.

Những điều kiêng kỵ của ngư dân

* Người dân vùng biển kiêng cữ nhiều thứ, xin cho biết, ngoài tục không lật cá để ăn, còn có những tục nào nữa? (Trần Thanh Nam, Hải Châu, Đà Nẵng).

- Người vùng biển không lật cá để ăn vì họ cữ động tác “lật” (lật tàu, lật thuyền, lật ghe) làm ảnh hưởng đến mạng sống của người đi biển. Khi chiên cá họ cũng không lật con cá mà múc dầu/mỡ dội lên mặt trên con cá cho chín. Có người kỹ tính, còn không “úp” chén bát sau khi rửa sạch.

Chuyện xưa kể rằng, có lần một sứ thần Việt Nam sang Tàu được vua Tàu đãi tiệc. Đang ăn, vị sứ thấy mọi người đã ăn hết phần trên của con cá nên tiện tay lật nó lại. Các quan Tàu đều ngưng đũa và ra chiều hoảng sợ. Sứ Việt ngạc nhiên buông đũa và hỏi là chuyện gì đã xảy ra. Một quan Tàu cho biết là theo lệ xứ Tàu, ai lật con cá đang ăn là có ý làm phản và sẽ bị tử hình ngay lập tức. Vị sứ Việt liền bước tới phủ phục trước mặt vua và xin tha tội. Vua bảo: “Phép nước đã đặt ra không thể nào có ngoại lệ nhưng vì sứ thần là khách của Trẫm nên Trẫm cho Sứ thần có quyền đưa ra một lời yêu cầu và Trẫm sẽ thỏa mãn cho trước khi thọ hình”. Nhanh trí, vị Sứ thần Việt Nam bèn tâu: “Xin phép được móc mắt người nào thấy hạ thần lật cá”. Vua Tàu gặn mãi mà chẳng nghe ai nói là đã thấy vị Sứ thần Việt Nam lật con cá”. Vì không ai thấy nên vua không thể nào bắt tội!

Trong câu chuyện trên, mọi sự là do nghĩa của từ phản 反, trong tiếng Hán vừa có nghĩa là “trở, quay, chuyển biến” (trở mình con cá) vừa có nghĩa là “làm trái lại” (mưu phản).

Về những điều kiêng kỵ của ngư dân, có hai cuốn sách nói rất kỹ.

Tác giả Lê Quang Nghiêm trong cuốn Tục thờ cúng của ngư phủ Khánh Hòa (tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1970) có ghi một số điều kiêng kỵ của ngư dân. Khi bưng thúng đựng lưới hay dây câu, không được chui qua võng, dây phơi quần áo, không cho ai bước qua thúng, để tránh sự ô uế. Khi mới ra ngõ đi biển, tránh gặp người đầu tiên là đàn bà, nhất là đàn bà có chửa. Không bao giờ đi thăm đàn bà đẻ còn non tháng, sợ mắc phong long; không cho đàn bà có kinh nguyệt bước lên thuyền. Không được gọi đích danh những thần linh biển cả… Nếu vì xui xẻo do vi phạm những điều kiêng cữ mà không đánh bắt được nhiều cá, họ phải nhuộm lại lưới hay làm phép xông hơi, dọn rửa ghe thuyền và bày lễ vật giải trừ...

Tác giả Võ Khoa Châu trong cuốn Vạn Ninh, Đất & Người (Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa, 2008) cũng có nêu ra một số những điều cấm kỵ trong nghề đánh bắt cá của ngư dân. Ngoài những điều kiêng kỵ kể trên, tác giả còn ghi chép những điều kiêng kỵ khác. Không những không được lật nửa phần bên con cá đã ăn, mà còn không bao giờ được nói tiếng “lật”, ngụ ý kiêng cữ sự lật thuyền. Không để dao làm cá rơi xuống biển. Nếu lỡ làm rơi phải làm một con dao khác bằng cây hoặc bằng giấy bìa, sơn vẽ giống như con dao thật; sau đó làm lễ vái tạ, ném con dao ấy xuống nước rồi lặn xuống tìm lại con dao đã rơi. Không ngồi khoanh tay trên thuyền. Người có tang hay có vợ đang mang thai không bao giờ được là người đầu tiên vịn tay đẩy thuyền hoặc sương lưới. Nấu cơm không để được khê, khét hoặc cháy… Ngoài ra, trong trường hợp hãn hữu thuyền mới chở những người có chửa và nếu có người đẻ trên thuyền là điều xui xẻo.

ĐNCT
 

;
.
.
.
.
.