Ấu học ngũ ngôn thi

.

* Sách vỡ lòng cho trẻ con học chữ Nho ngày xưa, ngoài Tam tự kinh, Tam thiên tự, tôi nghe các cụ bảo còn có cuốn Ấu học ngũ ngôn thi. Xin quý báo giới thiệu về cuốn sách chép thơ năm chữ này. (Nguyễn Thành Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Trang đầu sách Ấu học ngũ ngôn thi (幼學五言詩) do NXB Liễu Văn Đường in năm Tự Đức mười sáu (1863), hiện lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.
Trang đầu sách Ấu học ngũ ngôn thi (幼學五言詩) do NXB Liễu Văn Đường in năm Tự Đức mười sáu (1863), hiện lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

- Ngày trước, sau khi dạy học trò cuốn Tam tự kinh (Kinh ba chữ), các thầy đồ thường cho học tiếp cuốn Ấu học ngũ ngôn thi (Thơ năm tiếng cho trẻ học). Toàn bộ cuốn sách gồm 278 câu thơ 5 chữ, nội dung khuyên các em chăm chỉ học hành để đỗ đạt cao và ra làm quan, hưởng vinh hoa phú quý.

Tất cả các bài thơ trong sách Ấu học ngũ ngôn thi đều có đầu đề là câu thơ đầu tiên của mỗi bài. Ví dụ bài có tựa “Thu cảnh kim tiêu bán” gồm có 4 câu như sau:

Thu cảnh kim tiêu bán,

Thiên cao nguyệt bội minh

Nam lâu thùy yến thưởng?

Ty trúc tấu thanh âm.

(Cảnh mùa thu đêm nay đã quá nửa,

Bầu trời như cao thêm, ánh trăng như sáng hơn bội phần.

Ai đó đang yến tiệc, thưởng trăng ở Nam lâu Vũ xương?

Tiếng tơ, tiếng trúc tấu lên khúc điệu thanh vắng).

Về xuất xứ của Ấu học ngũ ngôn thi, nhiều tài liệu cho rằng cuốn sách có gốc tích từ đời Tống bên Tàu, do một thiếu niên khoảng 8 tuổi sáng tác; về sau người này đỗ Trạng nguyên nên có thêm tên là Trạng nguyên thi (Thơ Trạng nguyên).

Ấu học ngũ ngôn thi không nằm trong danh mục sách của người Trung Hoa, nên nhiều người cho rằng tác giả cuốn sách là người Việt Nam, nhưng chưa xác định được thời gian và con người cụ thể. Tuy nhiên, trang dlib.vnu.edu.vn (Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội) mô tả Ấu học ngũ ngôn thi (Trạng nguyên thi) là sách do Uông Chu (Bắc Tống) soạn, được Nhà xuất bản Phúc Văn Đường (Hà Nội) in mộc bản năm 1863, ngôn ngữ Hán Nôm: “Sách có 35 trang, gồm các bài thơ viết theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt, dạy trẻ em các tri thức phổ thông về con người và giới tự nhiên. Phần chính văn bằng chữ Hán, bên cạnh dịch ra chữ Nôm”.

Về Ấu học ngũ ngôn thi, Tản Đà, nhà thơ tài hoa và đa cảm hồi đầu thế kỷ XX đã ghi lại trong Giấc mộng lớn câu chuyện học chữ Hán của ông như sau: “Năm mình lên năm tuổi, tức là năm Thành Thái thứ năm, ở Nam Định vỡ lòng học chữ Hán. Khi ấy đi học còn phải có người cõng, về nhà thì thích chơi chuồn chuồn.

Trong năm ấy học được một quyển Tam tự kinh, một quyển Ấu học ngũ ngôn thi và một phần Dương tiết. Trong ba quyển sách ấy, thích nhất là quyển Ấu học ngũ ngôn thi. Trong Ấu học ngũ ngôn thi thích nhất là hai câu “Hoa cù hồng phấn nữ, Tranh khán lục y lang” (Đường hoa, các cô gái đẹp tranh nhau xem mặt chàng áo xanh, những cô gái má hồng trên đường phố đông vui chỉ lo ngắm các chàng trai có khoa danh). Cái bệnh đa tình từ đấy, cái lòng mê khoa cử cũng từ đấy”.

Ngày trước, khi các chàng trai đỗ đạt mặc áo thụng xanh (lục y lang) là các em gái má hồng (hồng phấn nữ) đổ xô tranh nhau ra xem mặt. Thế mới biết, Ấu học ngũ ngôn thi đã để lại dấu ấn sâu sắc trong sự học của những nhà Nho ngày trước.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.
.