Đình Phước Thuận, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, một thời nổi tiếng khắp vùng qua câu ca dân gian: “Đi vô xem đình La Qua, đi ra trông đình Phước Thuận”.
Mưa xuống, đình bị ướt do ngói xi-măng bị hỏng phải thay bằng tôn (ảnh trái) khiến các cụ lo các cấu kiện gỗ bên trong đình bị hư hại. Ảnh: V.T.L |
Một vị cao niên trong làng là cụ Trần Lực, 84 tuổi, dẫn lời ông nội mình kể lại, rằng ngày xa xưa tiền nhân của vùng đất phía tây núi Phước Tường này còn ở trên triền núi, dấu tích lưu lại là những khoảnh đất được ngăn lại bằng bờ đá trông như ruộng bậc thang, bề ngang mỗi bậc rộng khoảng 2 đến 2,5 mét, cao khoảng 1 mét. Người xưa trồng các loại khoai, sắn mà dấu vết còn lưu lại là giống khoai mài – một vị thuốc bổ tên là Hoài sơn có tác dụng mang lại lợi ích cho sức khỏe và là một trong những thảo dược quý chữa bệnh tiểu đường.
Về sau các cư dân từ trên núi tràn dần xuống đồng bằng, khai phá lau lách, san lấp sình lầy, lập làng mới là “Phước Sơn đại xã”, một xã lớn được gọi là đất “Ngũ Phước” bao gồm Phước Thuận, Phước Hậu, Phước Hưng, Phước Thái và Phước Hương (nay là thôn Hòa Khương). Khi dân cư đông đúc, phồn thịnh, các họ tộc bàn nhau lập đình để tưởng nhớ công đức của ba vị Tiền hiền làng là Mai Văn Trân, Phạm Văn Tín và Hồ Văn Ngạn đã có công khai phá vùng đất phía tây núi Phước Tường lập nên xã hiệu mới.
Đình Phước Sơn (tiền thân của đình Phước Thuận ngày nay) ban đầu được lập bằng tranh tre nứa lá ở Cồn Am, xứ Bàu Dài, nay là Xóm Trên thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn. Về sau, theo phỏng đoán của nhóm tác giả Hồ Tấn Tuấn (chủ biên) – Lê Xuân Thông – Đinh Thị Toan trong cuốn Đình làng Đà Nẵng (NXB Đà Nẵng, 2012) là khoảng cuối thế kỷ XVII, đình được dời về xứ Cây Trôi cho đến ngày nay. Đến đời Thái Đức (1778 – 1793, Nguyễn Văn Nhạc) thời Tây Sơn, đình làng được xây dựng khang trang bằng gỗ và vật liệu tại chỗ, còn lưu dấu tích ở ruộng Hồ Lư là nơi ngày xưa lấy đất sét sản xuất gạch ngói.
Đến năm Tự Đức thứ ba (Kỷ Dậu - 1849), toàn bộ sườn gỗ của đình được gia cố, đổi gỗ lim, gỗ muồng bằng gỗ mít và kiền kiền. Việc trùng tu đình lần này được nhiều vị cao niên làng Phước Thuận biết đến qua lời kể của thế hệ trước. Cụ Lực dẫn lời ông nội mình, rằng hồi sửa đình năm đó, gỗ kiền kiền có sẵn ở cấm Ông Dụng gần làng, chứ gỗ mít rừng thì làng phải cử người lên tận Bà Nà – Núi Chúa mua và kéo về.
Gỗ trên rừng to, dài và nặng; cắt tỉa gọn ghẽ xong rồi phải vòng dây bắt tréo lồng vào cây làm cái nài, chọn hai lực điền đi hai bên, chờ nước nước lụt dâng lên mới có thể kéo được về làng. Đình lúc đó có đến 32 cây cột lớn nhỏ, chưa kể mấy chục cột nữa ở các hiên, chái. 32 cột này chia làm 4 loại, mỗi loại 8 cây, có đường kính nhỏ dần. Cột chính loại 1 (gọi là cột cái) ban đầu ôm một vòng tay người lớn mới hết, sau mỗi lần trùng tu đình, cột lại nhỏ đi một ít do phải bào đi lớp gỗ nứt nẻ bên ngoài.
Cụ Trần Tích, 72 tuổi, tự hào về ngôi đình của làng mình, bởi khó tìm đâu ra một đình làng nào có cây đòn đông bằng gỗ mít dài một mạch đến 11 mét. Nếu tính thêm hai chái hai bên tả hữu, mỗi chái rộng 4 mét, thì đình Phước Thuận ngày trước có bề ngang trong lòng đến 19 mét. Vì thế, đình Phước Thuận nổi tiếng khắp vùng qua câu ca dân gian: “Đi vô xem đình La Qua, đi ra trông đình Phước Thuận”.
Sau Hiệp định Genève 1954, đình bị đổ do máy bay Pháp bắn phá, dấu đạn còn để lại trên cột cái. Làng tu sửa nhưng vẫn giữ nguyên sườn gỗ cũ. Sau trận lụt năm Thìn 1964, mái ngói âm dương bị hư hại nặng, phải lợp tôn mái trước và lợp tranh mái sau. Biết là rất khó coi, nhưng vì điều kiện kinh tế lúc bấy giờ quá eo hẹp nên dân làng đành “bấm bụng” mà lợp mái đình theo kiểu nửa Tây nửa ta như thế. Đến năm 1968, thay toàn bộ mái đình bằng ngói xi-măng.
Ngót nghét nửa thế kỷ đi qua, mái ngói xi-măng giờ hở trước hở sau, mưa xuống là ướt trong ướt ngoài. Ông Trần Phước Hoàng, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Đình làng Phước Thuận, rất lo lắng vì dễ giảm tuổi thọ các cấu kiện bằng gỗ trong đình, trong đó có bộ Lỗ – một nhóm đồ binh khí thời xưa cắm vào giá để trần thiết nơi cửa quan, hay ở các đền miếu, chùa đình, làm đồ nghi trượng, tăng vẻ uy nghiêm và long trọng. Bộ Lỗ này, theo lời cụ Trần Lực, là nguyên bản từ hồi lập đình đến giờ, các đình lớn ở Hòa Vang (như đình Túy Loan, Bồ Bản) ban đầu mỗi khi rước sắc phải đến xin “thỉnh” về để làm nghi trượng, về sau mới nhờ thợ mộc theo đó làm một phiên bản cho riêng đình mình.
Sáng 16-4 vừa qua, nhằm ngày 20-3 Đinh Dậu, bà con 38 chư phái tộc làng Phước Thuận tổ chức lễ Giỗ Tam vị Tiền hiền thường niên đồng thời khánh thành công trình xây dựng Tam quan và tường rào bao quanh khuôn viên đình. Cả hai công trình có kinh phí 500 triệu đồng, do con dân của làng và các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn thôn Phước Thuận đóng góp.
Trong khuôn khổ của lễ Giỗ Tiền hiền, chư phái tộc đã tổ chức lễ Rước sắc, lễ Cầu an tại đình làng, lễ cúng Âm linh tại nghĩa trủng. Đêm trước chính lễ là phần trình diễn của đội văn nghệ gồm các thành viên là con, dâu, rể làng Phước Thuận và nhóm bài Chòi Phước An của phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ.
Mọi người nghe nhắc lại câu ca xưa “Đi vô xem đình La Qua, đi ra trông đình Phước Thuận”, ai cũng tự hào về quê hương bản quán. Đình La Qua to lớn một thời (Chình ình như đình La Qua) giờ chỉ còn lưu dấu vết 16 viên đá dùng để kê cột gỗ trong sân của UBND xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đình Phước Thuận có số phận may mắn hơn, còn tồn tại với sườn gỗ gần 170 năm và đã được xếp di tích Lịch sử - Văn hóa cấp thành phố ngày 30-8-2006. Thế nhưng, nhìn mái đình lợp ngói xi-măng đã xuống cấp trầm trọng, ai cũng mong ước được ngành chức năng đầu tư, nâng cấp, để cái sự “trông đình” được mỹ quan hơn.
VĂN THÀNH LÊ