Tú, kép, mền, đụp

.

* Xem qua một số thư tịch cổ, tôi thấy có mấy từ nói về đỗ Tú tài trong thi cử thời phong kiến như tú, kép, mền, đụp. Rất mong chuyên mục Cửa sổ Tri thức của Báo Đà Nẵng cuối tuần nói rõ hơn về các từ này. Trong lịch sử khoa bảng nước ta, có các vị nào đỗ Tú tài nhiều lần? (Trần Mỹ Nữ, Thanh Khê, Đà Nẵng).

Mộ Trần Tế Xương, người 8 lần đỗ Tú tài, ở thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Ảnh: V.T.L
Mộ Trần Tế Xương, người 8 lần đỗ Tú tài, ở thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Ảnh: V.T.L

- Tú, kép, mền, đụp là tên gọi dân gian chỉ các lần đỗ Tú tài trong khoa bảng nước ta thời phong kiến. Để hiểu các tên gọi này, hãy bắt đầu bằng lệ thi Hương ngày trước.

Khoa thi Hương ở nước ta được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1396 đời Trần Thuận Tông. Thi Hương được tổ chức tại các trường (“Hương” có nghĩa là quê hương của người thi), nhưng không phải tỉnh nào cũng được tổ chức. Trường thi chia ra làm nhiều vùng. Ba bốn trấn hoặc tỉnh cùng thi ở một nơi, thí dụ trường Nam là tập trung thí sinh ở các tỉnh chung quanh Nam Định, trường Hà tập trung thí sinh các tỉnh chung quanh Hà Nội...

Các đời vua Lê Thái Tông (1434-1439), Lê Nhân Tông (1443-1453), quy định thi Hương có 4 kỳ, gọi là bốn trường. Kỳ 1: kinh nghĩa, thư nghĩa; Kỳ 2: chiếu, chế, biểu; Kỳ 3: thơ phú; Kỳ 4: văn sách.

Nếu thi qua cả bốn kỳ thì được đỗ Hương cống (sau năm 1828 gọi là Cử nhân). Ông Cống, ông Cử được bổ dụng làm quan ở các cơ quan cấp tỉnh, cấp trung ương, hoặc được đi làm quan các huyện, sau dần dần mới lên các chức vụ cao hơn.

Nếu chỉ thi qua được 3 kỳ thì đỗ Sinh đồ (sau năm 1828 gọi là Tú tài), dân gian gọi ông Đồ, ông Tú có nguồn gốc từ đó. Tuy có tiếng thi đỗ nhưng các ông Đồ, ông Tú này thường không được bổ dụng ra làm quan. Nhiều người đi thi lại nhiều lần để cố đạt cho được học vị Cử nhân. Bởi theo lệ thường, những người đỗ Tú tài phải thi Hương lại cho đến khi nào đỗ Cử nhân mới được vào thi Hội. Vì thế, mới có những vị Tú Kép hay “ông Kép” (đỗ 2 khoa Tú tài), Tú Mền hay “ông Mền” (đỗ 3 khoa Tú tài), Tú Đụp hay “ông Đụp” (đỗ 4 khoa Tú tài).

Ở nước ta có nhà thơ Trần Tế Xương (1870-1907) người làng Vị Hoàng, thành phố Nam Định, đi thi trước sau 8 khoa nhưng vẫn chỉ đỗ Tú tài. Dân gian chỉ gọi tới mức 4 lần đỗ Tú tài là Tú Đụp, với nhà thơ Thành Nam đỗ 8 lần Tú tài, dân gian không biết gọi thế nào, chỉ đơn giản gọi là “Tú Xương”.

Dưới Tú Xương một bậc là người đồng hương Nam Định với ông, ông Đặng Viết Hòe đỗ 7 lần Tú tài, người làng Hành Thiện, nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông Hòe đỗ đến 3 lần Tú tài thì được dân làng gọi là “Mền Hòe”, ở nhà dạy con mình là Đặng Xuân Bảng và tiếp tục đi thi mấy khoa nữa.

Xuân Bảng đỗ Tú tài năm 18 tuổi (năm 1846), đến khoa thi sau lại đỗ Tú tài một lần nữa, người đời gọi ông là “Kép Bảng”. Đến năm 22 tuổi, triều vua Tự Đức, ông đỗ Cử nhân, được bổ làm Giáo thụ phủ Ninh Giang (Hải Dương). Khoa thi Bính Thìn 1856, Xuân Bảng 28 tuổi, vào Huế thi Hội và đỗ Tiến sĩ, đỗ thứ nhì khoa ấy. Văn sách bài thi của ông lẽ ra đáng đỗ Hoàng giáp, nhưng cuối bài có câu can vua về thanh sắc tuần du khiến vua không ưng, hạ mức đỗ xuống đầu tam giáp Tiến sĩ.

Khi vào lĩnh mũ áo, dự yến tiệc xong, vua hỏi “Người ở nhà học ai?”, Xuân Bảng bẩm: “Tâu bệ hạ, từ thuở bé đến lớn, hạ thần chỉ học cha ở nhà thôi”. “Cha ngươi đỗ gì?”. “Tâu bệ hạ, cha hạ thần đỗ bảy khoa Tú tài”. Vua liền ban cho bốn chữ “Giáo tử đăng khoa” (Cha dạy con thi đỗ Đại khoa). Như thế cũng đủ an ủi phần nào cho người cha 7 lần đỗ Tú tài!

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.