Cửa sổ tri thức
Luật Hồi tỵ
* Tôi được biết các vua ngày xưa có ban hành Luật Hồi tỵ để ngăn ngừa các quan lợi dụng quyền chức để câu kết với người thân làm những điều sai trái pháp luật. Xin quý báo cho biết luật này ra đời từ bao giờ và có những điều khoản gì? (Hà Văn, Hải Châu, Đà Nẵng).
- Luật Hồi tỵ ra đời dưới triều vua Lê Thánh Tôn (ở ngôi từ 1460 - 1497) nhằm minh định việc bổ dụng đội ngũ quan lại phong kiến thời đó. Luật được hoàn thiện vào thời vua Minh Mạng (ở ngôi từ 1820 - 1841), và được các vua nhà Nguyễn tiếp tục được thực hiện sau đó.
Hồi tỵ là từ Hán Việt cổ, “hồi” là trở về; “tỵ” là lách ra. Hồi tỵ nghĩa là tránh ra, lánh đi. Luật Hồi tỵ là luật quy định chung các trường hợp những người thân (anh em, cha con, thầy trò, bạn bè cùng học, những người cùng quê,…) thì không được làm quan cùng một chỗ. Luật Hồi tỵ cũng được áp dụng nghiêm ngặt trong các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình.
Luật Hồi tỵ triều vua Lê Thánh Tôn gồm một số nội dung chính: (1) Không được bổ nhiệm một viên quan về cai trị tỉnh/huyện mà ông ta xuất thân từ đó; (2) Không được bổ nhiệm một viên quan tới nơi ông ta có người họ hàng tại nhiệm ở vị trí lãnh đạo; (3) Trong thời gian trị nhậm tại một tỉnh/huyện, viên quan không được cưới vợ, lấy thiếp là người của địa hạt đó; (4) Viên quan không được phép tại vị quá lâu ở cùng một địa phương hoặc cùng một viện, bộ chức năng.
Nội dung này cũng được quy định tại bộ Quốc triều Hình luật (nhà Hậu Lê), còn gọi là Luật Hồng Đức (một niên hiệu của vua Lê Thánh Tôn): “Quan lại không được lấy vợ, kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản; cũng như không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà ở nơi mình làm quan lớn, không được dùng người cùng quê làm người giúp việc”.
Luật Hồi tỵ, đến thời Minh Mạng, được áp dụng triệt để hơn, mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng và bổ sung những quy định mới với một số quy định cụ thể như sau:
- Quan lại ở các bộ, ở kinh đô và ở các tỉnh, huyện hễ có bố, con, anh em ruột, chú bác, cô dì cùng làm một chỗ đều phải đổi đi chỗ khác; trừ Viện Thái y là viện chuyên giữ việc thuốc men, chữa bệnh cần phải cha truyền con nối.
- Những quan lại, ai quê ở phủ, huyện nào thì cũng không được làm việc tại nha môn của phủ, huyện ấy.
- Quan lại ở các nha thuộc phủ, huyện ai là người cùng làng thì phải chuyển đi nha môn khác làm việc.
- Quan lại không được làm quan ở chính quê hương mình, quê vợ mình, thậm chí cả nơi đi học lúc còn trẻ.
- Người có quan hệ thông gia với nhau, thầy trò cũng không được làm quan cùng một chỗ.
- Khi thanh tra, thụ lý án, nếu trong đó có tình tiết liên quan đến người thân thì phải bẩm báo để triều đình cử người khác thay thế.
- Quan lại không được coi thi, chấm thi ở nơi nào có những người ruột thịt, thân quen ứng thi. Nếu có thì phải tâu trình thay người khác.
- Nghiêm cấm các quan đầu tỉnh không được đặt quan hệ giao du, kết thân, kết hôn với đàn bà, con gái nơi mình trị nhậm, cấm tậu nhà, tậu ruộng… trong địa hạt cai quản của mình…
Có thể nói, Luật Hồi tỵ là một chính sách đắc lực và quan trọng giúp các vị vua thời phong kiến không chỉ có thể quản lý và khống chế đội ngũ quan lại trong việc lạm dụng chức quyền, địa vị để kết bè kéo cánh, âm mưu chống lại triều đình mà còn có thể phòng ngừa, giám sát và quản lý nghiêm ngặt các quan lại nhằm ngăn chặn, hạn chế nạn tham nhũng, quan liêu, cát cứ, chạy theo lợi ích cục bộ, địa phương.
Luật Hồi tỵ đến nay vẫn còn tính thời sự, như nhận xét của tác giả Thanh Truyền trong bài viết “Từ Luật Hồi tỵ - nhìn về công tác cải cách hành chính hiện nay” đăng trên Báo Lâm Đồng ngày 15-1-2014: “Trong điều kiện nước ta hiện nay, với quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, thì việc nghiên cứu để ban hành những quy định có ý nghĩa như Luật Hồi tỵ là rất cần thiết. Luật này sẽ góp phần chống tham nhũng tận gốc, chống tiêu cực trong công tác cán bộ, làm trong sạch bộ máy Nhà nước, đảm bảo hiệu quả công việc thực sự “do dân, vì dân” vì “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” (Hồ Chí Minh)”.
ĐNCT