Mồng 5 Tết Kỷ Dậu 225 năm trước, Quang Trung - Nguyễn Huệ dẫn đoàn quân chiến thắng vào Thăng Long mở hội khải hoàn sau khi tiêu diệt 20 vạn quân Thanh trong thời gian kỷ lục: chỉ 5 ngày.
Tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ tại Công viên Văn hóa Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: V.T.L |
Nguyễn Huệ (1753-1792), còn được biết đến với các danh xưng Quang Trung Hoàng đế, vua Quang Trung hay Bắc Bình Vương. Ông là vị hoàng đế thứ hai của nhà Tây Sơn (ở ngôi từ 1788 tới 1792) sau Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc.
Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ của Việt Nam được cho là kết hợp giữa thiên tài quân sự của Napoléon Bonaparte người Pháp và chính trị gia lỗi lạc của George Washington người Mỹ. Từ khi làm tướng đến khi mất, ông chưa hề biết chiến bại là gì. Ông quan điểm “Binh lính cốt hòa thuận chứ không cốt đông, cốt tinh nhuệ chứ không cốt nhiều”, ông tổ chức một đội binh hùng mạnh. Ông xông pha trận mạc khắp các chiến trường, vào Nam bốn lần bạt thành Gia Định, ra Bắc ba lần vào Thăng Long; thắng chúa Nguyễn, diệt chúa Trịnh, đánh bại quân Xiêm La, phá tan quân Mãn Thanh...
Những trang sử Việt suốt 4 nghìn năm đã được viết bằng máu và nước mắt. Hàng hàng lớp lớp con dân Việt đã nằm xuống để Tổ quốc lớn lên bền vững bên bờ Biển Đông. Quân xâm lược phương Bắc đã nhiều phen bị đẩy lui bởi chí quật cường của con dân Đại Việt và thiên tài quân sự của những vị anh hùng dân tộc như Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Huệ… Rất nhiều chiến thắng oai hùng đã bẻ gãy âm mưu thôn tính Đại Việt của giặc phương Bắc nhưng chiến thắng Đống Đa của vua Quang Trung được giới nghiên cứu lịch sử cho là trận đánh kiêu hùng nhất, vẻ vang nhất với thời gian kỷ lục - 5 ngày đã tiêu diệt 20 vạn quân Thanh, làm cho quân Tàu hồn tiêu phách tán!
Về chiến thắng vang dội này, tờ Đông Tây nhật báo số 144 ra ngày 27-2-1939 (nhằm ngày 9-1 năm Kỷ Mão) đã mô tả trong bài viết Mồng 5 Tết, một ngày oanh liệt nhất của lịch sử ta như sau:
“Mỗi năm, ngày mùng 5 tháng Giêng, dân Hà Thành lại đổ xô xuống gò Đống Đa kỷ niệm giỗ Trận. Đó là cái tục đặc biệt của dân Bắc Hà. Tàu điện hôm ấy phải mắc nhiều toa, thêm nhiều chuyến mà vẫn không sao nêm hết thiện nam tín nữ thập phương. Cứ trông cái vẻ sầm uất ngày nay, đủ tưởng tượng thấy khi mới kỷ niệm giỗ Trận, quốc dân hoan hô cảm phục biết nhường nào!
Mà cứ trông cái gò xương lù lù như núi kia, tài nào quốc dân không cảm phục cái võ công đệ nhất của đức Nã Phá Luân Việt Nam cho được! (Ý tác giả xem Quang Trung như là một Napoléon Bonaparte của Việt Nam - NV).
Người ta đều biết vua Quang Trung chỉ đánh có một trận ở Đông Quan (tức Đông Kinh - Hà Nội) mà giết tan sạch hai mươi vạn quân Tôn Sĩ Nghị (Tàu) hôm mồng 4 Tết, rồi ngày mồng 5 mới nhặt hết xác quân Tàu, chất vào một hố lớn, phủ đất lên trên, tạo thành cái gò Đống Đa bây giờ.
Gò Đống Đa, chẳng những là biểu hiện quét sạch quân Tàu, khôi phục nền độc lập cho Tổ quốc, nó lại gián tiếp trả thù cho mấy vạn người Nam bị chôn sống ở gò Kềnh Quán nữa (Khi đó bọn Trương Phụ, Mộc Thành vô cớ sang đánh nước Nam, bọn Phạm Tử Nhân, Nguyên Sư Cối phụng mệnh vua nhà Hồ đem mười vạn ra chống, bị Trương Phụ bắt sống, chôn sống, đắp thành đống xương Kềnh Quán ngày nay)”.
Chưa kịp hoàn hồn sau trận “nướng” 20 vạn quân nên vua Thanh, sau khi vua Quang Trung lên tiếng, đã phải “xuống nước” bỏ lệ hằng năm cống nạp người vàng thế mạng Liễu Thăng mà nước Tàu đã áp đặt các vị vua Việt Nam từ năm Đinh Mùi 1427, năm mà tướng giặc Minh này bị quân ta chém bay đầu trong trận Chi Lăng.
Quang Trung được xem là người anh hùng áo vải và là một trong những nhà quân sự xuất sắc trong lịch sử Việt Nam. Dưới thời ông, lần đầu tiên đất nước được thống nhất, toàn bộ đường bờ biển chạy dài từ vịnh Bắc Bộ đến vịnh Thái Lan với hàng ngàn hòn đảo trong đó có các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ngoài Biển Đông đã thuộc về quyền kiểm soát của Nhà nước Đại Việt duy nhất lúc bấy giờ. Tiếp tục công việc của các chúa Nguyễn trước đó, vua Quang Trung vẫn tiếp tục tổ chức các đội Hoàng Sa và Bắc Hải với chức năng chủ yếu là bảo vệ và khai thác vùng quần đảo xa giữa Biển Đông.
Sau 20 năm liên tục chinh chiến và trị quốc, vua Quang Trung lâm bệnh và đột ngột qua đời ở tuổi 40. Những dự định canh tân đất nước, bảo vệ cương thổ… của người anh hùng đã không còn cơ hội thực thi, nhà Tây Sơn cũng vì thế mà suy yếu nhanh chóng. Những người nối nghiệp ông đã không đủ bản lĩnh để lãnh đạo Đại Việt lại còn gây ra mâu thuẫn nội bộ và cuối cùng đánh mất vương triều.
Cuộc đời hoạt động của Quang Trung - Nguyễn Huệ được một số sử gia đánh giá là đã đóng góp quyết định vào sự nghiệp thống nhất đất nước của triều đại Tây Sơn. Tôn vinh người anh hùng áo vải, từ năm 1955 thành phố Đà Nẵng đã đổi tên đường Clémenceau có từ thời Pháp thuộc thành đường mang tên ông, nối từ đường Bạch Đằng đến đường Trần Cao Vân.
LÊ GIA LỘC