm hóa ông này, nói khích:
- Môn hạ Thạch Trì không có người!
- Sao ông biết?
- Tài học, oai vọng như Thạch Trì và cầm quyền nước đã lâu mà không làm được công danh, sự nghiệp lớn lao, chỉ rút cuộc đời đến phú quý một mình mà thôi, môn hạ có người sao như thế?
Lê Khiết giãy nãy:
- Ông có chỗ chưa rõ, sao lại không người?
Phan Châu Trinh thong thả:
- Dẫu có thì Thạch Trì lại không dung được!
Lê Khiết nghe đến câu ấy rúng động, hai tay vỗ mạnh bàn, đứng dậy cả cười mà nói:
- Thật có như lời ông nói đó!
Điều khá lý thú là kể từ câu nói đó, Lê Khiết được cảm hóa trở thành một con người mới. Ông tích cực tham gia phong trào Duy Tân và bị Pháp bắt, tử hình năm 1908 tại Quảng Ngãi nhân nổ ra vụ kháng thuế Trung Kỳ. Nghe chuyện này, một người ít xúc động như cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng phải bùi ngùi: “Than ôi! Chỉ vì vài câu nói mà ông An Ba (Lê Khiết) trở nên một tân nhân vật, chết về việc dân biến năm 1908. Nghe nói từ lúc gặp tiên sinh (Phan Châu Trinh) về sau, tới đâu cũng nói chuyện tiên sinh mà xưng tụng luôn”.
Cần nhắc lại rằng, khi ấy Phan Châu Trinh mới trên ba mươi tuổi - mà thuyết phục và cảm hóa được một vị quan hưu từng có nợ máu với dân, đủ biết thuật hùng biện và tài thu phục nhân tâm của cụ Phan kỳ diệu biết bao. Học giả Nguyễn Văn Xuân ca ngợi: “Biết bao nhiêu sách vở ở Việt Nam kể tài của các tay sách sĩ ngoại quốc mà không bao giờ nhắc giai thoại này thì quả “bụt nhà không thiêng...”.
PHAN VÂN TRÌNH