Người trông coi 'thủ phủ hoàng gia' ở Quảng Nam

.

405 năm trước, chúa Sãi phong chức Hữu phủ Chưởng phủ sự cho con trai Nguyễn Phước Kỳ và giao Phước Kỳ thay mình làm quan Trấn thủ Quảng Nam dinh. Từ đó, cùng với việc chăm lo ổn định Quảng Nam, ông chú trọng phát triển kinh tế thương mại với nước ngoài.

Toàn cảnh lăng mộ Nguyễn Phước Kỳ ở xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên. Ảnh: N.T.T
Toàn cảnh lăng mộ Nguyễn Phước Kỳ ở xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên. Ảnh: N.T.T

Hồ sơ di tích lịch sử cấp tỉnh của lăng mộ Nguyễn Phước Kỳ cùng với gia phả tộc Nguyễn Phước làng Duy Sơn, huyện Duy Xuyên kể lại cho hậu thế câu chuyện về người mở mang vùng đất Quảng Nam của Đàng Trong ngày trước.

Nguyễn Phước Kỳ là trai trưởng của Hy Tông Hoàng đế Nguyễn Phước Nguyên và Hiếu Văn Hoàng hậu Mạc Thị Giai. Ông sinh năm nào không rõ. Vợ ông là bà Tống Thị Toại, một phụ nữ nhan sắc, là con gái của Cai cơ Mậu Lễ hầu Tống Phước Khang.

Khi thân phụ Nguyễn Phước Nguyên đương chức Trấn thủ Quảng Nam dinh, Nguyễn Phước Kỳ được giao chức Chưởng cơ chỉ huy đạo quân bảo vệ ở dinh trấn Thanh Chiêm. Năm 1613, chúa Tiên Nguyễn Hoàng băng hà, Nguyễn Phước Nguyên lên ngôi chúa (Sãi vương) và ra sống ở phủ chúa tại Trà Bát, Quảng Trị. Năm sau, chúa Sãi phong chức Hữu phủ Chưởng phủ sự cho Nguyễn Phước Kỳ và giao Phước Kỳ thay mình làm quan Trấn thủ Quảng Nam dinh.

Trong thời gian làm Trấn thủ Quảng Nam dinh, Nguyễn Phước Kỳ lấy thêm người vợ thứ là Bùi Thị Phượng (hay còn gọi là Bùi Thị Thuận).

Nối nghiệp cha ông, khi làm Trấn thủ Quảng Nam, Nguyễn Phước Kỳ càng chuyên tâm, sáng tạo vận dụng linh hoạt chính sách mở cửa của Sãi vương Nguyễn Phước Nguyên, từng bước đưa Hội An trở thành một cảng thị trung tâm trung chuyển mậu dịch quốc tế ngày một hưng thịnh.

Vào thời Nguyễn Phước Kỳ, thuyền buôn của Nhật Bản, Trung Quốc, Đông Nam Á và một số thuyền buôn của phương Tây đã tấp nập cập bến Hội An. Nhiều tài liệu đã miêu tả Hội An là: “Hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng chính là hải cảng thuộc Quảng Nam…”. Và: “Ở Hội An diễn ra một hội chợ hàng năm kéo dài 4 tháng… Dinh trấn Quảng Nam ở cách đó 8km về phía Tây, nối liền đường thiên lý và con sông, là thủ phủ của dinh, vào thời điểm đó người ta có thể gọi là thủ phủ hoàng gia bởi vì Sãi vương thường ở đó, một trong những người con của ngài là hoàng tử Kỳ làm quan trấn thủ…” .

Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng, với chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên là vô cùng quan trọng nên mặc dù ở ngôi Chúa, ông vẫn vào Thanh Chiêm vừa để quan sát nhằm củng cố chính sách phát triển kinh tế, vừa để hướng dẫn Nguyễn Phước Kỳ cho kế sách lâu dài, đặc biệt là trong đối ngoại. Bởi buổi đầu tự lập ở Đàng Trong, vừa phải đối phó với áp lực rất lớn từ Đàng Ngoài, vừa phải đối phó với phía Nam, nên Quảng Nam có vị trí cực kỳ quan trọng, là hậu phương hùng hậu cho công cuộc phòng thủ phía Bắc và tiền phương cho việc mở nước về phương Nam.  

Vì vậy, cùng với việc chăm lo ổn định Quảng Nam, ông chú trọng phát triển kinh tế thương mại với nước ngoài. Nguyễn Phước Kỳ đặc biệt ưu ái thân thiện với các giáo sĩ phương Tây, tạo điều kiện thuận lợi cho Quảng Nam trở thành cái nôi hình thành chữ Quốc ngữ.

Là người văn võ toàn tài, năm 1627, khi nổ ra cuộc Trịnh - Nguyễn phân tranh kéo dài suốt 45 năm, Nguyễn Phước Kỳ trực tiếp cầm quân phối hợp với Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Phước Vệ đánh bại cuộc tấn công lần thứ nhất của quân Trịnh. Sau chiến thắng này, Nguyễn Phước Kỳ được phong làm Thế tử. Năm 1629, Nguyễn Phước Kỳ nhiều lần cùng người anh rể Mạc Cảnh Vinh (Nguyễn Phước Vinh) đưa quân chinh phạt Chiêm Thành, bảo vệ vững chắc Phú Yên, giữ yên biên giới phía Nam lập nên dinh Trấn Biên cũng là dinh trấn thứ 8 của chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Thế tử Nguyễn Phước Kỳ mất năm 1631.

Lăng mộ ông ban đầu ở làng Thanh Quýt; nay là xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đến năm 2000, con cháu Nguyễn Phước tộc Quảng Nam - Đà Nẵng và Huế cải táng mộ ông về xứ Ba Truông thuộc thôn Chiêm Sơn, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, gần nhà máy Thủy điện Duy Sơn 2. Lăng mộ ông tọa lạc trên một ngọn đồi rợp bóng cây xanh, chính diện quay hướng đông bắc – tây nam, được xây bằng đá chẻ, nền láng xi-măng, có bố cục rành rẽ phân minh gồm cửa lăng, bình phong tiền, sân tế, cửa mộ, hương án, bia mộ, nấm mộ, nhà bia hậu và kết thúc là bình phong hậu.

Mặt trước lăng mộ có cổng bằng hai trụ khắc hai câu đối ca ngợi cảnh sắc, mây trời. Bình phong trước đắp hai bên hai cuốn thư cùng cây bút và bầu rượu, chính diện có hình con lân đạp mây cẩn mảnh sứ, hai bên phía trên: bên trái là chữ Nguyễn Phước Kỳ; bên phải là chữ Khánh Quận công. Mặt sau bình phong đắp chữ Phước ở giữa, hai bên hai cuốn thư cuộn cây bút và quyển sách vẽ bằng chất liệu sơn, mỗi bên lại có hai trái đào được tạo trên nhành cây cách điệu chim phượng hoàng.

Tấm bia cổ ở lăng mộ có hình chữ nhật vát góc phần trán bia, trên đầu bia mặt trước có chạm khắc lưỡng long chầu lưỡng nghi, viền mây bao quanh. Văn bia khắc chữ Hán, nội dung cho biết vào thời Gia Long truy xét công trạng, triều đình truy tặng ông là Thái tử Thiếu Bảo Khánh Quận công. Bình phong sau có 2 con rồng hai bên chầu nhà bia, trong có tấm bia ghi chữ Quốc ngữ: Lăng ngài Thái tử Thiếu Bảo Khánh Quận công Nguyễn Phúc Kỳ.

Ngày 10 tháng 6 năm 2019, lăng mộ Nguyễn Phước kỳ được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.

NGUYỄN THỊ TUYẾT

 

;
;
.
.
.
.
.