Chuyện xưa xứ Quảng

Ngôi nhà tốn gần 3.000 công thợ Kim Bồng

15:07, 10/06/2018 (GMT+7)

Ở Quảng Nam có hàng trăm ngôi nhà cổ nhưng chỉ có 4 ngôi nhà được xếp hạng di tích văn hóa cấp tỉnh, đó là nhà của các ông, bà: Nguyễn Quỳnh Anh, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước; Nguyễn Xuân An, xã Tam Nghĩa; Huỳnh Thị Thống, xã Tam Xuân, huyện Núi Thành và Nguyễn Nho Phán, xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn. Trong 4 nhà cổ này, nhà của ông Nguyễn Nho Phán không chỉ có tuổi đời lâu nhất mà còn tiêu tốn gần 3.000 công thợ mộc Kim Bồng lành nghề trong suốt 3 năm mới hình thành nên.

Toàn cảnh nhà cổ của ông Nguyễn Nho Phán (ảnh trái) và các cấu kiện gỗ bên trong phải mất gần 3.000 công thợ mộc Kim Bồng lành nghề mới hoàn thành. Ảnh: Thái Mỹ
Toàn cảnh nhà cổ của ông Nguyễn Nho Phán (ảnh trái) và các cấu kiện gỗ bên trong phải mất gần 3.000 công thợ mộc Kim Bồng lành nghề mới hoàn thành. Ảnh: Thái Mỹ

Từ phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, men theo con đường bê-tông nhỏ băng qua những thửa ruộng đan xen với nhiều làng mạc, dễ dàng hỏi đường đến nhà cổ của ông Nguyễn Nho Phán ở làng Bồng Lai, xã Điện Minh.

Ngôi nhà vắng lặng, vẫn im ỉm cửa đóng then cài, dù có cất tiếng gọi hồi lâu. Phía trước đó có một ngôi nhà hai tầng, đó là nhà chị Nguyễn Thị Tâm, cháu nội ông Nguyễn Nho Phán. Chị sẵn lòng kể lại câu chuyện xưa truyền lại về mảnh đất, ngôi nhà như một báu vật của dòng tộc.

Ngôi nhà cổ này thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Nho Phán và bà Lê Thị Dật. Theo gia phả của tộc Nguyễn Nho ở làng Bồng Lai, ngôi nhà cổ Nguyễn Nho Phán được ông cao tổ Nguyễn Nho Huy xây dựng từ năm 1770.

Qua lời kể của các bậc cao niên trong làng, hồi ấy để chuẩn bị xây nhà, ông Nguyễn Nho Huy phải lặn lội mua rất nhiều gỗ mít, gỗ lim từ vùng thượng nguồn sông Thu Bồn chuyển về. Ròng rã 6 tháng trời ông đi tìm, thuê hàng chục thợ lành nghề làng mộc Kim Bồng (Hội An) và sau 3 năm đục đẽo liên tục, tiêu tốn gần 3.000 công thợ mới hình thành được ngôi nhà 5 gian, 2 chái.

Ngày trước, 3 gian giữa ngôi nhà này dùng để thờ tổ tiên, ông bà, 2 gian còn lại ở hai bên dùng để tiếp khách. Chái nhà trên là nơi ngủ nghỉ của nam giới, chái nhà ngang một phần dành cho nữ giới sinh hoạt, một phần dùng để các nông cụ sản xuất và phần lớn để cho trâu đạp lúa mỗi khi đến mùa gặt.

Ba gian thờ bên trong có ghi 3 chữ thật to “Tích Thiện Đường” được hiểu nôm na là nơi lưu giữ, giáo dục cái tốt lành ở trong nhà. Gian chính giữa treo tấm hoành phi sơn son thếp vàng, ghi hai chữ “Phước quả” với ý nghĩa khuyên bảo cháu con phải ăn ở sao cho có phước ắt sẽ gặt được quả. Xung quanh các bàn thờ được bao bọc bằng những tấm ván gỗ mứt mỏng tang rất đẹp, người ta gọi cách trang trí kiểu này là phên lụa.

Với 66 cây cột lớn nhỏ chia thành 3 hàng, trong đó có một hàng cột to nhất gọi là cột cái cùng với hai hàng cột phụ. Phía trên đầu cột đội cây trính đỡ đòn đông có chạm hình tượng quả bí. Mỗi cây cột ở các gian thờ và các gian tiếp khách đều có một tấm liễn khảm xà cừ. Mỗi cây cột ở nhà trên đều được đặt trên đá tảng với hoa văn chạm trổ rất đẹp.

Vào năm 1880, ngôi nhà được sửa chữa lần đầu tiên, cho đến năm 1918 tiếp tục tu bổ, sửa sang lần thứ hai. Do nền nhà ngày xưa được tráng bằng vôi trộn với cát nên bị bong tróc, hư hỏng, nên năm 1960, gia chủ đã thay bằng gạch hoa. Mái lợp ngói âm dương từ làng gốm nổi tiếng Thanh Hà (Hội An), kề bên nhà chính là nhà “mát” lợp bằng cỏ tranh săng.

Tất cả cột, kèo của ngôi nhà đều làm từ gỗ mít, gỗ lim; đòn tay, rui, mè bằng kiền kiền núi. Các đầu kèo được những người thợ tài hoa Kim Bồng chạm trổ các họa tiết hình rồng với những đường nét mềm mại, đầy tinh xảo. Ngày xưa, bên cạnh ngôi nhà chính còn có các nhà phụ để chứa lúa, đựng gạo, các chạn chén bát, nồi đất, nồi đồng nấu ăn…

Tọa lạc trong khuôn viên rộng ước chừng 16 sào, quanh năm cây kiểng, hoa trái xanh tươi, ong bướm rập rờn, nhà cổ Nguyễn Nho Phán là một kiến trúc nghệ thuật độc đáo xa xưa, là một kiểu nhà ở thuộc giai tầng giàu có của vùng nông thôn xứ Quảng ngày trước.

Đây là một công trình kiến trúc đặc sắc, hội tụ đầy đủ các yếu tố về cảnh quan, tính thẩm mỹ cùng với lịch sử ra đời nên năm 2003, nhà cổ này được xếp hạng di tích văn hóa cấp tỉnh. Song, với ngôi nhà được tạo dựng hoàn toàn bằng gỗ tồn tại gần 250 năm, nỗi lo canh cánh của gia chủ là từng ngày phải chống chọi với sự xuống cấp trầm trọng.

Sức tàn phá của thời gian đã làm cho những viên ngói bể nát khiến nước mưa thấm dột, các đầu gỗ mục rửa, mối mọt gặm nhấm bị hư hỏng trầm trọng. Từ ngày ngôi nhà được công nhận di tích, mọi sự tác động đều được gia chủ báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để xin phép nhưng sự hỗ trợ kinh phí tu bổ cũng chỉ nhỏ giọt, chẳng thấm tháp vào đâu.

Để cứu ngôi nhà cổ, năm 2015, UBND tỉnh Quảng Nam đầu tư 600 triệu đồng, gia đình góp thêm 200 triệu đồng, giao cho Công ty CP Nhà Việt Nam trùng tu, sửa chữa lại, mọi chi tiết vẫn giữ nguyên mẫu theo kiến trúc cũ xưa. Tất cả các vật dụng bằng gỗ bị mục nát đều được thay mới và nâng nền nhà cao hơn so với mặt nền cũ.

Chị Nguyễn Thị Tâm kể, ngôi nhà được trùng tu sau một năm ông nội chị mất. Sinh thời, ông luôn ao ước có nguồn kinh phí để sửa chữa và có lẽ ở nơi suối vàng biết ngôi nhà cổ của mình đã được tu sửa ông sẽ mừng lắm! Hiện nay, ngôi nhà tiêu tốn gần 3.000 công thợ này chỉ làm nơi thờ phụng ông bà, tổ tiên.

Về thăm nhà cổ Nguyễn Nho Phán là đi tìm cái cảm giác bình yên quá đỗi nhẹ nhàng và xua tan bớt những âm thanh ồn ào phố thị. Được ngồi trên chiếc ghế đá ngắm nhìn cỏ cây, hoa lá trong vườn, được bước qua cánh cổng bạc màu sương gió, được lắng nghe tiếng lá rơi chạm đất khe khẽ rồi bất chợt ta nhận ra ở đây mới chính là nơi neo đậu hồn cốt quê hương!

THÁI MỸ

.