Thăng trầm nón lá La Bông

.

Nón lá La Bông, chiếu Cẩm Nê và đan đát Yến Nê là ba làng nghề truyền thống trên địa bàn xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, giờ đang lay lắt bên bờ vực quên lãng. Nếu nghề dệt chiếu còn cầm cự với non mươi hộ thì nghề chằm nón gần như bị lãng quên ngay trên vùng đất khai sinh ra nó - thôn La Bông.

Bà Nguyễn Thị Trỉ (phải) là một trong những “bàn tay vàng” nghề chằm nón ở La Bông. Ảnh: V.T.L
Bà Nguyễn Thị Trỉ (phải) là một trong những “bàn tay vàng” nghề chằm nón ở La Bông. Ảnh: V.T.L

Đến nay vẫn chưa thấy một tài liệu nào cho biết chính xác nghề chằm nón lá La Bông có nguồn gốc từ đâu và được du nhập vào làng lúc nào. Ngay cả đề án “Phát triển làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống thành phố Đà Nẵng” do Sở Công nghiệp (nay là Sở Công thương) Đà Nẵng biên soạn năm 2006 cũng chỉ cập nhật một vài thông tin thời hiện tại.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Minh Phương, Trường Đại học (ĐH) Sư phạm - ĐH Huế, khi làm luận án tiến sĩ với đề tài “Thủ công nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng (1802-1945)” đã thực hiện chuyến điền dã về La Bông, được nghe các bậc cao niên nơi này khẳng định người có công đem nghề chằm nón về làng là ông Nguyễn Tích (còn gọi là Trùm Tích), hậu duệ đời thứ 14 của họ Nguyễn làng La Bông. Không rõ ông Tích sinh năm nào, nhưng so ngang đời thứ 14 có ông Nguyễn Đình Ty (sinh năm 1881), nguyên là quan thất phẩm dưới triều Nhà Nguyễn, có lẽ hai ông cũng có độ tuổi hơn kém nhau không nhiều.

Các cụ cao niên làng La Bông kể rằng, ngày đó ông Nguyễn Tích sau lần đi làm ăn xa đã mang về làng một chiếc nón lạ giống như mũ mà người Pháp thường đội nhưng lại có vành. Dựa vào cấu trúc của chiếc mũ lạ này, ông cùng vợ và con mày mò bắt chước làm theo, sau bày lại cho bà con trong làng. Như vậy là vào thời điểm truyền nghề này thì con ông đã lớn và đủ khả năng theo học. Từ đó, tác giả Nguyễn Minh Phương khẳng định (trong tài liệu đã dẫn) thời điểm ra đời của nghề chằm nón La Bông vào khoảng những năm đầu thế kỷ XX.

Ban đầu chỉ vài gia đình học nghề và làm nghề, sau lan dần ra cả làng. Nghề chằm nón ngày càng phát triển, nhu cầu về nguồn nguyên liệu, đặc biệt là lá nón, ngày càng cao nên một số gia đình như các ông Hương Lịch, Hương Thuận, Xã Bính… vừa làm nghề chằm nón vừa đứng ra cung cấp nguyên liệu cho các gia đình khác.

Nón La Bông bấy giờ chủ yếu là nón thô hay còn gọi là nón thường, đây là loại nón được sử dụng thường ngày. Ngoài ra còn có nón diễn, khác nón thô ở chỗ có 5 - 6 hình con bướm có cánh làm bằng giấy kim bảng gắn xung quanh, nằm ở giữa vành thứ năm và thứ sáu kể từ chân lên đỉnh. Phía trong đỉnh nón lại có gắn hoa thị bằng giấy kim bảng ở giữa, xung quanh có hình răng cưa. Người đầu tiên tạo ra nón này là ông Nguyễn Nghiêm (1912-1969), một trong những người chằm nón nổi tiếng ở La Bông.

Nón diễn tồn tại trong những năm đầu thập niên 30, đến những năm đầu thập niên 60 thì không còn nữa.
So với nghề nông, nghề nón cũng chỉ là nghề phụ cho dù đến đầu thế kỷ XX, hơn 80% số hộ trong làng tham gia nghề thủ công này. Trong số đó, một số hộ đã tách ra khỏi nghề nông, chuyển hẳn sang chằm nón. Một số hộ chuyên đi mua nguyên liệu về bán, một số khác chuyên đi thu gom nón để mang đi bán cho các mối lái ở chợ. Những người đàn ông trong làng như Trùm Trình, Hương Lịch, Xã Bính, Hương Thuận… đã đi bộ, gánh nón La Bông đi bán khắp nơi từ Hòa Vang ra vùng trung tâm Đà Nẵng, các chợ có sức mua nhiều là Túy Loan, Miếu Bông, Lệ Trạch, Tùng Sơn, An Ngãi, Hòa Mỹ…

Nhìn chung, nón La Bông ít được xuất đi xa, bởi lẽ giá của nón còn thấp, xuất đi xa sẽ không có lợi nhuận. Vả lại, các tỉnh, thành lân cận đều có nghề chằm nón rất phát triển. Ở Huế vốn nổi tiếng với chiếc nón bài thơ; ở Quảng Nam có đến ba làng nghề chằm nón: Giảng Hòa (xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc), Xuyên Đông (xã Duy An, huyện Duy Xuyên), Diên Lộc (xã Quế Minh, huyện Quế Sơn). Tuy nhiên, nghề chằm nón ở các làng này không nổi tiếng và không phát triển bằng làng La Bông. Nón ở Giảng Hòa là nón bù hụp khác với nón lá thường, nón bù hụp không dùng để đội mà được xuất vào Nam để... đậy mủ cao su.

Những năm đầu thế kỷ XX là thời kỳ thịnh đạt nhất của nghề chằm nón La Bông. Dân làng lập nên một hội làng nghề với khoảng 20 hội viên, toàn nam giới. Ban ngày các hội viên chằm nón lo cuộc sống riêng cho gia đình, ban đêm tập trung lại chằm nón bán lấy tiền chung lại lập thành quỹ, cuối năm trích quỹ tổ chức bữa tiệc liên hoan.

Theo nhận định của tác giả tài liệu đã dẫn, kể từ khi nghề chằm nón xuất hiện, bộ mặt kinh tế làng La Bông có nhiều thay đổi. Nghề thủ công này đã giúp các gia đình bớt khó nhọc. Những hộ ít ruộng đất, hay những người không đủ sức dầm sương dãi nắng bám trụ nghề nông, thì chằm nón là nghề cứu cánh của họ.

Tuy nhiên, thời hoàng kim của nón lá La Bông kéo dài chưa bao lâu thì chiến tranh đã đưa làng nghề nhanh chóng vào buổi thoái trào. Sau khi hòa bình được lập lại, mãi đến cuối những năm 80 thế kỷ XX, những người làm nghề chằm nón nơi đây mới rục rịch sản xuất trở lại. Từ đầu làng đến cuối xóm lại nhộn nhịp cảnh phơi lá nón, xe cước, chằm nón... Nón lá không chỉ trở thành bạn đồng hành của nông dân “trên đồng cạn dưới đồng sâu” mà còn được du khách gần xa đặt hàng theo từng hoa văn, mẫu mã riêng.

Thế rồi, cuộc sống thời hiện đại đã làm thay đổi cách phục trang của con người, chiếc nón lá La Bông lần nữa lại trở thành chuyện của ngày hôm qua, dân làng lại quay về nghề nông như trước. Người viết từng được ông Đinh Hồng Quế, cán bộ phụ trách mảng xây dựng đời sống văn hóa xã Hòa Tiến đưa về thăm La Bông. Bà Nguyễn Thị Trỉ ở tổ 2, một trong những “bàn tay vàng” chằm nón ở La Bông giờ đã ngoài bát tuần, tỏ ý buồn lòng: “Chừ cũng còn mấy người biết nghề, nhưng không ai làm hết, làm rồi bán cho ai?!”.

Nghề không ai làm, nhưng câu ca làng nghề xưa thì ai cũng nhớ: “Cái khuôn lừng chừng không sâu không cạn/ Cái nón hình dạng nửa Quảng nửa Kinh/ Trên thao dưới đoác tận tình/ Trên đầu cài bông hoa lý, dưới cắt bộ hình răng cưa/ Nức bông dâu mũi nhặt mũi sưa/ Chạy đàng con tít chân vào chân ra”.

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.