Tục thờ cúng và đặt bàn thờ thần Tài

.

* Qua chuyên mục Cửa sổ Tri thức trên Báo Đà Nẵng cuối tuần, kính nhờ quý báo giải thích giùm cho tôi biết: Tục thờ cúng và đặt bàn thờ thần Tài trong gia đình có mục đích, ý nghĩa gì? Thờ ai? Xuất xứ của việc thờ cúng đó. (Phan Thanh Chi, tổ 59 phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn).

- Theo dân gian, thần Tài là vị thần mang tài lộc cho gia đình. Ngày mùng 10 âm lịch hằng tháng được dân gian xem là ngày vía thần Tài.

Bài viết “Kỳ bí tục cho thần tài hưởng “nhũ hoa” cầu may mắn ở Hội An” đăng trên danviet.vn (Báo điện tử của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) ngày 12-1-2014 đã dẫn lời nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương nói về xuất xứ của việc thờ cúng thần Tài.

Theo đó, tục cúng thần Tài ở Hội An bắt đầu có từ thế kỷ XVII khi người Hoa Minh Hương bắt đầu đến đây lập nghiệp năm 1644. Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có trên 81% các hộ gia đình ở phố cổ Hội An thờ thần Tài. Đây là tục thờ tổ nghề của những người kinh doanh buôn bán, dịch vụ. Gia chủ thắp hương, lễ bái thần Tài cốt mong được làm ăn phát đạt.

Tục thờ thần tài nơi “xó xỉnh” của ngôi nhà xuất phát từ một tích xưa.

Thuở đó có một lái buôn tên Âu Minh khi qua hồ Thanh Thảo, được thủy thần ban cho một nô tì tên là Như Nguyệt. Âu Minh đưa Như Nguyệt về nuôi trong nhà, từ đó nhà Âu Minh làm ăn ngày càng phát đạt. Ngày tết nọ, vì một lý do vụn vặt nào đó, Âu Minh đánh Như Nguyệt. Như Nguyệt sợ quá chạy trốn, chui vào đống rác và biến mất. Từ đó gia cảnh Âu Minh sa sút, thua lỗ, không mấy chốc trở nên nghèo khó. Người ta tin cô gái kia là thần Tài nên lập bàn thờ thờ cô. Cũng từ đó có tục kiêng hốt rác trong ba ngày Tết, vì sợ “hốt” cả thần tài đi. Dân gian cho đó là nguyên nhân của việc lập bàn thờ thần Tài không đặt trên cao.

Về cách bài trí bàn thờ thần Tài, Báo Nghệ An ngày 25-2-2018 có hướng dẫn cụ thể qua bài “Bàn thờ Thần tài - cách bài trí sao cho đúng để hút tài lộc” cùng với hình minh họa như sau (có thể tra trực tuyến tại địa chỉ baonghean.vn):

Bài vị thần tài: Thường được thể hiện bằng chữ viết “Chiêu tài tiến bảo” hoặc hai bên thành của bàn thờ có viết câu đối “Thổ năng sinh bạch ngọc - Địa khả xuất hoàng kim” (Thổ hay sinh ngọc trắng - Đất cũng cho vàng ròng). Phía trước bài vị còn có một trăm thoi vàng giấy.

Lọ đựng hương thắp và lọ cắm hoa: Thường làm bằng sứ, cũng có thể bằng chất liệu đá xanh. Hoa dùng để thờ nên dùng hoa tươi, không nên dùng hoa khô.

Bát hương: Thường làm bằng ba chất liệu cơ bản là sứ, kim loại, đá (ngọc). Khi bốc bát hương cần để cơ thể sạch sẽ.

Sau khi bốc xong thì nhờ các bậc thạc đức minh sư khai quang hoặc mang lên chùa để trên ban đức ông khoảng một tuần thì mới mang về. Không được dùng khăn ướt để lau bàn thờ, vì bàn thờ mệnh Hỏa, mà Thủy khắc Hỏa, không tốt.

Đĩa đựng ba chén gạo, muối, nước, rượu: Phải làm mới khi thắp hương khấn vái thần tài. Có nơi dùng ba lọ đựng gạo, muối, nước chỉ đổ đi làm lễ tất niên, thức cúng thì thay bằng năm chén đựng nước (rượu) tượng trưng cho ngũ hành.

Cóc ba chân: Nên chọn một cái tô sứ thật đẹp, nông lòng, đổ đầy nước và ngắt những bông hoa trải trên mặt nước (làm Minh Đường Tụ Thủy) - một cách giữ tiền bạc khỏi trôi đi.

Để đón vận may tài chính, buổi sáng trước khi đi làm hay đi ra ngoài có thể quay đầu cóc ra phía ngoài, sau giờ đi làm về nhà quay đầu cóc vào trong bàn thờ vì nó chỉ ăn tiền nhưng không bài tiết. Tối về đến nhà là nhả tiền đã nuốt ra cho gia chủ.

Thờ thần Tài là một tín ngưỡng trong dân gian với niềm tin sẽ mang lại tiền bạc, của cải cho các gia chủ, nhưng không có nghĩa cứ thờ thần Tài thì sẽ tiền bạc rủng rỉnh, mà mỗi người phải nỗ lực làm việc, phấn đấu thì mới mong có tiền bạc, tài sản và cuộc sống đủ đầy như ý muốn.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.
.