Hồ sơ tên đường

Nguyễn Đăng Tuyển là ai?

13:35, 24/05/2013 (GMT+7)

Một người bạn quê ở Đại Lộc (Quảng Nam) hôm lễ hội pháo hoa 2013 có đưa vợ con về Đà Nẵng chơi. Là chỗ bạn bè lâu ngày mới gặp nên tôi cùng gia đình anh đi tham quan một số nơi. Lúc đi trên đường Nguyễn Đăng Tuyển, nằm trên địa bàn quận Sơn Trà, đoạn từ đường Phan Văn Hớn đến giáp đường Nguyễn Trực, chiều dài khoảng 350m, thì bất ngờ anh bạn thắc mắc hỏi: đường Nguyễn Đăng Tuyển hay Đỗ Đăng Tuyển?

Theo suy luận của bạn tôi, vùng đất Quảng Nam-Đà Nẵng có một danh nhân khá nổi tiếng là Đỗ Đăng Tuyển (1856-1911), ông là một nhà nho yêu nước còn gọi là Đỗ Đăng Cát, biệt hiệu Hy Đào, bí danh hoạt động là Sơn Tẩu, thường gọi là cụ Ô Gia. Ông là đồng chí nhiệt tình của Sào Nam Phan Bội Châu, quê quán làng Ô Gia, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Năm 1882 ông ra làm quan, sau đó tham gia phong trào Cần Vương...

Vậy còn Nguyễn Đăng Tuyển là ai?

Để trả lời cho câu hỏi của bạn, chúng tôi đi tìm hiểu và được biết: Có đến 2 người mang tên Nguyễn Đăng Tuyển.

1- Nguyễn Đăng Tuyển (1795-1880) là nhà văn, người tỉnh Bắc Ninh. Theo Từ điển Văn học Việt Nam, (NXB Giáo dục, 1999 - Chủ biên Lại Nguyên Ân) ông hiệu là Tiên Phong và Mộng Liên Đình; quê gốc ở làng Hoài Thượng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh; ông nội tên là Vỹ, đỗ Tiến sĩ triều Bảo Thái (1720 - 1729) đời Lê, làm quan tới hàm Thiếu bảo, tước Kế Thiện hầu; cha tên là Chiểu, đỗ Hương cống, làm quan đến Hồng lô Tự khanh, cuối thời Lê tránh loạn đến làm nhà ở Sơn Tây.

Nguyễn Đăng Tuyển từng đỗ Tú tài, được bổ làm Giám sinh ở Quốc tử giám. Năm Minh Mệnh thứ 17 (1836) làm Hậu bổ ở tỉnh Tuyên Quang, rồi Tri huyện Vị Xuyên, sau chuyển vào Kinh làm Chủ sự ở Bộ Hộ, thăng Thừa chỉ, Thị độc. Theo Đại nam chính biên liệt truyện (tập II, Q.33), Đăng Tuyển “vì văn học được vua biết đến”. Năm Tự Đức thứ 1 (1848) thường được ứng chế thơ văn (tức là dự các kỳ thi do vua chủ trì), lại soạn các quyển Đào hoa mộng ký, Nam thi quốc phong dâng lên vua xem, được chuyển làm trước tác, sung chức Biên tu Sử quán. Năm 1856, được bổ Tri phủ Thuận Thành rồi xin nghỉ hưu. Tuy đã về hưu, ông vẫn được vua cho người thăm hỏi, lại được mời làm vịnh sử ca. Vào dịp “ngũ tuần đại khánh” (vua Tự Đức tròn 50 tuổi) ông dâng thơ tụng, được vua ban thưởng. Tác phẩm của ông có: Sử ca (dày 500 trang, thể thơ lục bát); Quốc phong thi diễn ca; Yên đài anh ngữ; Đào hoa mộng ký; Hội chân ký; Đào hoa mộng…

2- Nguyễn Đăng Tuyển là nhà nho, người Bình Định. Ông quê làng Chánh Trực, tổng Hòa Lạc, huyện Phù Mỹ, sau dời đến làng An Lương (nay thuộc thôn An Lương, xã Mỹ Chánh), đỗ Giải nguyên (thủ khoa) khoa Ất Mão, năm Tự Đức thứ tám. Ông xuất thân bần hàn nhưng có chí hiếu học, khí tiết thanh bạch.

Vào những năm đầu thời Tự Đức, triều đình tuyển dân binh, bọn hào lý địa phương bắt ông đầu lính, nhưng vì sự học đã thông nên ông cùng cụ thân sinh lánh vào đất Kiến Hàng, thuộc phủ An Nhơn. Vốn thông minh, lại thêm học lực dồi dào, vài năm sau, ông đỗ thủ khoa kỳ thi Hương và được bổ làm Tri huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi). Sau ông được thuyên chuyển làm Tri phủ Tuy Phước. Trong cuộc đời làm quan của mình có năm ông làm Chánh chủ khảo trường thi Nghệ An.

Cả cuộc đời Nguyễn Đăng Tuyển thanh liêm, tiết dục, làm quan thì để việc dân lên đầu, học vấn thì lấy sự thấu đáo kinh sử làm trọng. Đến lúc hồi hưu, ông vui thú điền viên, ở nhà mở trường dạy học trò, môn sinh ngày một đông. Ông là tấm gương sáng của đức chuyên cần, hiếu học, dốc lòng lo việc dân, việc nước, giữ mình trong sạch, khí tiết của ông là mẫu mực cho con cháu đời sau.

Vậy có thể nói rằng với 2 người mang tên Nguyễn Đăng Tuyển này, ai cũng xứng danh được đặt tên đường.

Nguyễn Đăng Tuyển được đặt tên đường là nhà văn người Bắc Ninh

Theo Nghị quyết số 21/2011/NQ-HĐND ngày 23-12-2011 của HĐND thành phố Đà Nẵng về việc đặt, đổi tên một số đường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2011 thì đường Nguyễn Đăng Tuyển ở khu dân cư đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc được đặt theo tên nhà văn Nguyễn Đăng Tuyển (1795 - 1880) người tỉnh Bắc Ninh.

Theo ông Trần Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, thành viên Hội đồng Tư vấn đặt, đổi tên đường và công trình công cộng thành phố Đà Nẵng, trường hợp hai người có tên họ giống nhau thì sẽ chọn một người đặt tên đường để tránh sự nhầm lẫn. Trong trường hợp này, nhà văn người Bắc Ninh Nguyễn Đăng Tuyển được chọn.

Cũng theo ông Thanh, trước đây, đã có trường hợp hai người cùng có tên là Đỗ Quang. Một Đỗ Quang (1807-1866) người Hải Dương, làm quan trải ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, từng được triều đình cử vào Nam giữ chức Thự Tuần phủ Gia Định để hiệp cùng quan quân đối phó với thực dân Pháp, sau khi thành Gia Định thất thủ. Một Đỗ Quang quê ở Quế Sơn, Quảng Nam; tháng 9-1927, làm Bí thư chi hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Đà Nẵng. Trong trường hợp này, ông Đỗ Quang quê Quế Sơn được chọn.

LÊ GIA LỘC

PHƯƠNG UYÊN

.