Cửa sổ tri thức

Cổng tam quan

07:44, 05/07/2014 (GMT+7)

* Lâu nay tôi nghe nói chùa chiền thường làm cổng tam quan, mới đây có người bảo rằng, cũng có nơi người ta còn làm cổng nhất quan hoặc nhị quan. Xin quý báo giải thích và cho biết ý nghĩa của từng loại cổng này như thế nào? (Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Thanh Khê, Đà Nẵng).

Cổng tam quan lăng Minh Mạng, Thừa Thiên - Huế. Ảnh: V.T.L
Cổng tam quan lăng Minh Mạng, Thừa Thiên - Huế. Ảnh: V.T.L

-Thông thường người ta làm cổng chùa theo kiểu tam quan gồm ba lối đi với lối giữa thường lớn hơn lối hai bên. Ngoài ra, một số dinh thự, đình miếu cũng xây loại cổng này như Viện Cơ mật ở Huế.

Cổng tam quan mang ý niệm “ba cách nhìn” của Phật giáo gồm: “hữu quan”, “trung quan” và “không quan”; thể hiện cái có, cái không và trung dung của cả hai. Theo Wikipedia, có một thuyết khác cho rằng tam quan là “tam giải thoát môn” của Thiền tông gồm cửa Không, cửa Vô tác và cửa Vô tướng (Vô nguyện). Vì vậy, các nước không thuộc Phật giáo Thiền tông không xây cổng tam quan làm lối vào chùa. Có nơi, như Vĩnh Minh Tự Viện ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, chỉ xây cổng nhất quan.

Cổng nhị quan là một “biến tấu” của hình thức tam quan, ví như nhị quan chùa Giác Lâm, còn gọi là Tổ đình Giác Lâm - một trong những ngôi chùa cổ nhất ở thành phố Hồ Chí Minh (1744), là cái nôi của Phật Giáo miền Đông Nam Bộ. Theo bài viết Chùa Giác Lâm, di tích lịch sử - văn hóa đăng trên trang web của chùa (http://chuagiaclam.net), cổng nhị quan, được dựng vào năm 1939, là nét đặc sắc trong kiến trúc chùa. Từ trước, chùa không có cổng tam quan, do đó cổng nhị quan được xem như là cổng chính của chùa, được xây dựng theo phong cách đặc biệt, độc đáo, có lẽ là cổng đặc biệt nhất so với các chùa Nam Bộ, cũng như cả nước.

Theo bài đã dẫn, cổng nhị quan tại chùa Giác Lâm được xây dựng, bỏ đi  phần “trung quan” trong cổng tam quan, tức bỏ lối đi lớn ở giữa. Trong thiết kế tam quan thì “trung quan” là lối vào chính, chỉ mở vào những ngày đại lễ và chỉ những người quan trọng đặc biệt mới được vào chùa bằng lối này. Khi thiết kế cổng nhị quan, bỏ hẳn phần cửa chính, điều đó ngầm thể hiện một sự phản kháng đặc biệt. Trong bối cảnh xã hội bấy giờ, đó là sự phản kháng lại sự áp bức, nô dịch dân tộc ta đối với chính quyền thực dân Pháp, cụ thể là những “quan Tây” khi đến chùa, không có cổng chính để vào, buộc phải đi bằng lối nhỏ hẹp hai bên như người dân bản xứ!

Theo phân tích của bài đã dẫn, sự phản kháng còn thâm thúy hơn khi tìm hiểu những dòng chữ Hán được chạm khắc trên bức bình phong phía sau cổng nhị quan này: “Ô Quang thái tử” và “Ô Minh thái tử”. Ô nghĩa là bóng tối. Minh/Quang nghĩa là ánh sáng. Ô Minh và Ô Quang có thể được hiểu như một biểu tượng nói về trời; cũng là sự thể hiện của ngày và đêm để chỉ Thiên (trời). Thái tử là biểu hiện của con trời. Như vậy “Ô Quang thái tử” và “Ô Minh thái tử” đều đồng nghĩa như thiên tử (tức con trời). Bình phong cao, chữ Hán khắc màu vàng nổi bật trên nền đỏ, đây là cửa cấm, ý nói cả con trời cũng không được đi bằng lối giữa này, nữa là…

Sự phản kháng “êm dịu” này là điều tế nhị, sâu sắc, dựa vào phong tục tập quán với kiêng kỵ trong tín ngưỡng dân gian “không trổ cửa chính vào thẳng nhà” (vì cho rằng quỷ thần thường đi theo đường thẳng) và bình phong lá chắn đó để trừ khử tà ma.

ĐNCT

.