Hồ sơ tên đường

Vũ Duy Đoán một đời cương trực

14:33, 10/05/2013 (GMT+7)

Vũ Duy Đoán người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc Bình Giang, Hải Dương) là một người cứng cỏi, trung thực và khảng khái nổi tiếng thời Lê - Trịnh.

Đường Vũ Duy Đoán thuộc khu dân cư Nam Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn.      Ảnh: M.N
Đường Vũ Duy Đoán thuộc khu dân cư Nam Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: M.N

Cha là tiến sĩ, nhưng Vũ Duy Đoán lúc nhỏ lại tối dạ, học cả ngày vẫn không nhét được một chữ nào vào bụng. Tương truyền, ông đang dự định bỏ học chữ đi học nghề thì đêm nọ, nằm mộng thấy có vị thần cầm dao mổ bụng mình, nạo bỏ những chất vẩn đục đi. Sáng ra thấy bụng vẫn đau nhưng từ đó ông trở nên minh mẫn, học hành tiến bộ, dần trở thành người nổi tiếng về văn chương.

Năm 1664, ông thi Hương đỗ Giải nguyên, rồi thi Hội đỗ Tiến sĩ. Được chúa Trịnh Tạc chú ý, ưu đãi vượt bậc nên không lâu sau ông làm đến chức Thượng thư Bộ Công. Ông dâng quyển Kim giám lục để khuyên chúa Trịnh nên ngay thẳng để làm tốt phong tục, không nghe gièm pha. Trịnh Tạc khen hay, khen ông là bầy tôi ngay thẳng.

Thời Lê Gia Tông (1672-1675), ông đón tiếp sứ nhà Thanh, dọc đường từ sông Nhị về tới cửa điện, ông ứng đối rất nhanh qua hơn 20 bài thơ xướng họa với khách nên sứ nhà Thanh rất phục.

Trong bộ Việt sử giai thoại (NXB Giáo dục 2003), tác giả Nguyễn Khắc Thuần có dẫn lại sách Công dư tiệp ký (quyển 1) chép chuyện 2 lần ông can ngăn chúa Trịnh Căn (1862-1709).

Lần thứ nhất, ông can ngăn chúa chớ nên say đắm với thú chọi gà mà bỏ bê việc triều chính. Trong cung cấm lúc đó thường có các cuộc chọi gà. Lần nọ bắt gặp một viên quan đi lùng mua gà chọi hay đem về hiến chúa, ông tỏ vẻ giận dữ, mắng: Khi còn là Thế tử, chúa chỉ biết có mình ta chớ đâu có biết bọn chúng mày, vậy mà nay chúng mày dám bày trò vui chơi để làm cho chúa bị mê hoặc hay sao?! Nói rồi, ông liền giằng lấy con gà chọi, bẻ cổ cho nó chết tươi. Viên quan vội chạy vào cung tâu bày sự việc nhưng chúa lẳng lặng, không nói gì cả. Từ đấy về sau, thú vui chọi gà ở trong cung cũng chẳng còn nữa. Lần thứ hai, ông can ngăn chúa về việc sắp đặt thứ bậc của quan lại, trong đó có ông. Lần đó, ông được cử đi công cán lên Cao Bằng, cùng đoàn có viên hoạn quan Hán Quận Công. Dù chỉ là một thái giám nhưng được chúa ưu ái nên trong danh sách tên y được viết trên tên Thượng thư Vũ Duy Đoán. Ông rất bất bình, công khai tỏ thái độ trước mặt bá quan. Các quan cũng tỏ ý không hài lòng với quyết định của chúa; ngự sử Vũ Công Đạo cũng đập đầu vào cột không chịu cầm bút viết lệnh theo sự sắp đặt của chúa Trịnh.

Chúa Trịnh nghe vậy nổi giận bãi chức cả hai người, Vũ Duy Đoán bị đuổi về quê làm dân. Sau đó chúa còn cho người đến thu lại tất cả những thứ đã ban cho ông. Ông đem trả hết, riêng đạo sắc về khoa tự và tấm biển gỗ đề hai chữ “Tiến sĩ” thì ông không chịu nộp. Viên quan phụng sai cứ đòi mãi, ông bèn nói: “Các đạo sắc kia chúa ban cho tôi, tôi xin hoàn cả. Còn đạo khoa tự và tấm biển này là do tài học của tôi mà có nên không dám nộp”. Viên quan phụng sai đành phải về.

Nguyễn Khắc Thuần có lời bàn (theo sđd): “Hai lần can ngăn như thế hẳn nhiên chưa phải đã là nhiều, nhưng xét cho kỹ thì chỉ cần hai lần ấy cũng đủ thấy Vũ Duy Đoán là người cương trực biết ngần nào”.

Sau khi từ quan, Vũ Duy Đoán vui thú điền viên, không để ý đến việc chính trị mà dành thời gian sáng tác thơ văn, viết sách. Ông có làm bài phú Phạm Lãi đi chơi Ngũ Hồ, viết sách chữ Nôm với các cuốn Nông gia khảo tích, Phong cảnh Mộ Trạch, Dị văn ký... được người đời khen ngợi.

Cho đến cuối đời, Vũ Duy Đoán vẫn một mực giữ vẹn tính cương trực khảng khái. Ông mất năm 64 tuổi, không rõ năm nào.

Thành phố Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 170m, rộng 7,5m, từ đường 15m đang thi công đến đường Nguyễn Đình Trân ở khu dân cư Nam Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, theo Nghị quyết số 107/2010/NQ-HĐND ngày 3-12-2010 về Đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC

.