Giáo sư Lê Trí Viễn thầy tôi là một người Quảng xa quê nhiều năm, chừng hai phần ba đời người. Một ngày cuối đời Thầy về thăm quê nhà. Tối đến chuyện trò đã vãn mới nghĩ tới việc tìm chỗ ngả lưng qua đêm. Tất nhiên đêm ấy Thầy tôi không ngủ được và Thầy đã ngẫu hứng viết vội một bài tứ tuyệt, với hai câu mở đầu: Có quê mà chẳng có nhà / Đành đem giấc ngủ gửi bà con thôi… Chao ôi, may mà Thầy còn có bà con - những người họ hàng đang sinh sống ở làng quê - để có một chỗ nằm và để có một chỗ làm thơ, chứ nếu không thì… thậm chí chẳng biết lấy cớ gì trở lại cái nơi có quê mà chẳng có nhà ấy nữa.
Nói vậy để thấy làng quê và dòng họ luôn đi đôi với nhau, đến mức một số tộc danh đã trở thành tên làng và mỗi tộc danh như vậy có thể được đặt cho nhiều làng ở các địa phương khác nhau - theo sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra) thì chỉ riêng các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ cũng có tới 36 địa danh mang tên Nguyễn Xá, 35 địa danh mang tên Hoàng Xá, 23 địa danh mang tên Đặng Xá, 21 địa danh mang tên Lê Xá, 19 địa danh mang tên Ngô Xá, 18 địa danh mang tên Vũ Xá, 16 địa danh mang tên Đỗ Xá, 13 địa danh mang tên Đào Xá, 13 địa danh mang tên Bùi Xá, 11 địa danh mang tên Phạm Xá, 10 địa danh mang tên Dương Xá, 7 địa danh mang tên Phan Xá, 6 địa danh mang tên Trần Xá...
Một làng quê bao giờ cũng có nhiều dòng họ cùng chung sống, trong đó có thủy tổ một hoặc một số dòng họ được xem là tiền hiền của làng. Thậm chí có thể nói rằng trong lịch sử lập làng khẩn ấp, chưa hề có làng nào - kể cả những làng mang tộc danh như Bùi Xá, Nguyễn Xá… vừa nêu trên - mà cộng đồng cư dân chỉ thuộc về một dòng họ duy nhất. Lý do đơn giản là ngay trong bản thân một dân làng, xét về phương diện huyết thống cũng đã có liên quan đến ít nhất là bốn dòng họ: thứ nhất là dòng họ của cha và ông nội anh/chị ta, thứ hai là dòng họ của mẹ và ông ngoại anh/chị ta, thứ ba là dòng họ của bà nội anh/chị ta và thứ tư là dòng họ của bà ngoại anh/chị ta. Điều đó có nghĩa là ngay một gia đình cỡ tam đại đồng đường ở trong làng đã có tối thiểu người của ba dòng họ cùng sống chung, trường hợp gia đình có nhiều hơn một nàng dâu thì số lượng này sẽ còn lớn hơn nữa.
Cũng cần nói thêm là trong gia đình Việt Nam truyền thống, nhất là các gia đình tam đại đồng đường hay tứ đại đồng đường, dòng họ có vai trò đáng kể - tất nhiên không đến mức như ở Trung Quốc ngày xưa “coi dòng họ là cơ sở rất quan trọng chi phối cuộc sống hằng ngày của mỗi người dân” (*). Khi có tình trạng phân hóa do sự bùng nổ nhân khẩu của các gia đình đông con nhiều cháu làm phát sinh thêm những phái mới, chi mới của cùng một dòng họ, nhất là khi người xuất phái, xuất chi không có điều kiện tiếp tục quần cư nơi quê hương bản quán, có quê mà chẳng có nhà, phải đến ngụ cư ở làng khác, thậm chí thành lưu dân xa xứ, vấn đề đặt ra là làm thế nào duy trì được ảnh hưởng của dòng họ đối với các gia đình ra riêng ấy.
Để sự phân hóa nói trên không làm mờ nhạt gốc gác tổ tiên, người ta luôn tìm cách tăng thêm khả năng liên kết giữa các gia đình cùng dòng họ, chẳng hạn như thống nhất cùng đặt tên con theo họ kép (thường có hai chữ: chữ đầu để phân biệt với các họ khác, chữ sau để phân biệt với các chi phái cùng dòng họ) hoặc theo quy định về thế thứ (nhìn vào có thể biết một người thuộc vào đời thứ mấy trong dòng họ, chẳng hạn từ sau vua Minh Mệnh thì các đời con cháu hoàng tộc Nguyễn Phước - vốn là một họ kép - được đặt tên kèm theo một chữ trích lần lượt trong mấy câu thơ: Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh - Bảo Quý Định Long Tường...); hay như tổ chức giẫy mả - chạp mả hằng năm với mục đích sâu xa là cho con cháu biết họ biết hàng - biết họ là biết bà con cật ruột, còn biết hàng là biết rõ thế thứ, bởi có khi một người đầu râu tóc bạc mình chỉ gọi bằng anh mà cũng có khi mình phải xưng cháu với một anh chàng rất trẻ...
Điều đáng nói là nhìn từ giác độ làng quê và dòng họ, có thể nhận ra một số bất cập của văn hóa làng hiện nay. Bất cập đầu tiên là sự phân biệt đối xử giữa tộc lớn với tộc nhỏ, giữa dân chính cư với dân ngụ cư tuy không nặng nề như xưa nhưng không phải không có không còn, từ đó dẫn đến không ít nỗ lực chứng minh có thể đúng có thể không đúng với sự thật lịch sử rằng chỉ có thủy tổ dòng họ mình mới là tiền hiền của làng, hoặc dẫn đến tình trạng các dòng họ đua nhau xây dựng nhà thờ tộc cho thật hoành tráng… Bất cập nữa là ảnh hưởng của dòng họ ngoại hãy còn quá mờ nhạt ở không ít gia đình Việt Nam, đặc biệt từ thế hệ cháu trở xuống. Như đã phân tích trên, một gia đình có ít nhất là bốn dòng họ có liên quan, nhưng thường con cháu chỉ biết dòng họ của cha và ông nội mình, cũng có thể biết thêm dòng họ của mẹ và ông ngoại mình, trong khi phần đông biết rất mơ hồ, thậm chí không biết về họ của bà nội mình và nhất là họ của bà ngoại mình. Đó là mới chỉ nói đời cháu chứ đời chắt trở đi, sự thể càng đáng buồn hơn.
Càng ngẫm nghĩ càng thấy bất cập, bất công và bất nhẫn nữa, bởi như đã nói về quan hệ huyết thống thì một con người sinh ra trong cõi nhân gian này đâu chỉ có máu cha là đủ. Sự bất cập, bất công và bất nhẫn vừa nêu bắt nguồn từ quan niệm “nữ nhân ngoại tộc”, bằng chứng là nhiều cuốn gia phả không có ý thức ghi hoặc ghi rất ít về các nàng dâu của dòng họ, không có ý thức ghi hoặc ghi rất ít về các chàng rể và cháu ngoại - mà cũng chỉ dừng lại ở cháu ngoại, không bao giờ ghi chắt ngoại. Thành thử dòng họ với huyết thống nói ở trên kia đều là các khái niệm chưa đầy đủ, chưa bao giờ đầy đủ, còn câu tục ngữ quen thuộc “họ chín đời chưa rời nhau ra” chỉ đúng khi hiểu họ là họ của cha và ông nội mình.
BÙI VĂN TIẾNG
(*) Phan Đại Doãn, Nguyễn Toàn Minh: Chuyên đề Một số vấn đề làng xã trong lịch sử Việt Nam, trong cuốn Một số chuyên đề về lịch sử Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, trang 178.