Trong lịch sử, quần thể di tích Ngũ Hành Sơn thường được các vua chúa đến thăm, riêng vua Minh Mạng không dưới 3 lần đến nơi đây và có nhiều đóng góp xây dựng Ngũ Hành Sơn. Tương truyền, có một người em gái vua Minh Mạng đã rời chốn hoàng cung đến ẩn tu tại một ngôi chùa ở Ngũ Hành Sơn. Vậy, nàng là ai và vì sao nàng đến nơi này để tu cũng là một câu chuyện đáng để quan tâm.
Tương truyền, chùa Tam Thai trên ngọn Thủy Sơn (ảnh trái) là nơi em gái vua Minh Mạng lần đầu tiên đến ẩn tu, sau đó chuyển đến một hang động ở dưới chân núi Dương Hỏa Sơn (ngọn núi ở giữa trong ảnh phải). Ảnh: V.T.L |
Từ những ghi chép về nàng công chúa…
Thắng cảnh Ngũ Hành Sơn được nhiều tác giả nước ngoài đề cập, trong đó nổi bật là Thiền sư Thích Đại Sán và Albert Sallet. Riêng trong thiên ký sự đã được Albert Sallet dẫn lại trong Les Montagnes de Marbre cho biết: “Bougainville (người được vua Pháp gửi đến Việt Nam năm 1824 với sứ mệnh “bình an và bảo vệ thương mại”, năm sau thì đến Đà Nẵng - ĐNCT) trong khi mô tả vùng ven của các hòn núi cho biết là gần các ngôi làng có một ngôi nhà nhỏ được trang hoàng xinh xắn. Đây là nơi ẩn cư trong thời gian dài của một người em nhà vua; bà này đã sống tại đây, xa lánh mọi người trong sự tịnh tâm. Hẳn là Laplace (một thuyền trưởng được vua Pháp cử tới Đà Nẵng năm 1831 với sứ mệnh thiết lập bang giao với triều đình Huế - ĐNCT) cũng đã trông thấy ngôi ẩn am này, ở cạnh nhiều ngôi nhà xinh xắn khác, được giữ gìn khang trang, trên bờ một con suối chảy ngang qua; và tại đây một bà công chúa già đã trải qua phần lớn cuộc đời của bà để đọc kinh hành đạo”.
Một đoạn viết nói về vấn đề này cũng được tìm thấy trong chuyện kể của Itier trong bản dịch “Núi đá hoa cương” của Phan Xưng trong Những người bạn cố đô Huế, tập 11, 1924, như sau:
“Đây là một thạch thất, là nơi mà một nữ trinh nguyên luống tuổi, con vua Gia Long, em vua Minh Mạng đang làm vua tại Nam Kỳ, đã muốn đổi những tiếng ồn vô ích tại triều đình, để lấy về những âm thanh u huyền của gió mùa đông bắc rì rầm xuyên qua các hòn núi đá; đổi sự nhộn nhịp của những gì cao sang vua chúa để lấy về sự tịch mịch lắng trầm; đổi sự sang trọng xa hoa của ngôi cao công chúa để lấy về một vẻ đẹp đơn thường và nghiêm khắc của một chiếc áo mộc mạc mà thiên nhiên đã ôm ấp, với một tấm vải liệm màu trắng và đặt cho nằm yên giữa cảnh trời và nước, như muốn chỉ rõ cho nhữg người dân xung quanh biết rằng nếu đang ở đây thì cũng đã là thoát khỏi mặt đất trần tục đó rồi”.
Sau này, các nhà biên khảo về sự kiện này đều cho rằng, vua Minh Mạng đã nhiều lần cho quan đại thần đến Ngũ Hành Sơn triệu công chúa về để kén phò mã, nhưng công chúa đã từ chối và gởi về cho nhà vua bài thơ bày tỏ ý nguyện theo đường tu hành nên vua không ép bà nữa. Tương truyền, công chúa ra điều kiện nếu ai họa được bài thơ thì nàng sẽ kết hôn, nhưng không ai họa nổi: Thế sự nhìn xem rối cuộc cờ! Càng nhìn càng ngẫm lại càng nhơ! Đánh tan tục niệm hồi chuông sớm/ Gõ vỡ trần tâm tiếng mõ trưa/ Chu tử ngán mùi nên vải ấm/ Đỉnh chung lợm giọng hóa chay ưa/ Lên đài cứu khổ toan quay lại/ Bể ái trông ra nước đục lờ.
Nàng công chúa ấy là ai?
Những tư liệu trên cho thấy đích thật đã có một nàng công chúa em vua Minh Mạng đến tu tại Ngũ Hành Sơn, nhưng không rõ nàng công chúa ấy tên gì và do cơ duyên nào mà đã rời bỏ cung vàng điện ngọc đến chốn cửa Thiền khoác áo nâu sồng. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Công Thuần, vua Gia Long có tất cả 18 nàng công chúa: 4 người là chị và 14 người là em vua Minh Mạng. Trong số 14 người đó có nàng công chúa thứ mười cuộc đời gặp phải cảnh ngộ rất éo le bi đát. Đó là An Nghĩa Công chúa tên là Nguyễn Phúc Ngọc Ngôn sinh năm 1804. Bà là con gái thứ mười của vua Gia Long, mẹ là Đức phi Lê Thị Bình (em của Công chúa Ngọc Hân, vợ vua Quang Trung). Năm Quý Mùi (1823), vua Minh Mệnh đã gả bà cho ông Lê Văn Yến là con trưởng của ông Lê Văn Phong và là con thừa tự của Tả quân Lê Văn Duyệt (anh Lê Văn Phong). Năm Ất Mùi (1835), xử vụ án Lê Văn Duyệt, Lê Văn Yến bị tội phải chết.
Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Công Thuần, trong Gia phả họ tộc Lê Văn còn ghi rõ thêm một số sự kiện: Năm 1836, triều đình xét xử vụ nổi loạn chiếm thành Phiên An của Lê Văn Khôi (con nuôi của Tả quân Lê Văn Duyệt – ĐNCT), các quan triều đình đã dâng sớ lên vua Minh Mạng buộc Lê Văn Duyệt 7 tội phải chết. Vua Minh Mạng nghị triều phán xét Lê Văn Duyệt dù đã chết, tội vẫn phải truy; lẽ ra đào mộ phanh thây, nhưng nghĩ công lao của Lê Văn Duyệt với tiên đế, nên ra chỉ dụ san bằng mồ mả Lê Văn Duyệt ở xã Bình Hòa (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh) và cắm bia khắc chữ “Quyền yểm Lê Văn Duyệt phục pháp xử” (nơi hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu tội - ĐNCT).
Năm 1838, kinh thành Huế chứng kiến cảnh đầu rơi, máu đổ của dòng họ Lê Văn. Phò mã Đô úy Lê Văn Yến được vua Minh Mạng ban ân cho tự chết, còn 7 người em kế bị buộc tội làm phản nên giam giữ đến ngày 23 tháng 3 năm Mậu Tuất (1838) thì đưa ra hành quyết. Con cháu họ tộc Lê Văn từ 15 tuổi trở lên đều quy tội chết, dưới 15 tuổi trảm giam hậu. Con của Lê Văn Yến do còn nhỏ nên khỏi tội chết, đưa đi an trí ở Cao Bằng.
Tuy Nguyễn Phúc tộc thế phả và Gia phả họ tộc Lê Văn không nói gì đến việc công chúa Ngọc Ngôn đi tu, nhưng nguyên nhân chủ yếu khiến công chúa xuất gia đã được thể hiện qua bài thơ là “chu tử ngán mùi, đỉnh chung lợm giọng” thì rất phù hợp với hoàn cảnh và tâm trạng của nàng công chúa ấy. Vì thế lúc bấy giờ, nàng chỉ biết tìm sự giải thoát qua câu kinh tiếng kệ ở chốn thiền môn: Đánh tan tục niệm hồi chuông sớm/ Gõ vỡ trần tâm tiếng mõ trưa.
Khi các con của mình bị đày ra Cao Bằng được tha về (1847) thì công chúa cũng rời Ngũ Hành Sơn trở về sống với các con tại phủ thờ Tả quân Lê Văn Duyệt ở thôn Phú Mộng (nay là số 20 đường Phú Mộng, phường Kim Long, thành phố Huế), đến năm 1854 bà đã được vua Tự Đức phong An Nghĩa Thái trưởng công chúa. Bà qua đời năm 1856, thọ 53 tuổi, mộ đặt gần mộ ông Lê Văn Yến ở làng Nguyệt Biều, tổng Cư Chánh, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên.
VÕ HÀ