* Trong sân khấu Tuồng có 5 nghệ sĩ được phong là “Ngũ Mỹ Quảng Nam”, xin cho hỏi đây là 5 vị nào và hoạt động nghệ thuật của họ ra sao? (Tranquangvinh@...)
- Theo thông tin từ trang nhahattuongdanang.com (Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh), 5 nghệ sĩ Tuồng được triều đình nhà Nguyễn phong “Ngũ Mỹ” gồm 5 người sắm vai Tuồng giỏi nhất Quảng Nam ở từng lĩnh vực: Nguyễn Nho Túy (Đội Tảo) vai kép, Nguyễn Lai vai nịnh, Chánh Đệ vai tướng, Chánh Phẩm vai lão, Văn Phước Khôi vai hề…
Nhà hoạt động Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. (Ảnh do họa sĩ Hoàng Nguyên Ái phục hiện, trích sách Danh nhân Nguyễn Hiển Dĩnh, Nxb Sân khấu HN, 1996). |
Nghệ sĩ Nguyễn Nho Túy (1898-1977) còn gọi là Đội Tảo, hiệu là Hàm Quan, bí danh Thuần Chi, khi trẻ ông còn được gọi là Kép Thủ. Ông sinh tại xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là nơi nổi danh về tuồng Quảng Nam. Cha ông là Bốn Quảng, một kép hát trong cung đình triều Nguyễn. Ngay từ nhỏ ông đã yêu thích hát bội, có giọng hát tốt, học chơi đàn bầu.
13 tuổi, ông được cha dạy diễn tuồng. Năm 14 tuổi, ông đóng vai Hồ Nguyệt Cô trong vở Võ Tam Tư trảm Nguyệt Cô. 15 tuổi, ông vào trường hát Tuồng của Nguyễn Hiển Dĩnh, tham gia diễn các vai đào như đào chiến, đào trào, đào phiên... Năm 23 tuổi, ông đóng các vai kép, điêu luyện trong việc sử dụng đôi hia và ngọn giáo. Năm 28 tuổi, ông nhận bằng Phó ca của triều đình Huế. Với sự ham học hỏi và tìm tòi của mình, ông đã đóng thành công Địch Thanh, Đổng Kim Lân, Quan Công, Tạ Ngọc Lân, Ngạn Quang...
Nguyễn Nho Túy là một diễn viên xuất sắc, đã có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, phát triển sân khấu tuồng hiện đại.
Nghệ sĩ Nguyễn Lai, giới văn nghệ gọi thân mật là bác Sáu Lai, từ một anh nhắc Tuồng về sau trở thành một bậc thầy của nghệ thuật Tuồng. Ông rất thành công trong vai nịnh, một loại vai rất quen thuộc nhưng ít người ham đóng.
Ông sinh ngày 2-7-1902 tại làng An Quán, nay là xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình nhà nho. Ông nội, bác ruột và cha của ông đều làm quan dưới triều Nguyễn, nhưng các cụ đều từ quan để một lòng thờ phụng nghệ thuật Tuồng. Cha của ông-cụ Nguyễn Hiển Phồn từng làm Bang tá Hội An vài năm rồi đứng ra lập gánh hát Bầu Bang. Bác ruột ông là cụ Nguyễn Hiển Dĩnh làm đến chức quan Tuần phủ rồi về hưu, lập một trường hát ngay trong vườn, có thể xem là trường hát cố định đầu tiên ở Quảng Nam để dạy học trò và soạn tuồng.
Các nghệ sĩ Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Chánh Phẩm (Nguyễn Phẩm) đều được Nhà nước truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Người có công đào tạo nên đội ngũ nghệ sĩ Tuồng nổi tiếng, trong đó có “Ngũ Mỹ” là nhà hoạt động Tuồng lỗi lạc Nguyễn Hiển Dĩnh (1853-1926).
Theo trang web đã dẫn, Nguyễn Hiển Dĩnh còn được gọi là cụ “Tuần An Quán” bởi ông sinh ở làng An Quán (nay là xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) và làm quan đến chức Tuần vũ. Ông vừa là soạn giả đồng thời là thầy dạy nghệ thuật Tuồng ở Quảng Nam. Ông đã viết và soạn lại trên 20 vở tuồng, nội dung phản ánh chân thực xã hội nông thôn Việt Nam thời thực dân phong kiến, lời văn bình dị, ít từ Hán Việt, sử dụng thuần thục tục ngữ ca dao, thể hiện rõ tài năng châm biếm xã hội của tác giả.
Người đương thời đánh giá Nguyễn Hiển Dĩnh là người tạo dựng được phong cách nghệ thuật tuồng độc đáo, nhiều luận điểm về nghệ thuật tuồng truyền thống của ông được các thế hệ làm nghề chấp nhận và phát huy.
Thời kỳ làm Án sát tỉnh Quảng Trị, ông từng lập gánh hát. Chán ghét quan trường, ông xin nghỉ hưu khi mới 50 tuổi, về quê lập trường dạy nghề diễn tuồng đồng thời tổ chức biểu diễn và sáng tác. Ông đã đào tạo được nhiều diễn viên tuồng xuất sắc, trong đó có 5 học trò được triều đình nhà Nguyễn phong là “Ngũ Mỹ”.
ĐNCT