Chuyện xưa xứ Quảng
Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng vinh quy
Bảo tàng Đà Nẵng hiện lưu giữ một tư liệu quý về chính sách khuyến học dưới triều Nhà Nguyễn. Đó là văn thư của Bộ Binh chỉ đạo tổ chức vinh quy đối với Cụ Huỳnh Thúc Kháng, đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1904) dưới triều vua Thành Thái. Văn thư này được Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng dịch từ tư liệu của Bảo tàng Đà Nẵng.
Văn bản của Bộ Binh triều Nguyễn lệnh tổ chức vinh quy đối với Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng (chụp từ bản gốc chữ Hán). |
Sau khi đỗ đầu kỳ thi Hương khoa Canh Tý (1900), đỗ đầu kỳ thi Hội khoa Giáp Thìn (1904) dưới triều vua Thành Thái năm thứ 16, cụ Huỳnh Thúc Kháng tham dự kỳ thi Đình cùng năm đó và đỗ Tiến sĩ (Đệ tam giáp, đồng tiến sĩ xuất thân). Trên cơ sở văn thư thông báo của Bộ Lễ, Bộ Binh, triều Nguyễn đã có văn bản lệnh tổ chức vinh quy đối với Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng. Theo đó, tổ chức rước Tiến sĩ tân khoa từ kinh thành Huế qua từng trạm cho đến quê nhà tại Quảng Nam. Mỗi trạm cử 2 người cầm cờ, biển đề; 2 người võng tân Tiến sĩ.
Tổ chức “Vinh quy” cho tiến sĩ tân khoa là một hình thức vinh danh, khen thưởng cho các sĩ tử đỗ đại khoa trong lịch sử khoa cử nho học thời phong kiến từ năm 1075 đến năm 1919. Không chỉ bản thân người đỗ đạt vinh dự mà gia đình, dòng họ, quê hương cũng được hưởng vinh dự từ kết quả học tập của ông Nghè tân khoa. Có thể nói đây là một hình thức khuyến học độc đáo của dân tộc ta không chỉ khích lệ người học miệt mài đèn sách, động viên gia đình, dòng họ tạo điều kiện cho người học trò học tập đạt kết quả mà còn khuyến khích sĩ tử hăng hái học hành để đem vinh quang về cho bản thân, gia đình, dòng họ và quê hương.
“Vinh quy” thường đi liền với “bái tổ” và đã trở thành thành ngữ “Vinh quy bái tổ” để ca ngợi truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn bởi Tiến sĩ tân khoa ngay sau khi rước về đến quê nhà thì sẽ đến nhà thờ của dòng họ và đình làng để bái tạ tổ tiên, rồi sau đó về bái tạ thầy dạy và cha mẹ. Hành trình từ kinh đô về quê hương, các tiến sĩ tân khoa có cả đưa, đón và rước. Dân chúng trong tỉnh, huyện, xã, làng hãnh diện tưng bừng đón rước vị Tiến sĩ tân khoa với chiêng trống, cờ lọng theo lệ làng cùng với nghi thức mà triều đình đã ban cho vị tân khoa trong hành trình từ kinh đô về nơi sinh quán. Nếu vị tân khoa đã có gia đình thì người vợ cũng được hưởng vinh dự: “võng anh đi trước, võng nàng theo sau” như lời trong bài thơ của nhà thơ Nguyễn Bính:
Tưng bừng vua mở khoa thi
Tôi đỗ quan trạng vinh quy về làng
Võng anh đi trước võng nàng
Cả hai chiếc võng cùng sang một đò
Là một người nho học, đỗ đạt cao, song Cụ Huỳnh lại là người có tư tưởng duy tân, trong đó có chủ trương khuyến học, học để mở rộng hiểu biết, học để cứu nước chứ không phải để vinh thân phì gia và cùng với Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp là những lãnh đạo của phong trào Duy tân. Chính vì lý do đó mà chỉ 4 năm sau khi đỗ Tiến sĩ, năm 1908, Cụ bị thực dân Pháp bắt và đày đi Côn Đảo 13 năm. Ra tù, Cụ hoạt động nghị trường, làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ, chủ bút Báo Tiếng Dân. Sau Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chủ tịch mời và thuyết phục Cụ làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam và Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi Hồ Chủ tịch công cán dài ngày ở nước ngoài (từ tháng 5 đến tháng 9 năm 1946).
Cụ Huỳnh là tấm gương hiếu học, học giỏi và là tấm gương yêu nước như lời Hồ Chủ tịch: “Cả đời Cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời Cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.
Khoa thi Nho học đầu tiên ở nước ta tổ chức vào năm 1075 dưới triều vua Lý Nhân Tông. 15 năm sau khoa thi mà Cụ Huỳnh đỗ Tiến sĩ, ngày 15-9-1919, khoa thi Hội cuối cùng - khoa Kỷ Mùi, được tổ chức dưới triều vua Khải Định, kết thúc 845 năm khoa cử Nho giáo (theo bài viết “Chi tiết thú vị về khoa thi Nho học cuối cùng” đăng trên Báo điện tử Kiến Thức). Nền giáo dục Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới nhưng tinh thần khuyến học của “Vinh quy” vẫn được duy trì với các hình thức vinh danh mới cho người đỗ đạt cao để khích lệ người học.
Trần Đình Liễn - Phan Bá Hoành