LTS: Giai thoại dưới đây không mới, nhưng tác giả đã dí dỏm kể lại câu chuyện với lời bình hóm hỉnh đầy “chất Quảng” khiến ta có cảm giác như được đọc một câu chuyện hoàn toàn mới.
Lăng mộ Ông Ích Khiêm đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Ảnh: T.M |
Ông Ích Khiêm người làng Phong Lệ, tổng Thanh Quýt, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; nay thuộc phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Ông đỗ cử nhân năm Thiệu Trị thứ bảy (1847) và làm quan ở nhiều địa phương trong nước dưới triều vua Tự Đức. Ông nổi tiếng là người thông minh, chính trực, một vị tướng khảng khái, đầy mưu lược, có công lớn trong việc cầm quân chiến đấu để bảo vệ Đà Nẵng khi thực dân Pháp nổ súng tấn công.
Bấy giờ, Ông Ích Khiêm dưới quyền chỉ huy của tướng Nguyễn Tri Phương, nổi tiếng trong đánh đông, dẹp bắc. Để chống ngoại xâm lâu dài, ông đã cho xây dựng, củng cố các đồn, trại lính như đồn Nhất ở đèo Hải Vân, đồn Liên Trì, đồn Phong Lệ và đắp lũy từ Hải Châu đến Phước Ninh…
Ông Ích Khiêm mất ngày 19-7-1884 tại tỉnh Bình Thuận. Con ông là Ông Ích Thiện đã đưa thi hài cha về quê hương mai táng tại thôn Phong Lệ, xã Hòa Thọ; đến năm Bảo Đại thứ mười ba (1938), cải táng tại Gò Mô, nay thuộc phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ. Ngày 12-7-2001, Lăng mộ Ông Ích Khiêm được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Có một số chuyện vô cùng lý thú về vị tướng tài ba xứ Quảng này, song có lẽ mẩu chuyện được kể sau đây rất thấm thía đạo làm người, nhất là đối với những ai được dân nuôi mà không làm hết trọng trách…
Là một tướng quân vốn không ưa nịnh nọt, luồn cúi, ngược lại nếu có cơ hội thuận lợi thì Ông Ích Khiêm chơi khăm “những kẻ không ưa” đó ngay trước mặt các quan triều đình. Để mắng chửi những vị quan vô tích sự một cách hợp lý, một hôm ông bảo người nhà giết thịt mấy con chó chế biến các món ăn cho thật ngon và làm sao đó để người ăn khó có thể phát hiện ra thịt gì.
Khách được mời dự bữa tiệc hôm ấy rất đông, đều là các quan lại đồng triều. Các quan thưởng thức món thịt quá ngon mà không ai biết Ông Ích Khiêm thết đãi thịt con gì. Một vị quan cất tiếng: “Xin hỏi, hôm nay quan anh đãi món thịt chi mà ngon quá?”.
“Các quan không biết thiệt hả? Đó là thịt trung ngu chớ thịt chi”, Ông Ích Khiêm thong thả trả lời. Thấy các quan ngơ ngác không hiểu trung ngu là món gì, ông chen vào đứng giữa các dãy bàn vừa nói, vừa chỉ để cho tất cả mọi người dự tiệc đều nghe rõ: “Thưa các quan! Các bàn từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới đều là chó hết”.
Đến lúc đó, các vị quan mới sực tỉnh, nhận ra Ông Ích Khiêm mượn tiệc để chửi mình. Mặc dù rất bực tức cách chơi xỏ của ông nhưng các quan lại đều phải câm như hến. Thấy một số vị quan như biện lý, chủ sự, tham biện… chưa có mặt tại bữa tiệc, đoán chắc đến trễ, ông dặn người nhà để dành một mâm chờ khách. Đúng như nhận định, lát sau các quan lục tục kéo tới, ông cho người nhà bưng mâm lên đặt ở vị trí cao nhất.
Một vị quan đến trễ thấy ai cũng ngồi ở bàn thấp đâm ngại nên tới bên Ông Ích Khiêm giãi bày: “Xin lỗi gia chủ, chúng tôi thất lễ vì đã đi trễ nên không dám ngồi ở cái bàn trên cao đó. Cho anh em chúng tôi ngồi ở dưới thấp thôi”. Ngay lúc đó, Ông Ích Khiêm liền cất to giọng cố để cho ai nấy đều nghe rõ: “Các quan đừng có ngại! Tất cả đều là chó cả. Ngồi bàn thượng cũng chó, ngồi bàn hạ cũng chó chứ có chi khác đâu mà ngại”.
Dứt lời, ông kêu người nhà tới căn dặn đừng mang nước uống lên sớm, đợi khi nào ông gọi hãy mang lên. Biết ông mạt sát mình, các quan tức anh ách nhưng cũng cố ngồi thưởng thức bởi không thể cưỡng lại nổi mùi thơm đầy quyến rũ của món ngon. Đến khi các quan rời bàn ăn đứng dậy kéo nhau ra về, Ông Ích Khiêm liền dang tay cản lại:
“Xin các quan ngồi uống nước cái đã”. Rồi ông quay xuống phía nhà dưới gọi lớn: “Chớ nước uống đâu tụi bay? Thật là bọn vô tích sự. Ăn rồi chỉ lo mỗi việc nước cũng không xong. Chỉ biết cắm đầu ăn với chơi chứ không chịu lo nước non chi hết”.
Có lẽ nhiều người thắc mắc tại sao Ông Ích Khiêm lại đặt tên món thịt chó đãi các quan hôm ấy là món “trung ngu”? Ai cũng biết, bản năng của con chó là chỉ biết trung thành với chủ nuôi nó mà thôi và con chó không thể biết chủ của nó tốt hay xấu, hiền hay dữ, giàu có hay nghèo hèn.
Món ăn mà ông đặt tên ẩn khuất sự thâm thúy và rồi ông mượn cái tên của món ăn ấy để giãi bày nỗi niềm của mình và lấy cớ chửi mắng thậm tệ các quan triều vô dụng với dân, với nước. Làm quan của triều đình mà được trung thành với ông vua có tri thức, có đạo đức, luôn hướng về phía nhân dân thì đó là niềm vinh hạnh của các quan.
Kẻ sĩ phải luôn biết “dĩ dân vi bản”, phải tâm niệm chữ “trung” một cách sáng suốt, phải biết chọn vua để mà phục vụ chứ hà cớ gì phải tận trung với một ông vua nhu nhược, từng bước phải nhượng bộ, cắt các phần đất của nước nhà giao dần cho thực dân Pháp xâm lược. Chỉ mượn cớ mời uống nước sau bữa tiệc mà Ông Ích Khiêm gần như đã điểm mặt, chỉ tên những vị quan dơ dáy, xôi thịt, trung thành mù quáng, chỉ biết tham ăn, không chịu gánh vác trọng trách khi đất nước bị lâm nguy.
Hơn ai hết, Ông Ích Khiêm là vị tướng của triều đình nhà Nguyễn đã thấu hiểu sâu sắc hai chữ “trung thành” một cách có chọn lọc và hệ lụy cuối cùng đã ập đến là ông bị cách chức và đày đi nhà lao ở Bình Thuận và kết thúc cuộc đời mình tại đây.
THÁI MỸ