.

Trần Đức Thông - Anh hùng giữ đảo

.

Ngày 14-3-1988, Trần Đức Thông anh dũng hy sinh tại bãi đá Gạc Ma trong hải chiến Trường Sa chống Trung Quốc. Lúc đó ông là Trung tá, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, chỉ huy cao nhất của Việt Nam trong trận đánh không cân sức này.

Đường Trần Đức Thông. Ảnh: L.G.L
Đường Trần Đức Thông. Ảnh: L.G.L

Trần Đức Thông sinh năm 1944 tại xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ngày 7-4-1962, ông nhập ngũ, trực tiếp tham gia chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ với nhiều vị trí, từ anh thợ sửa chữa pháo cho đến trạm trưởng trạm sửa pháo rồi trợ lý tác chiến cấp trung đoàn. Về sau, ông đi học trung cấp ở trường Phòng không, được phân về đơn vị bảo vệ Trường Sa. Tại đây, ông từng công tác tại các đảo Sơn Ca (1982 - 1984), Nam Yết (1984 - 1987); từng được bầu làm Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa.

Lính đảo ngày đó 18 tháng mới về phép được một lần. Nhà tận Hà Nam, việc đi lại còn khó khăn nên hơn một tháng phép thì ông đã mất gần chục ngày đi về giữa Trường Sa và Hà Nam. Mồng 2 Tết Mậu Thìn, nhằm ngày 18-2-1988, khi còn nửa tháng mới hết phép thì ông nhận được lệnh phải vào Nha Trang gấp. Ngày 29-2 ông chia tay vợ con lên đường. Lúc này tình hình Biển Đông đang căng thẳng, Trung Quốc dần lấn chiếm một số đảo và bãi đá ở quần đảo Trường Sa. Ngày 2-3, ông lên tàu ra đảo với nhiệm vụ chỉ huy lực lượng đóng giữ các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao (thuộc cụm đảo Sinh Tồn).

Theo tàu HQ-604 đến vùng biển Gạc Ma đúng vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 13-3, ông tức tốc tổ chức lực lượng đi khảo sát, xác định vị trí cắm cờ, dựng nhà. 4 giờ sáng hôm sau, khi ông đang chỉ huy bộ đội bốc dỡ vật liệu từ tàu lên đảo thì phát hiện 4 tàu của Trung Quốc đang lao đến dùng xuồng máy đổ quân lên đảo hòng nhổ cờ và chiếm đảo. Báo cáo về sở chỉ huy, ông xác định quyết tâm “dù địch vây ép, dù mất tàu, chúng tôi quyết không lùi”. Ông ra lệnh cho Thiếu úy Trần Văn Phương cùng 2 chiến sĩ Nguyễn Văn Tư và Nguyễn Văn Lanh dùng xuồng máy cơ động tiến vào bãi cạn đảo Gạc Ma bảo vệ cờ Tổ quốc.

Khi thấy ta cho lực lượng lên bảo vệ cờ, quân Trung Quốc đã cho nã đạn vào các chiến sĩ ta đang bảo vệ đảo. Thiếu úy Trần Văn Phương bị trúng đạn ngã xuống, lập tức chiến sĩ Nguyễn Văn Lanh lao đến giữ vững lá cờ. Địch vội tăng cường thêm lính và tiếp tục nã đạn. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội ta chống trả quyết liệt. Thấy vậy, tàu địch dùng pháo 100mm bắn cấp tập khiến tàu HQ-604 chìm xuống biển. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, Trung tá Trần Đức Thông và nhiều cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và anh dũng hy sinh.

Ông lập gia đình với Nguyễn Thị Seo năm 1971. Tuy cuộc hôn nhân kéo dài 17 năm đến khi ông hy sinh, nhưng do ông thường xuyên phải ra đảo nên thời gian thực tế hai vợ chồng ở bên nhau chỉ chưa đầy một năm. Hai ông bà có một con gái và một con trai. Sau khi ông hy sinh, bà ở vậy nuôi hai con đến khi qua đời năm 2005.

Con gái ông, chị Trần Thị Thu Hà, mỗi lần nghe câu hát “Không xa đâu Trường Sa ơi…” là nước mắt lại rưng rưng. Chị kể, trước khi hy sinh bố chị đã ăn một cái Tết cuối cùng chưa trọn vẹn với ba mẹ con. Cả nhà không hề nghĩ rằng ông hy sinh vì đang là thời bình. Ông bị thương hai lần, tưởng chết, rồi ông lại trở về. Điều lạ lùng là đến gần một tháng sau ngày bố chị mất, gia đình vẫn nhận được thư của ông gửi về. Sau này mới hay là trước khi ra đảo làm nhiệm vụ, ông đã viết sẵn một xấp thư để lại đất liền, dặn một đồng đội là cứ cách dăm ba ngày lại điền ngày tháng vào thư để gửi về ba mẹ con chị...

Hơn một năm sau, ngày 13-12-1989, liệt sĩ Trần Đức Thông đã được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Thương bố, con trai, con gái có lần cất công đi tìm ông giữa mênh mông biển khơi nhưng nào có gặp. Ông đã cùng đồng đội vĩnh viễn nằm lại giữa ngàn trùng sóng bủa và linh hồn họ còn đâu đó nơi đảo xa ngày đêm canh giữ đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Xã Minh Hòa quê hương ông có 3 trường học mang tên ông: mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở. Trường THCS này là nơi ông từng theo học, trước có tên Minh Hòa, từ tháng 9 năm 2010 đã được đổi tên thành trường THCS Trần Đức Thông.

Ở Đà Nẵng, tên ông được đặt cho con đường dài 390m, rộng 5,5m, từ đường Lê Bôi đến đường 5,5m đang thi công, thuộc khu dân cư An Cư 5 và khu dân cư Mân Thái 2 mở rộng, quận Sơn Trà, theo Nghị quyết số 24/2012/NQ-HĐND ngày 4-7-2012 về Đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC
 

;
.
.
.
.
.