Giếng Chăm ở Đà Nẵng

.

Sinh sống trên một địa bàn có thiên nhiên hết sức khắc nghiệt, hiếm khi chiều chuộng con người nên việc tìm các mạch ngầm nước ngọt cùng kỹ thuật khai thác nó để phục vụ cho cuộc sống của mình là một trong những kỹ năng tuyệt vời của người Chăm xưa. Điều đó thể hiện rất rõ trong hệ thống giếng Chăm cổ mà hiện nay chúng ta còn tìm thấy rất nhiều ở khu vực miền Trung từ Quảng Bình cho đến Ninh Thuận.

Giếng Hời trước sân Miếu Bà, trong khu di tích Nghĩa trủng Hòa Vang, nay nằm trên địa bàn phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ. Ảnh: V.T.L
Giếng Hời trước sân Miếu Bà, trong khu di tích Nghĩa trủng Hòa Vang, nay nằm trên địa bàn phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ. Ảnh: V.T.L

Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông, Trưởng phòng Khảo cổ học đô thị thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam, có thể chia hệ thống giếng Chăm làm 3 loại.

Giếng mở có nguồn nước cung cấp từ mạch ngầm ở chân sườn đồi, núi thấp hoặc cồn cát chảy ra, được kè lại bằng đá hoặc gỗ tạo thành giếng. Nước chảy thường xuyên quanh năm dù trong mùa khô hạn. Đây là nước sạch với chất lượng tốt thường chỉ dùng cho ăn uống. Sau đó nước chảy ra cấp thứ hai rộng hơn, được giới hạn với xung quanh bằng bờ đất có kè đá. Nước ở đây đã ít sạch hơn nên để tắm giặt… Giai đoạn thứ 3 nước chảy gần như tràn ra một hố rộng ngay trên bờ ruộng, chỉ được ngăn lại bằng đá, xếp sơ sài, đây là nơi trâu bò, súc vật uống và cuối cùng chảy xuống ruộng.  

Giếng nửa mở, còn gọi là giếng bộng, có nguồn nước cung cấp thường từ những mạch ngầm ở chân những cồn cát, hoặc đồng ruộng. Nước phun lên từ một mạch ngầm, người ta lấy một tấm đá lớn hoặc một thân cây cổ thụ để giữ nước. Miếng đá được đục một cái lỗ lớn, thân cây được khoét rỗng ruột. Úp tảng đá hoặc thân cây khoét rỗng lên chỗ mạch nước, cố định chắc chắn, nước chảy dâng lên và thoát ra từ lỗ đã khoét. Hứng nước ở đó mang về dùng. Nước chảy tự nhiên quanh năm suốt tháng. Nếu không ai dùng, nước chảy thoải mái ra ruộng. Loại giếng này thường nằm xa khu dân cư một khoảng cách vừa phải.

Giếng đóng là loại giếng phổ biến nhất, nằm trong một khu dân cư. Giếng có hình vuông, mỗi cạnh cái nhỏ 1,15 mét, trung bình từ 1,25 đến 1,35 mét, cái lớn có thể lên đến 1,50 mét.  Giếng được lát gạch hay đá tùy nguồn nguyên liệu của địa phương. Nhiều giếng được xây bằng đá ong suốt từ trên xuống dưới. Có nhiều giếng lại được xây nửa gạch nửa đá. Đặc biệt ở dưới đáy luôn luôn có một cái khung bằng gỗ, cao chừng 30cm đến 40cm, thường là gỗ lim, nên suốt mấy trăm năm vẫn không bị mục.

Để phân biệt giếng cổ của người Chăm với giếng của người Việt thường dựa vào hình dạng của giếng và khung gỗ dưới đáy giếng. Giếng vuông hoặc dưới vuông trên tròn (có khi ngược lại) và có khung gỗ phía dưới là giếng Chăm, còn giếng tròn là giếng của người Việt. Sở dĩ có loại giếng vừa vuông vừa tròn là do việc cải tạo của người Việt trên một giếng cổ của người Chăm mà nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng cho là do “quá trình chuyển dịch cư trú, các truyền thống được tiếp thu, sử dụng đan xen giữa những cộng đồng dân cư” (Di tích Chăm tại Đà Nẵng và những phát hiện mới, NXB Đà Nẵng, 2017).

Ở Đà Nẵng, theo nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng và các đồng sự trong tác phẩm đã dẫn, trên địa bàn thành phố hiện còn một số giếng Chăm; trong đó một số còn nguyên, một số đã bị san lấp một phần và một số chỉ còn tên gọi và không còn nhiều dấu tích do quá trình san lấp. 6 giếng hiện vẫn còn như sau:
Giếng Bộng: nằm trên đường Trưng Nữ Vương thuộc phường Bình Hiên, quận Hải Châu, có kích thước lớn nhất trong các giếng Chăm ở Đà Nẵng, có hình gần vuông cạnh 1,3 x 1,21 mét, được xây bằng đá và cả bằng gạch Chăm. Tên giếng cho thấy có thể trước đây là một giếng nửa mở, nằm cách khu dân cư. Ngày nay đã thành một giếng kín, theo cả 2 nghĩa (không sử dụng mà được rào và đậy kín để bảo đảm an toàn cho Trường mẫu giáo Ánh Hồng).

Giếng Đình gần đình Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Ảnh: V.T.L
Giếng Đình gần đình Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Ảnh: V.T.L

Giếng Hời: nằm ở góc sân Miếu Bà, trong khu Di tích Nghĩa trủng Hòa Vang, thuộc phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ. Giếng có kích thước 1,15 x 1,15 mét, được xây bằng đá.

Giếng Đình: do ngày trước nằm gần đình Nam Ô; hiện nay ở tổ 27, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Giếng có hình vuông với kích thước nhỏ, cạnh 0,89 mét.

Giếng Lăng: do nằm gần lăng thờ cá Ông thuộc tổ 35, phường Hòa Hiệp Nam, giếng hình vuông cạnh 0,87 mét.

Giếng Thành Trạm: ngày trước nằm gần trạm Nam Ô, nay là tổ 32, phường Hòa Hiệp Nam, giếng vuông, cạnh dài 1 mét.

Giếng Hóa Ô (còn gọi là giếng Bà Bang vì nằm trong vườn nhà bà Nguyễn Thị Bang), hiện ở hẻm 957 đường Nguyễn Lương Bằng thuộc phường Hòa Hiệp Nam. Giếng có hình vuông, cạnh 0,96 mét.
Ngoài ra, ở Nam Ô (Hòa Hiệp Bắc và Hòa Hiệp Nam) còn một số giếng Chăm bị lấp chỉ còn tên như giếng Cồn Trò, giếng Chùa (trong khuôn viên chùa Hoa Sơn), giếng Cu Đê, giếng bà Tú Lâm…

4/6 giếng Chăm tồn tại trên địa bàn Đà Nẵng nằm ở khu vực Nam Ô. Con số này cho phép ta nghĩ trước khi trở thành lãnh thổ Đại Việt (và có lẽ cả sau này), vùng này là một làng Chăm trù phú, dân cư đông đúc với nghề đánh cá, chế biến mắm cái và cả việc buôn bán nước ngọt cho các thuyền buôn quốc tế. Theo GS. Trần Quốc Vượng thì: “Thư tịch cổ Ả Rập - Ba Tư cho biết từ thế kỷ VIII-XVI người Chămpa vẫn cung cấp - xuất khẩu nước ngọt từ các giếng này cho thuyền buôn quốc tế”.

Còn tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông, khi nói về giếng cổ của người Chăm có viết: “Gần như ở mọi nơi trên thế giới này văn hóa của những kẻ chiến bại không bao giờ mất mà, dường như, nó còn sống dậy rất mãnh liệt để cả nhân loại phải chiêm ngưỡng và nhắc đến” (Đôi điều về nước sạnh của người Chămpa xưa qua hệ thống giếng cổ dọc bờ biển miền Trung Việt Nam, tạp chí Bảo tàng Lịch sử Việt Nam số ngày 30-3-2018).

Chính vì vậy, các giếng cổ Chămpa hiện tồn tại cần phải được giữ gìn bảo vệ, nhất là các giếng ở Đà Nẵng.

LÊ THÍ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.