Ba năm sau khi Pháp lập Đồng Khánh lên ngôi, ngày 19-7-1888, tại Paris, Tổng thống Pháp đã ký một sắc lệnh thiết lập ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng. Dưới sức ép của Pháp, ngày 27 tháng 8 năm Mậu Tý (3-10-1888) vua Đồng Khánh buộc phải ký một đạo dụ gồm 3 khoản, nhượng chủ quyền ba thành phố ấy cho Pháp. Thành phố Đà Nẵng được ra đời, mang tên chính thức là Tourane suốt 62 năm Pháp thuộc, từ năm 1888 đến năm 1950 là năm Pháp trao trả Đà Nẵng cho chính quyền Bảo Đại.
Sách Đại Nam thực lục (Tập 9, tr. 429) ghi: “Mậu Tý, Đồng Khánh năm thứ 3 (1888), mùa thu tháng 8. Lấy đất thuộc Đà Nẵng (bờ biển ở Quảng Nam) làm nhượng địa của người Pháp”. Người đại diện Nam triều ký vào bản đồ vẽ phần đất của Đà Nẵng được cắt ra làm nhượng địa của Pháp là Chánh sứ Nha Hải phòng Quảng Nam Thái Văn Trung.
Bản đồ Đà Nẵng thời Pháp thuộc. Nguồn: Internet |
Thái Văn Trung người xã Long Ốc, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay là xã Sơn Long, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Tổ tiên của ông vốn họ Mạc ở Hải Dương. Ông sinh năm Canh Tuất (1850), tên là Bá Viên, hiệu là Tiến Tự, lại có hiệu Long Xuyên. Năm 26 tuổi, ông thi Hương khoa Bính Tý, Tự Đức thứ 29 (1876) tại trường Nghệ An, đậu Cử nhân. Ông được bổ làm Tri huyện Bình Sơn, Tri huyện Mộ Đức tại Quảng Ngãi, rồi thăng Chánh sứ Nha Hải phòng Quảng Nam. Hải phòng sứ là chức quan đứng đầu Nha Hải phòng. Đó là một cơ quan đặt tại các tỉnh có cửa biển quan trọng để lo việc phòng thủ mặt biển. Cơ quan này mới ra đời từ thời Tự Đức sau khi Pháp tấn công Đà Nẵng năm 1858.
Nha Hải phòng Quảng Nam đóng tại xã Nam Dương, huyện Hòa Vang, được đặt ra từ năm Tự Đức thứ 27 (1874), sau bãi bỏ. Đến năm Ất Dậu (1885) niên hiệu Đồng Khánh, thiết lập lại. Năm Thành Thái thứ 4 (1892) dời qua thôn Bình Thuận, năm thứ 10 giảm bỏ. Năm 1888, Thái Văn Trung đã ký bản đồ cắt 5 xã của huyện Hòa Vang nhượng cho Pháp để lập thành phố Đà Nẵng.
Về sự kiện này, sách Đại Nam thực lục (Tập 9, tr. 429) ghi: “Khi trước, viên Khâm sứ Hách-tô tới sơn phòng ấy, lấy các xứ thuộc địa phận Đà Nẵng (từ cầu Thương chính đến trụ sở viên Châu sứ (địa phận thôn Thạch Thang), lại định đặt sở Dây thép ở xã Hải Châu chính); trích ra làm đất nhượng địa, vẽ thành đồ bản, yêu cầu Phòng sứ là Thái Văn Trung đóng dấu và ký để làm bằng; viên Phòng sứ ấy tạm ký xong, rồi đem việc tư đi để xét”. Theo phụ đính của đạo dụ năm Mậu Tý (3-10-1888), năm xã của huyện Hòa Vang gồm Hải Châu, Phước Ninh, Thạch Thang, Nam Dương và Nại Hiên Tây nằm bên tả ngạn sông Hàn được cắt giao cho Pháp để lập “nhượng địa” Tourane với diện tích 10.000ha.
Ngày 24-5-1889, Toàn quyền Đông Dương Étienne Richaud ra nghị định thành lập thành phố Tourane (Đà Nẵng) thuộc tỉnh Quảng Nam. Đơn vị hành chính này chịu sự cai quản trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương, đứng đầu thành phố là một viên Đốc lý do Khâm sứ đề nghị và Toàn quyền bổ nhiệm.
Sau khi Đà Nẵng thành nhượng địa của Pháp, Thái Văn Trung được chuyển về làm Thương Tá Tỉnh vụ Hà Tĩnh, được cử làm Tán Tương quân vụ, rồi thăng Bố chánh Quảng Bình. Khi làm quan tại Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, có lần ông đã chống lại viên Công sứ Pháp tên là Xét-chê. Sau sự việc này, ông xin chuyển về làm Đốc học Nghệ An để được gần gũi phụng dưỡng mẹ già.
Khoa thi năm Quý Mão, Thành Thái thứ 15 (1903), ông được cử làm Giám khảo, sung chức Khâm sai trường thi Hương Thừa Thiên, Phó chủ khảo. Khoa Kỷ Dậu, Duy Tân thứ 3 (1909), ông được cử làm Khâm sai trường thi Thừa Thiên, Chánh chủ khảo. Ông nổi tiếng là công bình. Ông được thăng hàm “Thái Thường Tự khanh” (Chánh tam phẩm) và về hưu trí sau 18 năm làm quan. Ông không được lãnh lương hưu vì còn thiếu 2 năm công vụ. Khi làm quan, ông Thái Văn Trung rất thanh liêm nên đến tuổi già đời sống có phần khó khăn, chật vật.
Ông mất ngày 1 tháng 10 năm Nhâm Tuất (1922), thọ 73 tuổi. An táng tại nghĩa trang Khe Mây, núi Mồng Gà, xã Sơn Long, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Đời Thành Thái, ngày 25 tháng 2 năm Canh Tý (15-1-1901), vua bị ép ký một đạo dụ nữa, nới rộng nhượng địa Đà Nẵng thêm 14 xã. Theo đạo dụ này, 8 xã thuộc huyện Hòa Vang nằm bên tả ngạn sông Hàn là Xuân Đán, Thạc Gián, Liên Trì, Bình Thuận, Xuân Hòa, Thanh Khê Đông, Hà Khê, Yên Khê và và 6 xã thuộc huyện Diên Phước bên hữu ngạn sông Hàn là Mỹ Khê, An Hải, Tân Thái, Nại Hiên Đông, Mân Quan, Vĩnh Yên đều sáp nhập vào nhượng địa.
Ngày 19-9-1905, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định tách Đà Nẵng khỏi tỉnh Quảng Nam để trở thành một đơn vị hành chính độc lập gồm 19 xã. Thành phố được nới rộng về phía tây và tây bắc, còn phía Đông thì đã vượt sang hữu ngạn sông Hàn chiếm trọn bán đảo Sơn Trà và dải đất nối bán đảo này với đất liền.
Hình thành từ năm 1888 đến nay, trải qua gần 130 năm, thành phố Đà Nẵng không ngừng phát triển đi lên về mọi mặt. Ngày nay Đà Nẵng trở thành đô thị loại một đứng thứ 3 sau Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
CHÂU YẾN LOAN