.

Bảo vật làng Hương Quế

.

Hương Quế tự hào không chỉ là làng tổ của “cãi” Quảng Nam mà còn là ngôi làng sở hữu một trong 30 “bảo vật quốc gia” đầu tiên của nước ta.

Tượng Nữ thần Devi ở Hương Quế.
Tượng Nữ thần Devi ở Hương Quế.

Làng Hương Quế

Làng Hương Quế (香桂 = mùi thơm của cây quế) nay là các thôn Hương Quế Đông, Hương Quế Trung và Hương Quế Tây thuộc xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Đây là xã trù phú thuộc loại hàng đầu của huyện Quế Sơn, nằm trải ra 2 bên quốc lộ 1A dưới chân ngọn núi Quế, một phần của hệ thống Tào Sơn, từng một thời là ngọn chủ sơn của Quảng Nam.

Dựa vào gia phả của tộc Nguyễn và tộc Phạm, tác phẩm Một tài liệu về cuộc di dân Nam tiến của dân tộc Việt Nam cho biết, làng được thành lập vào khoảng giữa thế kỷ XV bởi người cháu 5 đời của Phạm Ngũ Lão là Phạm Nhữ Tăng (1421-1478).

Theo đó, Phạm Nhữ Dực, con trai thứ 5 của Phạm Ngũ Lão vốn có quê gốc ở làng Phù Ủng, huyện Mỹ Hào, thừa tuyên Hải Dương (nay là huyện Ân Thi, tỉnh Hải Dương) đã di cư vào sinh sống ở xã Lỗ Huyền, huyện Lôi Dương, phủ Thiệu Thiên, thừa tuyên Thanh Hoa (nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).

Năm 1402, Phạm Nhữ Dực được Hồ Quý Ly cử vào Nam làm Chánh đô án phủ sứ phủ Thăng Hoa (là vùng đất từ bờ Nam sông Thu Bồn đến bờ bắc sông Bến Ván), lo việc di dân người Việt, vỗ an người Chiêm, khai khẩn vùng đất mà họ Hồ vừa chiếm của người Chiêm. Phạm Nhữ Dực đã đến định cư tại làng Đồng Tràm, phủ Thăng Hoa (nay là xã Hương An, huyện Quế Sơn).

Ông chết năm 1407, mộ ông hiện chôn tại đây. Phạm Nhữ Dực sau này được dân làng Đồng Tràm tôn làm Tiền hiền của làng và Đồng Tràm cũng được xem là ngôi làng tiền hiền của xứ Quảng. Các con (Phạm Đức Đề) và cháu (Phạm Nhữ Dự, Phạm Đức Đối) của Phạm Nhữ Dực vẫn tiếp tục sống ở Đồng Tràm. Đến đời chắt của

Phạm Nhữ Dực (con trai của Phạm Nhữ Dự) là Phạm Nhữ Tăng đã để chú mình là Phạm Đức Đối ở lại Đồng Tràm và di cư đến khai khẩn vùng đất mới ở phía tây của làng, lập nên làng mới có tên là Hương Quế, vì ở đây điều kiện sống tốt đẹp hơn nhiều với đất gò đồi rộng rãi, đồng bằng phù sa màu mỡ, dòng sông Ly Ly và Bàu Sanh nước dồi dào trong xanh suốt 4 mùa. Sau này Phạm Nhữ Tăng được dân làng Hương Quế tôn làm 1 trong 3 vị tiền hiền của làng.

Hương Quế cũng được xem là làng tổ của “cãi” Quảng Nam.

Năm 1908, một người cháu của tộc Nguyễn làng Hương Quế tên Nguyễn Duân đã có trận cãi tay đôi với Tổng đốc Quảng Nam Hồ Đắc Trung, làm cho viên “chi dân phụ mẫu” này phải một phen bẽ mặt.
Bảo vật quốc gia Hương Quế là ngôi làng mang dấu ấn cộng cư Chăm - Việt một cách rõ nét.

Làng còn nhiều di tích Chăm. Trên cánh đồng giữa làng, trong khuôn viên nhà thờ tộc Phạm hiện nay vẫn còn 3 di tích Chăm, đó là ba ngôi miếu cổ thờ thần Thiên Y A Na, Bò thần Nandin, một tấm bi ký viết chữ Chăm có kích thước khá lớn 1,6 x 1,8m. Bác sĩ Albert Sallet trong B.A.V.H (Bulletin des Amis du Vieux Hué, Tập san của những người bạn Cố đô Huế - ĐNCT) còn cho biết bên cạnh tấm bia có một giếng Chăm rất thiêng:

“Giếng nước của Hương Quế sát tấm bia, ngoài các đồ vật khác còn có con gà trống chín cựa nhọn thì thật là một cái gì đáng sợ. Dường như giếng có ma Hời chuyên gây điều dữ”. (NXB Thuận Hóa, 2002, trang 211).

Đặc biệt nhất ở Hương Quế vào năm 1901, Louis Finot đã phát hiện một pho tượng quý, đó là tượng Nữ thần Devi. Tượng được chế tác bằng sa thạch, cao 38,5cm, rộng 21,6cm, dày 11,8cm và nặng 20kg có niên đại khoảng thế kỷ IX, X.

Đây là tượng bán thân với lông mày dài và cong nối liền từ mắt phải qua mắt trái chứ không bị ngắt đoạn ở khoảng giữa, làm cho vầng trán của nữ thần trở nên sinh động. Mi mắt nữ thần khá dài, sống mũi thẳng, miệng đang cười, tai đeo trang sức.

Theo tài liệu của các nhà nghiên cứu thì đây là chân dung hiếm thấy của một nữ thần Ấn Độ được “Champa hóa” với “mái tóc vén lên thành nếp gấp lớn cuộn bồng viền theo trán, phần đỉnh đầu với các lọn tóc thắt bím được bới cao và kết dính bằng các bím tóc đặt theo chiều ngang và chia đôi cân đối. Phía trước có đính một vầng trăng lưỡi liềm và hai bên tết tóc như hình bậc thang, phía sau tóc bím từng dãy dài ôm vào gáy. Cổ thon cao, ngực để trần căng sức sống nhưng vẫn giữ được vẻ thánh thiện” (Hồ sơ Di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa).

Nữ thần Devi có tên là Haradevi, là vợ của vua Indravarman II. Do bà có nhiều công đức, nên khi qua đời bà được vua JayaSinhavarman (893 - 904) cho tạc tượng để thờ cúng như các vị thần khác. Điều này được ghi lại trong văn bia thứ 2 ở Đồng Dương mà Louis Finot đã tìm thấy. Tượng Nữ thần Devi ở Hương Quế được các nhà nghiên cứu đánh giá là tác phẩm điêu khắc đẹp nhất trong nghệ thuật tạc tượng các nữ thần của nghệ sĩ tạo hình Champa thế kỷ thứ X.

Sau khi được phát hiện, pho tượng đã gây sự chú ý đặc biệt cho giới nghiên cứu người Pháp nên sau đó, Parmentier đã đưa về lưu trong kho của Viện Viễn Đông bác cổ ở Hà Nội, đến năm 1932 được trưng bày ở bảo tàng Louis Finot ở Hà Nội (Tiền thân của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam). Năm 1954, người Pháp đã cho chuyển vào Bảo tàng Blanchard de la Brosse ở Sài Gòn (tiền thân của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1) và trưng bày từ đó đến nay.

Năm 2012, tượng Nữ thần Devi của Hương Quế đã được công nhận là Bảo vật quốc gia, một trong 30 bảo vật quốc gia đầu tiên được công nhận của nước ta.

Với những giá trị tuyệt vời về nghệ thuật và lịch sử, tượng Nữ thần Devi Hương Quế đã được đưa từ Việt Nam sang trưng bày ở nhiều nước trên thế giới (Hoa Kỳ, Pháp, Bỉ, Áo, Hàn Quốc…) để giao lưu văn hóa và được bảo hiểm với giá “khủng”, 2 triệu USD.

LÊ THÍ

;
.
.
.
.
.