Khác biệt giữa vi khuẩn và virus

.

* Tôi nôm na hiểu rằng virus nguy hiểm hơn vi khuẩn nhưng chưa biết tường tận về hai loại “vi” gây nên dịch bệnh này. Xin quý báo giải thích. (Trần Mỹ Nữ, Thanh Khê, Đà Nẵng).

- Khác biệt đầu tiên giữa hai loại “vi” này là về tên gọi.

Vi khuẩn [微菌] là cách gọi Hán Nôm của bacterium (số nhiều là bacteria) - từ gốc tiếng Anh và tiếng Latinh chỉ một nhóm (giới hoặc vực) vi sinh vật nhân sơ đơn bào có kích thước rất nhỏ; một số thuộc loại ký sinh trùng. Vi khuẩn còn được gọi là vi trùng. Chữ trùng tương đương với chữ khuẩn trong các cụm từ chỉ phân loại hình thái như: “Tụ cầu trùng” = “tụ cầu khuẩn”; “trực trùng” = “trực khuẩn”…

Hình ảnh SARS-CoV-2 gây nên Covid-19 (ảnh trái) và vi khuẩn E.coli gây nên bệnh tiêu chảy. Nguồn: Internet
Hình ảnh SARS-CoV-2 gây nên Covid-19 (ảnh trái) và vi khuẩn E.coli gây nên bệnh tiêu chảy. Nguồn: Internet

Virus - từ gốc tiếng Pháp (trong bài này chúng tôi thống nhất dùng từ virus) là một tác nhân truyền nhiễm chỉ nhân lên được khi ở bên trong tế bào sống của một sinh vật khác. Virus còn được gọi là siêu vi, siêu vi khuẩn hay siêu vi trùng. Chính cách gọi này làm nhiều người nhầm lẫn rằng “vi” trong virus và “vi” trong siêu vi, vi khuẩn, vi trùng có “họ hàng” với nhau.

Giữa vi khuẩn và virus, về mặt kích cỡ, nguồn gốc và tác hại lên cơ thể người có sự khác biệt cơ bản.
Virus là dạng sống nhỏ nhất và đơn giản nhất; chúng nhỏ hơn vi khuẩn từ 10 tới 100 lần. Vi khuẩn là sinh vật đơn bào sống cả bên trong lẫn bên ngoài tế bào khác. Chúng có thể tồn tại mà không cần tới tế bào túc chủ. Còn virus, chỉ có thể ký sinh nội bào, nghĩa là chúng xâm nhập vào tế bào chủ và sống bên trong tế bào. Virus thay đổi vật liệu di truyền của tế bào chủ để khiến chúng (tế bào chủ) không hoạt động bình thường và để virus tự nhân lên.

Virus và vi khuẩn có sự khác biệt trong sinh sản.

Virus cần tới một vật chủ sống (thực vật hay động vật) để nhân lên, trong khi hầu hết vi khuẩn có thể phát triển trên những bề mặt không có sự sống.

Vi khuẩn có đủ bào quan (thành phần cấu trúc hợp thành tế bào) để phát triển và nhân lên và thường sinh sản vô tính.

Ngược lại, virus thường chỉ chứa thông tin - DNA hoặc RNA, bao quanh bởi lớp vỏ protein. Chúng cần bào quan của tế bào chủ để sản sinh. Phần “chân” của virus sẽ bám vào bề mặt tế bào và rồi vật liệu di truyền bên trong virus sẽ được truyền vào tế bào. Nói cách khác, virus không thực sự “sống”, chỉ cơ bản là thông tin (DNA hay RNA) trôi nổi cho tới khi chúng gặp vật chủ phù hợp.

Vi khuẩn là sinh vật sống nên có thể sử dụng cả vắc-xin và kháng sinh để phòng ngừa và tiêu diệt.
Virus, về cơ bản, không phải sinh vật sống, bởi chúng cơ bản ở trong tình trạng “ngủ đông”. Khi virus xâm nhập vào cơ thể người, nó sẽ bị hệ miễn dịch tiêu diệt nếu bị nhận diện là kẻ xâm nhập trước khi tiếp xúc được với một tế bào. Nếu không bị tiêu diệt, quá trình lây nhiễm sẽ bắt đầu. Khi đó, virus chỉ hoạt động nhờ DNA hoặc RNA nên rất khó bị nhận diện. Dùng kháng sinh diệt virus cũng sẽ diệt luôn tế bào chủ.

Vì vậy, để tiêu diệt virus, người ta sử dụng các thuốc kháng virus, chứ không phải thuốc kháng sinh. Tiêm vaccine là cách phòng, chống virus tốt nhất.

Theo bài viết “Bác bỏ 15 hiểu lầm về virus SARS-CoV-2 và bệnh Covid-19” đăng trên Báo điện tử Dân trí (dantri.com.vn), thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng với vi khuẩn, chứ không có tác dụng với virus. Mà SARS-CoV-2 là một loại virus. Tuy nhiên nếu bạn phải nhập viện do Covid-19 gây ra bởi SARS-CoV-2 thì bạn vẫn có thể phải dùng thuốc kháng sinh để điều trị các tình huống nhiễm trùng do vi khuẩn.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.