Một ngôi miếu được xây bằng gạch rất lâu đời, giờ đổ nát, hoang phế đang ẩn mình trong cánh rừng mênh mông, rậm rạp, đằng sau đó là những câu chuyện dân gian ly kỳ được lưu truyền tới ngày nay. Sự ra đời của ngôi miếu ngoài nhu cầu tâm linh của cuộc sống còn là một bài học giáo dục về nhân cách khiêm nhường và đức độ làm người.
Miếu thờ thầy trò Đỗ Huyền Quân bây giờ chỉ là phế tích. Ảnh: T.M |
Cá bằng… lá cây
Một câu chuyện truyền thuyết đậm sắc màu huyền hoặc được nhiều cụ cao niên vùng rừng núi xã Quế Bình, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam kể cho con cháu nghe: Ngày xưa, vùng cao này thưa thớt người định cư, núi rừng, cây cối bao phủ ngút ngàn. Sau mỗi vụ cày cấy xong, đám trai tráng chia thành từng tốp vào rừng săn bắn thú. Một hôm, tốp đi săn nọ bỗng phát hiện trong khu rừng gần với xóm Ruộng Làng một cái chòi nhỏ có hai người đàn ông sinh sống lẻ loi, cách biệt với dân làng. Lúc đầu họ cứ tưởng đó là hai cha con, về sau qua cách xưng hô mới biết là hai thầy trò.
Một sáng nọ, một nhóm con gái làng đang lom khom cấy lúa thì thấy người thầy ngồi chễm chệ trên lưng ngựa còn cậu học trò cầm dây cương dắt đi trên bờ mương cạnh đám ruộng. Thấy vậy, một cô gái trẻ buông tay cấy, ngửa nón trêu chọc: “Thầy ơi! Thầy leo lên lưng con ngựa nớ từ phía sau phải không?”. Cả nhóm con gái đang cấy thích thú, cười rúc rích.
Người thầy cưỡi ngựa nở nụ cười tươi, đưa tay chỉ xuống đám ruộng và nói: “Ruộng nhiều cá rứa, răng mấy cô không bắt về mà ăn?”. Câu nói của ông vừa dứt thì các cô thợ cấy thấy vô số cá chui nhủi trên mặt ruộng lấp xấp nước. Thế là các cô bỏ những bó mạ non vào giỏ bội để rảnh tay tranh thủ bắt cá. Không có giỏ đựng, các cô phải bứt những sợi dây rừng để xâu cá. Do mải mê bắt cá nên đến khi nhìn lên bờ mương thì hai thầy trò nọ đã đi khỏi từ lúc nào. Đến lúc đó các cô nhìn lại các xâu cá của mình thì phát hiện chỉ toàn xâu… lá cây chứ không có bất cứ một con cá nào cả. Các cô đã cấy gần xong đám ruộng rộng lớn, nhưng chính các cô đã giẫm nát do bắt cá.
Như chợt hiểu ra mọi điều, các cô gái hoảng sợ leo vội lên bờ, tay chân run cầm cập, miệng lẩm nhẩm mong “thầy thần” rộng lượng tha thứ cho kiểu đùa cợt vô ý vừa rồi. Các cô gái đem chuyện này kể cho dân làng nghe nhưng chẳng có ai tin đó là sự thật…
Cưỡi hổ tới xin phạt
Như thường lệ, đình làng Bình Hòa (nay thuộc thôn Bình Hòa, xã Quế Bình) vào lễ tế thường niên. Trước khi vào làm lễ cúng chính thức, lý trưởng Bình Hòa đã sai ông hương kiểm vào tận chòi của hai thầy trò nọ đòi họ ra đình trình diện và đốn bổi thui bò để mở tiệc. Đợi mãi cũng chẳng thấy mặt hai thầy trò, lý trưởng bực bội nên tiếp tục sai hương kiểm vào xem thử. Sau những lời quát tháo, dọa nạt của hương kiểm, người thầy từ tốn mà rằng: “Xin ngài về báo lại lý trưởng biết, thầy trò tôi hứa sẽ tuân theo ý các quan”.
Thế nhưng đến ngày lễ tế, dân làng đã tề tựu đông đủ, bò đã mổ chỉ chờ thui để dọn lên bàn cúng, song hai thầy trò vẫn vắng bóng. Lý trưởng đùng đùng nổi giận, la hét om sòm, lập tức sai người mang dây thừng, gậy gộc đi bắt trói hai thầy trò mang về sân đình xử tội. Khi đó thì mọi người trông thấy cậu học trò cưỡi bạch mã và người thầy ngồi trên lưng con hổ dữ dằn tiến vào sân đình. Đám đông hoảng hốt tháo chạy tán loạn, có người quỳ xuống vái lạy xin tha.
Thầy trò nọ cột bạch mã và hổ vào gốc cây rồi bảo tất cả những ai đang quỳ phải đứng dậy rồi tới trước mặt lý trưởng. Vị quan làng run rẩy, quỳ rạp người xuống đất thì người thầy cầm tay kéo lên, buông lời nhỏ nhẹ: “Thầy trò chúng tôi xin tạ lỗi lý trưởng do đường sá xa xôi nên đến trễ hẹn. Mong lý trưởng cứ chiếu theo lệ làng mà xử phạt”. Chẳng những thầy trò họ không bị phạt mà được lý trưởng mời dự bữa với dân làng. “Thầy trò chúng tôi không thể dự lễ tế được đâu, bởi nếu chúng tôi ngồi lâu ở đây thì không có bất cứ thần linh nào về dự cả”, người thầy trả lời.
Về sau, người ta mới biết ông này là Đức Thầy Hán, tự là Đỗ Huyền Quân, một pháp sư tài ba lỗi lạc, cùng là vị quan của triều đình đương thời.
Chém đầu quan tham
Cũng có chuyện kể rằng ngày nọ vào cung hầu vua, Đỗ Huyền Quân xin được biểu diễn một phép thuật lạ lùng cho hoàng thượng xem. Vua hỏi màn trình diễn đó là gì thì ông tâu là màn “tục đầu” nghĩa là ông sẽ chặt đầu một người xong rồi sẽ ghép đầu người đó lại như cũ. Nghe thế, vua cười ha hả, gật đầu chấp thuận. Ông liền chọn ngay một vị quan của triều đình tham lam, hống hách, ức hiếp dân lành làm vật diễn. Sau nhát chém như trời giáng từ cánh tay lực lưỡng của ông, đầu vị quan tham rời cổ lăn lông lốc trên sàn mà ông không tài nào ghép lại đầu cho vị quan tham được.
Thế là vua ghép cho ông tội khi quân, giết người tàn bạo, phải đền mạng. Trước giây phút lâm chung, Đỗ Huyền Quân tha thiết xin vua 40 mét vải điều. Tấm vải điều được mang tới, ông thắt ngay hình con rồng rồi làm phép biến thành rồng thiệt, cưỡi lên bay thoát khỏi cung đình. Ở bên ngoài, cậu học trò của ông cũng cưỡi ngựa phi theo. Thầy trò họ chạy tới vùng Sầm Đăng, Cửa Gió, làng Phú Nhơn (nay là thôn 4, xã Quế Lưu, huyện Hiệp Đức) ẩn nấp. Khu rừng hoang dã, không một bóng người và biết đã có thần Đức Bà cai quản nên thầy trò dẫn nhau tới cánh rừng ở Ruộng Làng phát nương, dựng chòi sinh sống.
Về sau, Đỗ Huyền Quân lâm trọng bệnh qua đời, thương xót thầy, cậu học trò cũng đi theo thầy mãi mãi. Sau khi hai thầy trò mất, cọp rừng thường xuyên rình rập để bắt người ăn thịt, phá hoại hoa màu, gây nỗi sợ hãi trong dân chúng. Bà con làng Bình Hòa đã chung góp xây một ngôi miếu giữa đồi cao để thờ cúng thầy trò Đỗ Huyền Quân, cầu mong vong linh hai thầy trò phù hộ dân làng tai qua, nạn khỏi để cuộc sống luôn được yên bình. Thế là từ một đoạn dốc cao hoang vu, chưa có tên trong rừng bỗng dưng được gọi Dốc Miếu cho tới bây giờ.
Thái Mỹ