.

Bốn phương tám hướng

.

* Theo tôi, bốn phương cũng có nghĩa là tám hướng, nhưng vì sao người ta lại gọi là “bốn phương tám hướng”? (Nguyễn Trung, Hòa Vang, Đà Nẵng).

- Từ điển tiếng Việt trực tuyến http://vndic.naver.vn giảng rằng: Bốn phương tám hướng là tất cả mọi phương, mọi hướng trong bầu trời. Cụm từ này đồng nghĩa với bốn phương.

Trong thuật phong thủy, người ta căn cứ vào bốn phương đầu tiên là Đông, Tây, Nam, Bắc mà lập thành tám hướng tính theo ngược chiều kim đồng hồ gồm: Chính Đông, Đông Bắc, Chính Bắc, Tây Bắc, Chính Tây, Tây Nam, Chính Nam, Đông Nam, mỗi hướng 45 độ. Tám hướng này lại chia nhỏ thành 24 phương vị, mỗi phương vị 15 độ .

Ngoài ra, để chi tiết hơn, có thể thấy trong bản tin Dự báo thời tiết, người ta còn tính thêm tám hướng phụ nữa: Đông Đông Bắc, Đông Đông Nam, Tây Tây Bắc, Tây Tây Nam, Bắc Đông Bắc, Bắc Tây Bắc, Nam Đông Nam, Nam Tây Nam. (ảnh)

Ngoài tám hướng trên còn có thêm hai hướng nữa là thiên thượng (trên trời) và thiên hạ (dưới đất) như cách nói “mười phương chư Phật”.

Cách hiểu thông thường là như thế. Tuy nhiên, còn có một cách hiểu nữa theo hướng triết học, như cách giải thích của tác giả Đinh Hà Triều (giáo viên Trường THPT Xuân Diệu, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) trong bài “Quay theo tám hướng hỏi trời sâu” đăng trên Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ số tháng 12 năm 2003. Bài viết phân tích nghĩa của từ “tám hướng” trong một khổ thơ của bài “Các vị La Hán chùa Tây Phương” của nhà thơ Huy Cận trong chương trình Văn học lớp 12 THPT: “Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau/ Quay theo tám hướng hỏi trời sâu/ Một câu hỏi lớn không lời đáp/ Cho đến bây giờ mặt vẫn chau”.

Theo tác giả, trước năm học 2000-2001, các trường THPT ở tỉnh Bình Định đều sử dụng sách giáo khoa Văn học 12 do Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP. Hồ Chí Minh biên soạn. Về chữ “tám hướng”, sách này chú thích: “Người ta thường nói bốn phương, tám hướng, cũng nói: tám phương trời, mười phương phật” (chú thích 2, trang 111).

Thế nhưng, sau đó, sách giáo khoa Văn học 12 (chỉnh lý hợp nhất năm 2000) được đồng loạt sử dụng trong cả nước thì không giải thích từ này.

Trước tình hình này, tác giả đã cố gắng vận dụng một số tài liệu liên quan viết về truyền thống triết học và ngữ văn phương Đông thời Trung đại để tự trang bị cho mình một cách hiểu tương đối thỏa đáng, sau đó để có thể cắt nghĩa cho học sinh. Thiên “Tề tục huấn” sách Hoài Nam Tử có ghi: “Tứ phương, thượng hạ vị chi vũ” (bốn phương, trên dưới, gọi là vũ). “Vãng cổ lai kim, vị chi trụ” (xưa qua nay lại, gọi là trụ). Như vậy, vũ là khái niệm chỉ khoảng không, tức không gian; trụ là khái niệm chỉ thời gian.

Sách Cơ sở Ngữ pháp Hán Nôm tập 1 (GS. Lê Trí Viễn chủ biên, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1984) ở mục từ Vũ có giải nghĩa: “6 phương: trên, dưới, đông, tây, nam, bắc”. “Trụ chỉ quá khứ, hiện tại”. Vũ trụ: Nói chung chỉ cả không gian và thời gian theo quan niệm cổ nhân (Sđd, tr 168).

Như vậy, vũ trụ được hiểu một cách nhất quán là khái niệm chỉ chung toàn bộ thực tế vật chất khách quan trong không gian và thời gian. Nói tóm lược:

Vũ trụ = Vũ + Trụ = Không gian + Thời gian
            = 6 hướng + 2 hướng
            = 8 hướng

Chúng tôi tán thành ý kiến của Đinh Hà Triều, bởi chỉ hiểu “tám hướng” theo cách này, mới cảm nhận hết triết lý tiềm ẩn sau câu thơ của Huy Cận khi nhà thơ nêu “Một câu hỏi lớn” rồi buông một tiếng than đầy nỗi bức bối tột độ và sự bế tắc tột cùng “không lời đáp” ở câu thứ ba của khổ thơ!

ĐNCT

;
.
.
.
.
.