* Trong một lễ cúng cô hồn hôm tháng 7 âm lịch vừa rồi, tôi nghe trong bài văn tế có hai câu “Trên đến bậc vương hầu khanh tướng/ Dưới đến người sĩ cổ nông công”. Xin cho biết, từ “cổ” trong “sĩ cổ nông công” ở đây nghĩa là gì? (Nguyễn Hải Lý, Sơn Trà, Đà Nẵng).
Một cảnh buôn bán ở Hà Nội xưa. Nguồn: Internet |
- Hai câu trên nằm trong bài Văn tế Cô hồn, được lưu truyền ở nhiều chùa Phật giáo ở Việt Nam, nguyên văn đoạn đầu như sau:
“Từng nghe đạo cả, kỉnh thuật lời quê
Cõi giang sơn thủy lục ê hề
Nỗi hồn phách tử vong ngao ngán
Trên đến bậc vương hầu khanh tướng
Dưới đến người sĩ cổ nông công
Nào kẻ ti nào người tôn
Nào là nam, nào là nữ
Hoặc có kẻ buộc mình trong linh ngữ
Hoặc có người sẩy bước chốn sa trường
Hoặc sa hầm, sa mương
Hoặc trúng thang, trúng thuốc...”.
Sĩ cổ nông công là bốn loại nghề, sắp hạng thứ bậc sang hèn trong xã hội ngày xưa gồm: Nhất sĩ, nhì nông, tam công, tứ cổ (Nhất sĩ: hạng trí thức; nhì nông: người làm nghề nông; tam công: người làm thợ; tứ cổ: người buôn bán).
Cũng có tài liệu ghi “Nhất sĩ, nhì nông, tam công, tứ thương”. Bởi lẽ, nhà buôn hay thương nhân, trong tiếng Hán gọi là “thương cổ”[商賈] hoặc ngắn gọn hơn gọi là cổ [賈].
Từ điển Hán Việt của Thiều Chửu giảng rõ hơn: “Cửa hàng, tích hàng trong nhà cho khách đến mua gọi là cổ, như thương cổ [商賈] buôn bán, đem hàng đi bán gọi là thương [商], bán ngay ở nhà gọi là cổ [賈].
Sĩ nông công thương là bốn tầng lớp chính trong xã hội xưa dưới các triều đại quân chủ, còn gọi là tứ dân, nghĩa là 4 tầng lớp dân.
Tuy nhiên, nhiều tài liệu ghi “Nhất sĩ, nhì nông, tam công, tứ cổ” bởi âm điệu nghe thuận tai hơn (là tứ thương).
Dấu vết “tam công, tứ cổ” có thể tìm thấy trong bản Hương sử ca của làng Quảng Xá, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Bài thơ 164 câu song thất lục bát này mở đầu bằng hai câu giới thiệu hết sức kiêu hãnh: “Làng Quảng Xá là làng trù mật/Cách phong lưu văn vật ai tày”. Dân làng tự hào bởi quê mình có nhiều nghề: “Tuy muôn dặm nước non cách trở/ Đã thu lời khắc cả Tây Đông/ Bốn nghề nhất sĩ nhì nông/ Tam công tứ cổ đủ trong làng này”.
Một vài tài liệu ghi nhầm thành tứ cố (dấu sắc). Ví dụ: “Nhất sĩ nhì nông tam công tứ cố/ Làm giàu có số ăn cỗ có phần/ Có phúc thời mới có phần/ Một lần không chín chín lần không nên”.
Ở đây, từ cổ [賈] là buôn bán đã chép sai thành cố [顧] nghĩa là quay lại nhìn ngắm. Như trong thành ngữ “tứ cố vô thân” [四顧無親] nghĩa là “người đơn độc, không có ai thân thích”. Trong đó, tứ cố [四顧] nghĩa là ngắm kỹ cả bốn mặt.
ĐNCT