Ngày 3 tháng 10 năm 1888, Pháp đã ép vua Đồng Khánh ký một đạo dụ giao ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng cho Pháp làm nhượng địa. Đà Nẵng bị tách ra khỏi Quảng Nam và đổi tên thành Tourane. Trước trò “cướp đất” diễn ra ngay ở tỉnh nhà, tiến sĩ Trần Quý Cáp không sao ngăn được nỗi niềm đau xót, phẫn nộ nên đã sáng tác bài thơ “Đà Nẵng hoài cảm” để bày tỏ nỗi lòng của mình.
Quai Courbet (nay là đường Bạch Đằng) dưới thời Đà Nẵng là nhượng địa của Pháp với tên gọi Tourane. (Nguồn: Ảnh tư liệu) |
Đà Nẵng hoài cảm
Thử địa do hà động chiến phong,
Chỉ kim đáo xứ hủy xà tung.
Thuyền lâm nội phụ tam tài sắc,
Xa tẩu trùng quan nhứt lộ thông.
Cố quốc sơn hà lân địch lý,
Thùy gia lầu các tịch dương trung.
An năng tái khởi Trần Hưng Đạo,
Cọng vãn Đằng giang vĩ đại công.
Tác giả Nguyễn Thiếu Dũng dịch thơ như sau:
Đất ấy vì đâu nổi chiến tranh?
Giờ đây heo rắn dẫm tan tành.
Tàu vào bến cảng cờ ba sắc,
Xe vượt đèo cao một lộ nhanh.
Nước cũ non sông sầu nhượng địa,
Nhà ai lầu gác bóng chiều hanh.
Làm sao sống lại Trần Hưng Đạo,
Cùng diễn Đằng Giang trận
đại thành.
Bài thơ mở đầu bằng một câu hỏi khẩn thiết gây xốn xang lòng người: Thử địa do hà động chiến phong?
Trần Quý Cáp hỏi nhưng không phải để tìm câu trả lời mà chính là để oán hận, tố cáo tội ác của kẻ thù. Bởi vì, là người Việt Nam ai mà không biết thực dân Pháp đem quân đánh vào Đà Nẵng, chiếm nước ta để khai thác tài nguyên, làm giàu cho nước họ khiến cho cuộc sống bình yên của người dân từ bao đời nay trong phút chốc đã tan thành tro bụi.
“Đất ấy vì đâu nổi chiến tranh?”
So với các nước Tây phương khác như Bồ Đào Nha, Anh, Hà Lan, thì tuy Pháp đến Đàng Trong chậm hơn nhưng lại chú ý đến Đà Nẵng hơn ai hết.
Đà Nẵng là một hải cảng rộng và đẹp của Việt Nam, với ưu thế giao thông hàng hải và vị trí chiến lược quan trọng, Đà Nẵng có sông Hàn là sông lớn nên việc vận chuyển bằng đường thủy tiện lợi. Đà Nẵng là yết hầu của hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Nam, có quốc lộ 14 là con đường xuyên sơn thông lên vùng cao nguyên. Lấy được Đà Nẵng làm nhượng địa, Pháp đã nắm trọn ưu thế về miền núi lẫn miền biển để khai thác kinh tế và khống chế về quân sự. Như vậy chiếm Đà Nẵng là một mục tiêu nằm trong kế hoạch lâu dài của chính quyền thực dân Pháp.
“Thử địa do hà động chiến phong?”
Trần Quý Cáp hỏi cũng chính là trả lời rồi!
Trước cảnh quê hương đã thay chủ đổi ngôi, Trần Quý Cáp không khỏi đau lòng khi nhìn thấy kẻ thù nghênh ngang ra vào thành phố, tàu thuyền của chúng giương cờ tam tài tự do cập bến, đường sắt thông thương xuyên Hải Vân: “Thuyền lâm nội phụ tam tài sắc/ Xa tẩu trùng quan nhứt lộ thông”.
Hai câu thơ chỉ thuần tả cảnh, tuy tác giả không trực tiếp nói ra nỗi căm giận của mình đối với quân thù
như Nguyễn Đình Chiểu trong Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc “Bữa thấy bòng bong che trắng lốp: muốn tới ăn gan / Ngày xem ống khói chạy đen sì: muốn ra cắn cổ” nhưng thông qua những hình ảnh ngang tàng của chúng trên quê hương đã ngầm nói lên sự phẫn nộ của Trần Quý Cáp cũng mãnh liệt chẳng khác nào cụ Đồ Chiểu.
Hai câu luận bộc lộ tình cảm đau buồn của Trần Quý Cáp một cách kín đáo mà sâu sắc: “Cố quốc sơn hà lân địch lý / Thùy gia lầu các tịch dương trung”.
Trung Kỳ là xứ bảo hộ nhưng dẫu sao trên danh nghĩa vẫn của triều đình Huế còn Đà Nẵng là nhượng địa thì chính thức là của Pháp rồi. Non sông nước cũ của ta đã ở trong lòng địch (địch lý). Thử hỏi ai mà chẳng đau, chẳng tiếc chứ có riêng gì Trần Quý Cáp.
Trong lịch sử nước ta, trận Bạch Đằng dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo năm 1288 là một chiến công hiển hách. Chiến thắng Bạch Đằng tiêu biểu cho tinh thần chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc, là niềm tự hào vô biên của dân tộc Việt Nam. Nhưng tinh thần bảo toàn lãnh thổ đó đến đầu thế kỷ XX đã bị tiêu trầm, “Sĩ khí rụt rè gà phải cáo” (Trần Tế Xương). Làm sao vực dậy “tinh thần Bạch Đằng” để dân trí bớt mê muội, đó chính là mối quan tâm đặc biệt của các chí sĩ cách mạng thời bấy giờ. Trần Quý Cáp viết “An năng tái khởi Trần Hưng Đạo / Cọng vãn Đằng Giang vĩ đại công” tức là muốn làm sống lại trang sử oai hùng của dân tộc để thức tỉnh lòng dân trước vận mệnh của đất nước.
Nỗi lo lắng của Trần Quý Cáp cũng là tâm sự của vua Thành Thái: Cầm Hồ, đoạt sáo nhân an tại / Thùy vị giang sơn tẩy bất bình? (Bắt thù, đuổi giặc người đâu tá / Non nước nào ai rửa hận sầu?).
Làm sao cho nước nhà sạch bóng quân thù?
Trần Quý Cáp đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh” để cứu nước. Tiếc thay phong trào Duy Tân sớm bị dập tắt, chí sĩ Trần Quý Cáp đã hy sinh anh dũng khi ước vọng chưa thành.
CHÂU YẾN LOAN