Cửa sổ tri thức
Truyền thuyết trống cơm
* Nghe nói gần như mỗi nhạc cụ dân tộc Việt Nam đều có một truyền thuyết về xuất xứ rất độc đáo. Với trống cơm, có chuyện kể nào về loại trống có đính nắm cơm nếp nhỏ trên mặt trống này hay không? (Mỹ Hà, Sơn Trà, Đà Nẵng)
Múa "Trống cơm" ở Trường mầm non Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L |
- Trong sưu tập “điển hay tích lạ” trên Internet có khá nhiều trang web kể về sự tích ra đời của chiếc trống cơm.
Chuyện kể rằng, xưa có một nho sinh rất nghèo, thi mãi không đỗ đành phải đi xin ăn. Ngày ngày, khi chàng đi ngang nhà một phú hộ thì có một cô bé người ở chờ sẵn đem cho cơm trắng, canh ngon. Suốt năm trời đều đặn như thế, chàng nho sinh vô cùng cảm động nhưng không khỏi ngượng ngùng.
Một hôm, chàng tỏ lời cảm ơn cô bé, từ giã xin không nhận của cho nữa để sang làng khác kiếm ăn. Cô bé bảo việc làm của cô là vâng theo lời dạy của cô Hai, con gái của phú hộ, muốn cảm ơn thì hãy cảm ơn cô chủ. Chàng cảm động, yêu cầu xin gặp mặt cô chủ để tỏ lời cám ơn và từ giã. Gặp cô chủ - nàng rất xinh đẹp, chàng cúi đầu thi lễ thì nàng khoát tay: Chàng không phải cảm ơn đâu. Tôi giúp vì biết chàng lỡ vận và cảm thương người trong bước đường cùng mới ra nông nỗi, không lẽ làm trai mà chịu nhụt chí như vậy mãi sao?
Đoạn, nàng trao cho chàng một cái bọc bằng giấy, nói tiếp: Tôi xin tặng một số bạc và một cây thoa vàng để chàng tìm cách lập nghiệp. Bao giờ thành đạt, chàng về quê, lúc ấy...
Nàng thả lửng lời nói, quày quả bỏ đi. Chàng nhìn theo, vô cùng cảm động.
Theo lời nàng, chàng quyết tạo lấy một sự nghiệp, nhưng nghĩ mãi không ra. Đường công hầu danh tướng không có duyên phận thì phải chuyển sang một nghề gì đó, miễn đừng làm điều gì phi nghĩa. Suy nghĩ đắn đo, cuối cùng chàng chọn âm nhạc - một nghề được xếp trong 6 nghề ngày đó (lục nghệ gồm: lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số).
3 năm sau, chàng thành tài và đứng ra lập một ban nhạc, nóng lòng quay lại chốn xưa mong gặp mặt ân nhân. Khi vừa đến đầu ngõ thì hay tin người xưa đã qua đời vì bạo bệnh, gia đình nàng đang làm đám táng cho nàng. Vô cùng đau đớn, chàng muốn để tang cho nàng, muốn khóc kể với nàng một niềm riêng giấu kín bấy lâu, nhưng với một tâm thế sao cho đừng ai hay biết.
Chàng bèn xin phú hộ cho chàng được đưa phường nhạc của mình đến để tiễn đưa hương linh người đã khuất. Được thuận ý, chàng sáng tạo một cái trống nhỏ dài, hai mặt trống có đính hai nắm cơm nhỏ để nhắc lại kỷ niệm ngày xưa giữa chàng và nàng. Sợi dây vải màu trắng treo trống lên cổ là mảnh khăn tang chàng khóc thương nàng.
Lúc đưa nàng về nơi yên nghỉ cuối cùng, chàng quàng sợi dây vải lên cổ, để trống nằm ngang trước bụng, mười ngón tay lúc nhặt lúc khoan vỗ trên mặt trống, chừng như có tiếng khóc bi ai, thảm thiết: “Tình tang, tang tình! Tình tang, tang tình!...”.
Không ai biết đó là tiếng than kể bi ai, kín đáo của chàng đối với người con gái có một tâm hồn cao thượng mà mình đã để bụng yêu thương. Không ai hay đó là tiếng lòng nức nở của một nghệ sĩ trước sự tan vỡ mối tình đầu, mượn tiếng “trống cơm” để giãi bày nỗi niềm sâu kín.
Từ đó, trong dân gian xuất hiện nhạc cụ bộ gõ mới – trống cơm. Ngày nay, trong một số đám tang, người ta vẫn còn dùng trống cơm. Một vài làng quan họ ở tỉnh Bắc Ninh vẫn còn hát khúc dân ca “Trống cơm”.
Có điều, ngày nay không hẳn tất cả các loại trống cơm đều có đính cơm lên mặt trống. Như một vài nơi thuộc tỉnh Bắc Ninh (làng Đình Bảng, làng Phù Đổng chẳng hạn), nhạc công không bao giờ đính cơm trên mặt trống.
ĐNCT